(Tổ Quốc) - Thời điểm này, nếu như không có dịch Covid-19 xảy ra thì Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn, nhộp nhịp du khách...
Thành phố biển những năm trước khi dịch Covid-19 ập tới, mỗi chiều về, du khách tắm biển đông kín, các khách sạn, nhà hàng hoạt động liên tục, hết công suất để phục vụ cho khách thập phương.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 tái bùng phát vào đầu tháng 5, thành phố tạm dừng nhiều hoạt động để phòng chống dịch. Những ngày này, dọc những con đường ven biển tuyệt đẹp ở Đà Nẵng, cảnh đìu hiu, vắng lặng.
Ghi nhận tại một số khu phố du lịch ven biển thuộc quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn. Khu vực này khi dịch chưa xảy ra thì thu hút rất lớn lượng khách du lịch đổ về vui chơi tắm biển, thưởng thức hải sản… Thế nhưng thời điểm này, nhiều nhà hàng, khách sạn trên đường Hoàng Sa, Nguyễn Văn Thoại, Võ Nguyên Giáp, Hồ Nghinh, Phạm Văn Đồng… rơi vào cảnh ế ẩm, cửa đóng then cài. Một số khách sạn mở cửa nhưng không có khách, chỉ có 1-2 nhân viên ngồi trực và bấm điện thoại để "giết thời gian".
Đặc biệt, các nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn Hàn Quốc, Trung Quốc trước đây chưa có dịch thì thường kín khách, nay rơi vào cảnh xác xơ, xuống cấp do đóng cửa trong thời gian dài.
Ngồi buồn bã trong nhà hàng, anh Nguyễn Anh Tuấn (nhân viên một nhà hàng hải sản trên đường Nguyễn Văn Thoại) cho biết, anh được chủ nhà hàng thuê ở lại để trông coi nhà hàng, còn các nhân viên khác đã về quê từ lâu vì dịch Covid-19.
Theo anh Tuấn, thời điểm trước khi dịch xảy ra thì nhà hàng đông nghịt khách tới ăn uống vì đúng kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát đầu tháng 5 đã khiến việc kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Trước kia chưa có dịch xảy ra thì nhà hàng có từ 30-40 nhân viên phục vụ, mỗi ngày thu về khoảng 700 triệu đồng. Nhưng giờ dịch chủ cho nhân viên nghỉ hết. Còn mình tôi được chủ cho ở lại để trông coi tài sản", anh Tuấn buồn bã nói.
Cùng cảnh ngộ, chị Lê Thị Ngân (quản lý một khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp) cho biết, gần một tháng qua, chị cùng một số nhân viên phải chia ca đi làm để duy trì hoạt động tại khách sạn, cũng chính vì vậy tiền lương giảm nhiều so với trước.
"Đà Nẵng trải qua mấy đợt dịch khiến việc kinh doanh du lịch gặp vô vàn khó khăn, những năm trước thời điểm này thì các phòng đã kín, còn bây giờ khách sạn tôi phải chịu lỗ để duy trì hoạt động trong tình cảnh khách không có", chị Ngân nói.
Chủ một khách sạn trên đường Phạm Văn Đồng cho hay, đã cho nhân viên nghỉ việc về quê, hiện chỉ còn 2-3 người ở lại luân phiên thay nhau dọn dẹp, trông coi khách sạn. Mấy đợt dịch trước, khách sạn còn hỗ trợ nhân viên một ít tiền để khi hết dịch họ quay lại làm. Đợt dịch này đã khiến khách sạn thực sự khó khăn. Không mở cửa cũng lỗ mà mở cửa càng lỗ hơn, vì không có khách mà chi phí vận hành cao. Một số chủ đầu tư khách sạn không trụ nổi đã tìm cách chuyển nhượng, rao bán.
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, các chủ đầu tư khách sạn hiện cân nhắc giữa việc đóng hay mở, tình hình "căng" hơn các đợt dịch trước. Có một số khách sạn lớn đã tuyên bố đóng cửa luôn hết năm nay, nếu mở mà không có khách lại thiệt hại nặng hơn.
"Họ đóng để chờ thị trường phục hồi và không phải trang trải quá nhiều chi phí. Còn một số khách sạn chuyển nhượng, rao bán thì đó là quy luật thị trường thôi. Chủ đầu tư nào mà tiềm lực tài chính không đủ để giữ thì họ chấp nhận chuyển nhượng. Hoặc chủ đầu tư mặc dù có tài chính nhưng họ thấy ngành kinh doanh này không còn sinh lợi nhiều nữa thì họ cũng chuyển nhượng thôi", ông Dũng cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cũng chia sẻ thêm, các doanh nghiệp du lịch cũng đang chuẩn bị một số gói du lịch nhỏ để khi nào thành phố cho phép du lịch hoạt động trở lại thì phục vụ. Tuy nhiên, lần này không thể làm các đoàn lớn được nữa, vì khách hàng cũng dè dặt rồi. Và cũng không kích cầu du lịch theo gói nữa vì rất rủi ro, nếu dịch tiếp tục xảy ra ở một số địa phương thì lại thất bại về gói kích cầu này.
"Chủ yếu tập trung vào những gói sản phẩm nhỏ, ít rủi ro hơn phục vụ khách địa phương, các tỉnh lân cận là chính, còn khách xa bay về thì sẽ chuẩn bị dần. Bây giờ có nhanh thì qua tháng 7 mới triển khai được, nếu tháng 7 không kịp thì mất luôn mùa hè. Nhưng tâm lý khách thì vẫn không ồ ạt, còn e dè vì tình hình phức tạp của dịch bệnh, nên khả năng không phục hồi được bao nhiêu. Có thể năm nay mất luôn mùa du lịch", ông Dũng nói.
Một số hình ảnh khách sạn vắng lặng, nhà hàng xơ xác do phóng viên ghi lại: