(Tổ Quốc) - Cùng với việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn hiện nay, theo các chuyên gia, nhà quản lý, để tạo điều kiện cho ngành Quảng cáo phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, trở thành một "mắt xích" quan trọng cho nền công nghiệp văn hóa cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Ngành kinh doanh năng động
Theo bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL, nếu năm 2013, cả nước mới chỉ có trên 5.500 doanh nghiệp quảng cáo thì đến năm 2019 đã có trên 13.000 doanh nghiệp quảng cáo và tổ chức sự kiện. Đây là ngành kinh doanh năng động, thu hút doanh nghiệp trẻ tham gia kinh doanh khởi nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Hoạt động quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo, trang thông tin điện tử, mạng xã hội thiết bị điện tử thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác đang phát triển vô cùng mạnh mẽ góp phần vào việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết thêm, hiện nay ngành quảng cáo đã có logo, nhận diện thương hiệu riêng của "Giải thưởng quảng cáo sáng tạo Việt Nam".
Sự kiện quốc gia "Giải thưởng quảng cáo sáng tạo Việt Nam" đã được tổ chức lần đầu tiên năm 2021 và tiếp tục được tổ chức vào các năm tiếp theo nhằm tôn vinh, đánh giá sự sáng tạo của ngành quảng cáo; những yếu tố tích cực của quảng cáo trong gìn giữ văn hóa, đạo đức, nâng cao trách nhiệm cộng đồng; góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành quảng cáo Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo được ban hành đã tạo nên một sân chơi lành mạnh, công bằng, trong đó tự bản thân các doanh nghiệp quảng cáo có sự kiểm soát lẫn nhau trong việc thực hiện các chuẩn mực về quảng cáo, góp phần hạn chế những nội dung quảng cáo kém chất lượng.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, ngoài doanh thu, quảng cáo là công cụ truyền tải thông điệp tích cực đến cộng đồng, góp phần đưa văn hóa Việt Nam bước ra thế giới.
Lợi thế của Việt Nam trong lĩnh vực này đó là luôn cập nhật những hình thức quảng cáo mới và tận dụng được sự phát triển của công nghệ. Theo lãnh đạo Hiệp hội, Việt Nam là nước có đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin dồi dào, lượng người tiếp cận internet nằm ở top đầu khu vực. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội giúp quảng cáo dễ lan tỏa và tạo tác động lớn đến hành vi người dùng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trường Sơn, hoạt động quảng cáo Việt Nam từ trước đến nay bị chi phối, ràng buộc bởi những yếu tố đặc thù về văn hóa, con người, các mối quan hệ xã hội, kinh tế… nên đứng trước rất nhiều thách thức về cơ sở pháp lý; các bộ luật, nghị định, văn bản pháp luật… còn chưa có sự đồng nhất.
Các khía cạnh quảng cáo liên quan đến nhiều bộ ngành cần sự phối hợp đồng bộ những chưa thực sự được như mong muốn. Việc nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu còn yếu, khó có căn cứ hoạch định kế hoạch phát triển cho mỗi giai đoạn.
Về thách thức của các doanh nghiệp quảng cáo, ông Sơn cho biết, hầu hết các hoạt động doanh nghiệp quảng cáo trong nước hoạt động theo bản năng, trào lưu, thiếu sự phân tích dữ liệu thị trường, thiếu sự liên kết với nhau, thiếu nguồn nhân lực, kết quả không đạt được như mong đợi và khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngành Quảng cáo phát triển
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, một trong những mục tiêu phát triển của ngành quảng cáo đó là trở thành một "mắt xích" quan trọng, bộ phận cấu thành của ngành Công nghiệp văn hóa của Việt Nam.
Để ngành quảng cáo góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, bà Ninh Thị Thu Hương cho rằng, cần tăng cường nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp về tầm quan trọng cũng như tiềm năng của hoạt động quảng cáo đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Việc nâng cao nhận thức xã hội phải thông qua nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền, tổ chức sự kiện lớn cho ngành.
Bài học của thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy, ngành quảng cáo và các ngành công nghiệp văn hóa đang thực sự trở thành tâm điểm của nền kinh tế. Các Bộ, ngành, địa phương nếu phát huy được vai trò của ngành quảng cáo và các ngành công nghiệp nhóm văn hóa sẽ góp phần đa dạng hóa cơ cấu các ngành nghề trong cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững. Do vậy, việc nâng cao nhận thức về vai trò của quảng cáo trong đời sống xã hội; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quảng cáo là hết sức cần thiết.
Giải pháp thứ hai là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quảng cáo: Thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo. Tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển. Đảm bảo tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan.
Nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo, thúc đẩy các hoạt động quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội. Thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trong khuôn khổ của pháp luật.
Thứ ba, có cơ chế thu hút nguồn lực từ xã hội tham gia vào quá trình phát triển các ngành quảng cáo và các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực quảng cáo, văn hóa còn tương đối eo hẹp, việc thu hút các nguồn vốn từ các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đầu tư vào các lĩnh vực của ngành quảng cáo và các ngành công nghiệp văn hóa là hết sức quan trọng, không chỉ cung cấp thêm vật lực mà còn tạo động lực mới cho các lĩnh vực được đầu tư.
Muốn hoạt động quảng cáo Việt Nam phát triển, buộc phải thay đổi một tư duy vô cùng quan trọng: đó là chấm dứt tư duy quản lý công cụ quảng cáo, phải để cho các doanh nghiệp phát triển mạnh các loại hình quảng cáo mới được nghiên cứu, phát triển từ thế giới, cần tập trung quản lý nội dung quảng cáo và chính sách phát triển các sản phẩm được phép quảng cáo và kinh doanh trên thị trường.
Đồng thời, cần xây dựng chính sách khuyến khích các giải pháp quảng cáo ứng dụng công nghệ, làm đẹp cảnh quan, an toàn xã hội, hạn chế các loại hình quảng cáo gây mất mỹ quan hoặc mất an toàn cho sự phát triển của đô thị.
Thứ tư, coi trọng sự phối hợp chặt chẽ giữa phát triển ngành quảng cáo với các ngành công nghiệp văn hoá. Ngành quảng cáo là một mắt xích quan trọng và là một bộ phận cấu thành các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển bền vững. Cần có sự giao thoa, kết nối tạo nên màu sắc, diện mạo, sức sống mới trong việc kết hợp quảng cáo với điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa.
Thứ năm, tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin thúc đẩy hoạt động quảng cáo phát triển. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nền kinh tế, các ngành công nghiệp văn hóa cũng đang có quá trình số hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa văn hóa đến người tiêu dùng.
"Số hóa tạo nên sự thay đổi về chất trong các ngành công nghiệp văn hóa. Vì vậy, hoạt động quảng cáo cũng cần tận dụng vai trò của công nghệ thông tin trong việc khai thác các tiềm năng lợi thế về văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa" - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh.
Hy vọng rằng, từ nhận thức đúng đắn, bằng những giải pháp hữu hiệu của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, lĩnh vực quảng cáo của Việt Nam trong thời gian tới sẽ phát triển một cách mạnh mẽ hơn nữa, sớm đạt mục tiêu trở thành một "mắt xích" quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa, qua đó đóng góp nhiều hơn, thiết thực hơn cho kinh tế xã hội của đất nước./.