(Tổ Quốc) - Tiếp theo chương trình kỳ họp bất thường thứ nhất, chiều nay (10/1), Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Nên xem xét lùi thời hạn hoàn thành dự án
Bày tỏ lo lắng về tiến độ thực hiện dự án mà Chính phủ đã đề ra trong dự thảo là 2021-2025, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, theo tính toán cần khoảng 3 năm để hoàn thiện các bước quy định để khởi công, trong đó có một số dự án thành phần được giao cho các địa phương, tiến độ dự án phụ thuộc nhiều vào công tác giải phóng mặt bằng, vốn là một khâu rất mất thời gian, công sức và thường khiến tiến độ các dự án bị chậm trễ. Ngoài ra cũng cần khoảng 3 năm để thi công, hoàn thành công trình.
Hơn nữa, nhiều khó khăn có thể gặp trong quá trình triển khai công trình, là vấn đề khó khăn về nguyên vật liệu thi công. Trong giai đoạn 2022-2023 có nhiều dự án quan trọng trong cả nước được khởi công theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế nên nhu cầu về vật liệu xây dựng càng lớn hơn rất nhiều.
Trong Tờ trình của Chính phủ có nêu sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương sẽ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương đánh giá cụ thể về nhu cầu sử dụng, nhu cầu nguồn cung cấp vật liệu, hiện trạng khai thác, trên cơ sở đó sẽ phối hợp với các địa phương triển khai ngay việc điều chỉnh quy hoạch nếu cần thiết và thực hiện nâng công suất, gia hạn các mỏ đang khai thác, cấp phép mỏ mới, đảm bảo đủ nguồn cung vật liệu cho dự án.
"Như vậy, việc đánh giá nhu cầu sử dụng vẫn đi sau, bị động và chưa có gì đảm bảo chúng ta sẽ khai thác đủ nguyên vật liệu để tiến hành dự án trong thời gian đã nêu. Hơn nữa, việc nâng công suất khai thác, cấp phép mỏ mới nếu làm vội vã, thiếu thận trọng và thiếu sự đánh giá kỹ lưỡng sẽ để lại nhiều hậu quả, tác động rất xấu tới môi trường và cuộc sống của người dân" - ĐB Nga cảnh báo.
Một lý do khác mà ĐB này nêu, đó là trong báo cáo của Chính phủ có nêu trường hợp không phát sinh các tình huống phức tạp đến cuối năm 2025 có thể thông xe kỹ thuật toàn bộ các dự án thành phần và các tình huống phức tạp được ghi chú là ảnh hưởng của bão lũ, của điều kiện thời tiết bất thường dẫn đến phải dừng thi công.
"Trong khi đó, dự án này chủ yếu nằm ở đoạn miền Trung của đất nước, việc thiên tai, bão lũ hàng năm là không tránh khỏi, cho nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án" - ĐB Nga nêu rõ.
Vị ĐB đoàn Hải Dương đề nghị Quốc hội xem xét lùi thời hạn thực hiện dự án, không nhất thiết phải hoàn thành năm 2025. Ngoài ra, trong dự thảo của nghị quyết không để là "cơ bản hoàn thành" mà vì khái niệm này không mang tính định lượng, kết quả nghiệm thu một dự án, công trình phải mang tính định lượng rõ ràng.
Cần có cơ chế đặc thù
ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Đoàn Hà Giang) cho rằng, đây là tuyến đường chiến lược. Vì vậy, Quốc hội cần áp dụng cơ chế đặc thù phát triển, phục hồi kinh tế. Tuyến đường mà làm nhanh chính là phục hồi kinh tế nhanh. Theo đó, cần chỉ định thầu từ thiết kế, giải phóng mặt bằng, kể cả thi công, như vậy mới sớm hoàn thành 5.000km đường cao tốc theo quy hoạch.
ĐB Định bày tỏ băn khoăn, theo dự thảo thì trong năm 2021-2022 là giai đoạn chuẩn bị dự án, 2022-2023 giải phóng mặt bằng, như vậy đã mất 1 năm và 2023 mới khởi công, đến năm 2025 cơ bản được hoàn thành, với tiến độ này là không hợp lý và cần xem xét lại.
"Nếu không có cơ chế đặc thù thì phải làm nhanh thủ tục trong năm 2022 và sau khi làm xong thủ tục thì giải phóng mặt bằng đến đâu làm đến đó, đấu thầu luôn, làm song song như thế mới có thể bảo đảm tiến độ được" - ĐB Định đưa ra quan điểm.
Đồng quan điểm này, ĐBQH Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) bày tỏ hoài nghi với tiến độ mà dự án này đặt ra: "Chỉ trong 2022 đến 2025 mà thực hiện được dự án này thì tôi nghĩ rất khó khăn. Thực tế giai đoạn 1 đến 2021 có những dự án đến nay mới làm xong giải phóng mặt bằng và thi công được khoảng 5 đến 10%, bây giờ dự án này bảo là thi công đến năm 2025 hoàn thành thì không khả thi " - ông Gia nói.
Để thực hiện được việc này, ĐB Trần Đình Gia cho rằng cần có những cơ chế đặc thù đủ mạnh trong việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục như quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật…và kể cả giải phóng mặt bằng.
Đề xuất Chính phủ thành lập quỹ để thu hút đầu tư tư nhân xây cao tốc Bắc - Nam
ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Đoàn TP Hà Nội) đề nghị, để tiếp tục thực hiện các dự án thành phần tiếp theo của cao tốc Bắc – Nam, phải đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật và chính sách để thu hút đầu tư tư nhân tham gia. Để tiếp sức cho đầu tư tư nhân có thể tham gia vào điều này, Chính phủ nên thành lập quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để có thể cho nhà đầu tư tư nhân vay nhằm xây dựng các cơ sở hạ tầng về giao thông, thay vì Nhà nước tự mình phải đầu tư. Có thể chuyển một phần vốn đầu tư công sang để thực hiện quỹ nhằm hỗ trợ cho đầu tư tư nhân.
Nên thiết kế dải phân cách cơ động
Nêu dẫn chứng từ tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dù mỗi bên có 3 làn nhưng cứ buổi sáng thì làn bên này kín đặc người, còn bên kia 3 làn để trống và buổi chiều thì ngược lại, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) đề nghị việc thiết kế dải phân cách nên học tập các nước là thiết kế giãn cách cơ động.
"Người ta sẽ sử dụng một xe chạy dọc, như vậy nó dịch chuyển, phân bố lại các làn đường để chúng ta tăng công suất sử dụng" - ĐB Hoàng Văn Cường nói.