(Tổ Quốc) - Trước thực trạng nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam muốn sang Nhật học tập bị các công ty môi giới lừa đảo, Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội cùng Sở GDĐT Hà Nội đã có thông báo về tình trạng này và cung cấp giải pháp BÀN TƯ VẤN dành cho các bạn trẻ Việt Nam muốn tìm hiểu thông tin về du học tại Nhật.
Số lượng thực tập sinh kỹ năng và lưu học sinh Việt Nam nhập cảnh Nhật Bản tăng nhanh là điều đáng mừng. Bên cạnh đó, tình trạng nhiều bạn trẻ Việt Nam bị một số công ty môi giới thiếu đạo đức lừa dối, phải mang theo gánh nặng nợ nần khi sang Nhật, không trả được nợ nần và do cư trú bất hợp pháp nên bị bắt giữ tại Nhật cũng gia tăng.
Con số người bị hại không chỉ gia tăng trong số thực tập sinh kỹ năng và lưu học sinh mà cả với những đối tượng là kỹ sư (kỹ thuật viên).
Các công ty thiếu đạo đức đang biến các bạn trẻ Việt Nam thành những món mồi ngon.
Các bạn hãy thận trọng đừng để bị mắc lừa bởi những lời mời chào ngon ngọt kiểu như "chúng tôi sẽ giúp bạn đi Nhật"!
Thực tế là không thể "nhập cảnh Nhật Bản bằng visa du lịch ngắn hạn, rồi sẽ tìm được việc làm ở Nhật ngay và sau đó có thể đổi sang visa dài hạn" như có kẻ mồi chài.
Trong số những công ty phái cử được cấp phép cũng có công ty tìm cách nâng các khoản lệ phí với nhiều khoản mục khác nhau. Cũng có công ty hối thúc kiểu như "nếu không nộp lệ phí ngay thì sẽ không đi Nhật được" để yêu cầu người lao động phải nộp gấp một khoản lệ phí lớn.
Theo Thông tư của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quy định thì mức lệ phí áp dụng cho thực tập sinh kỹ năng có hợp đồng 3 năm là 3.600 USD trở xuống. Nghiêm cấm thu tiền ký quỹ, cấm thu bất cứ khoản kinh phí nào từ thực tập sinh trước khi thực tập sinh được cấp Giấy chứng nhận tư cách lưu trú.
Các bạn đừng trả mức lệ phí với số tiền lớn hơn nhé.
Ngoài ra, bạn hãy nhận phiếu thu tiền khi nộp các khoản lệ phí. Nếu bạn bị lừa dối và đã nộp tiền nhưng lại không nhận phiếu thu thì sẽ chẳng thể nào đòi lại được tiền.
Trường hợp bị hại 1
Công ty môi giới lao động mồi chài rằng "nhập cảnh bằng visa lưu trú ngắn hạn, sau đó đổi sang visa cư trú dài hạn được ngay và có thể làm việc ở Nhật 3 năm", rồi yêu cầu nộp một khoản tiền lớn. Nạn nhân trả cho công ty đó 300 triệu đồng, sang Nhật bằng visa du lịch, công việc không có, chỉ có khoản nợ còn đó.
Trường hợp bị hại 2
Nộp tiền ký quỹ và học phí hàng tháng mất mấy nghìn đô la Mỹ, chờ suốt bao nhiêu tháng mà không có xí nghiệp tiếp nhận, không sang Nhật được. Yêu cầu công ty trả lại tiền nhưng không được hoàn trả đầy đủ.
Nếu bạn nghĩ rằng công ty môi giới có vẻ đáng ngờ…
Nếu bạn gặp rắc rối thì hãy trình báo với công an. Bên cạnh đó, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (DOLAB), Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện việc quản lý và giám sát các công ty phái cử.
Với mục đích giúp các bạn trẻ Việt Nam không bị vướng vào rắc rối, một nhóm luật gia thiện nguyện người Nhật Bản và Việt Nam đã thiết lập Bàn tư vấn tại Hà Nội. Bên cạnh việc tiếp nhận các thông tin qua điện thoại, e-mail hoặc tin nhắn SMS và tư vấn về các rắc rối gặp phải với các công ty môi giới, Bàn tư vấn cũng cung cấp các thông tin cần thiết để tránh bị các công ty môi giới thiếu đạo đức lừa đảo. Ngoài ra, Bàn tư vấn cũng kêu gọi mọi người cung cấp thông tin về các công ty môi giới thiếu đạo đức.
INFORMATION EXCHANGE FOR VIETNAMESE GO TO JAPAN (gọi tắt là IEVJ)
Website (có mục liên hệ bằng e-mail) http://ievj.net/
Facebook (từ chức năng Messenger có thể gửi nội dung cần trao đổi) https://www.facebook.com/DỰ-ÁN-IEVJ-Trao-đổi-thông-tin-cho-người-Việt-đi-Nhật-1425662947580339/