• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Cha mẹ, thầy cô không hiểu tâm lý của trẻ em, cũng chưa tin tưởng chúng con"

Giáo dục 13/12/2019 23:04

(Tổ Quốc) - Đây là một trong nhiều nguyên nhân của việc người lớn bạo hành, trừng phạt, đánh mắng trẻ được các bạn học sinh chia sẻ tại buổi đối thoại Thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em diễn ra sáng 13/12, tại Hà Nội.

Việc trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ em hiện nay rất phổ biến

Chia sẻ tại Hội thảo, 9 học sinh đại diện cho trẻ em 3 miền Bắc, Trung, Nam, chia sẻ cả nguyên nhân, hậu quả của việc đánh mắng trẻ và đưa ra các giải pháp và thông điệp. Theo các em, "có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ em bị đánh mắng nhưng chủ yếu vì cha mẹ, thầy cô không hiểu tâm lý của trẻ em, và có các biện pháp giáo dục, đồng hành với chúng con, cũng chưa tin tưởng chúng con".

Các em đã đưa ra thông điệp tới người lớn là: Hãy giáo dục trẻ em bằng tình yêu thương, Dạy trẻ không dọa trẻ, và Trẻ nên người không phải bởi đòn roi. Đây là các thông điệp rất ý nghĩa và đánh động tới tất cả những người tham gia sự kiện.

"Cha mẹ, thầy cô không hiểu tâm lý của trẻ em, cũng chưa tin tưởng chúng con" - Ảnh 1.

Các bạn học sinh phát biểu thông điệp của trẻ em tại hội thảo

Tại Hội thảo, các khách mời cũng chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm về việc chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em, và cùng các tổ chức, đơn vị… trao đổi để tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân, thách thức nhằm tìm kiếm các giải pháp, đề xuất để trẻ em được sống và lớn lên trong môi trường an toàn, nơi không có bạo lực, xâm hại, trừng phạt, nơi các em được bảo vệ và phát huy sự tham gia của mình.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em cho biết, nguyên nhân được tổng hợp chi tiết đến từ cả nhận thức của cha mẹ, thầy cô, cộng đồng và cả các cán bộ nhà nước, chính quyền địa phương.

Tuy Luật trẻ em và các chính sách liên quan đã quy định rõ cấm các hành vi bạo lực trẻ em, nhưng nếu chưa có nêu rõ ràng bao gồm cả các hành vi trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em, việc đánh mắng trẻ dễ bị diễn giải là "giáo dục trẻ" chứ không phải bạo lực, bà Hồng tỏ ra lo ngại.

Từ rất nhiều các nguyên nhân được phân tích kỹ lưỡng, mạng lưới đã đưa ra một loạt các giải pháp, chú trọng vào việc hoàn thiện chính sách pháp luật và hướng dẫn thực thi chi tiết tới các cấp địa phương, xây dựng cơ chế phối hợp với các tổ chức xã hội trong giáo dục cộng đồng và giám sát thực hiện, và đặc biệt là thúc đẩy sự tham gia và tiếng nói của trẻ em.

Bà Hồng nhấn mạnh "Thông điệp của chúng tôi là Lan tỏa yêu thương - Đẩy lùi bạo lực. Tất cả các bên liên quan cần chung tâm, chung trí, chung sức và hành động bảo vệ trẻ em, hoàn toàn chấm dứt trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em dưới mọi hình thức".

Phản hồi những thông điệp này, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em chia sẻ "Tôi rất ấn tượng với các thông điệp và giải pháp được trao đổi trong đối thoại. Lắng nghe trẻ em và các tổ chức xã hội là rất quan trọng. Đây sẽ là nguồn tham khảo thiết thực cho chúng tôi trong các kế hoạch xây dựng chính sách pháp luật và các chương trình hỗ trợ bảo vệ trẻ em trong thời gian tới".

Tiếp nối ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhiều đại biểu cũng đưa ra thêm nhiều ý kiến, quan điểm phong phú, trong đó khẳng định việc trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ em hiện nay rất phổ biến, đặc biệt trong môi trường gia đình và nhà trường và cần có các giải pháp mang tính tổng thể, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan để chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em.

Nhiều cơ quan, tổ chức đồng hành cùng chiến dịch Lan tỏa yêu thương

Cũng trong sáng nay, BTC cũng đã tổng kết chiến dịch "Lan tỏa yêu thương 2019 - Yêu thương đẩy lùi bạo lực". Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD cho biết, chiến dịch thành công là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, tổ chức… nhưng quan trọng hơn cả là chiến dịch đã truyền cảm hứng cho tất cả các bên liên quan trong việc lan tỏa các giá trị yêu thương tích cực để đẩy lùi bạo lực.

Bà Linh bày tỏ hy vọng, các thông điệp rất cụ thể của chiến dịch "Không đánh con", "Không quát mắng con", "Cùng con tìm giải pháp", "Giáo dục tích cực", "Đồng hành cùng con" và các thử thách 21 Ngày lan tỏa yêu thương của chiến dịch có ý nghĩa với cha mẹ thầy cô.

Bà Linh mong muốn, mọi người hãy hướng đến những cách giáo dục tích cực để trẻ được sống trong vòng tay yêu thương, được phát triển toàn diện, tự tin vào bản thân mình và phát huy được những tố chất, khả năng đặc biệt mà trẻ có.

"Cha mẹ, thầy cô không hiểu tâm lý của trẻ em, cũng chưa tin tưởng chúng con" - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thái An, Phó Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương

Tham dự hội thảo, ông Nguyễn Thái An, Phó Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương bày tỏ vui mừng được đồng hành cùng chiến dịch, nhìn thấy chiến dịch đạt được những hiệu quả rõ rệt. Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Hội đồng đội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng MSD, và các tổ chức xã hội trong giáo dục cộng đồng bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại.

Ông Vương Đình Giáp, Giám đốc thực thi chương trình, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho rằng, đảm bảo quyền được bảo vệ trẻ em, trong đó bạo lực đối với trẻ em sẽ không còn được dung túng là một trong ba bước đột phá đến năm 2030 của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em.

Ông Giáp cho biết, các chương trình can thiệp, các hoạt động vận động chính sách của Tổ chức đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường các giải pháp về loại bỏ các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần đối với trẻ em.

Ông bày tỏ sự vui mừng khi được đồng hành cùng chương trình, đồng thời kêu gọi việc thực hiện những phương pháp giáo dục tích cực để trẻ được sống trong tình yêu thương, được phát triển toàn diện, phát huy được hết những tiềm năng của mình.

"Cha mẹ, thầy cô không hiểu tâm lý của trẻ em, cũng chưa tin tưởng chúng con" - Ảnh 3.

Hình minh họa

Trong khuôn khổ hội thảo, BTC cũng dành thời gian cho 2 tọa đàm chuyên môn: Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em để chấm dứt trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em với sự tham gia của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Chi hội Bảo trợ trẻ em Hóc Môn (Ceporer Hóc Môn - TP.Hồ Chí Minh), Trung tâm Công tác xã hội Quảng Nam đã đi sâu chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình hoạt động với trẻ em để thúc đẩy các em tham gia, lên tiếng đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp, đảm bảo quyền được tham gia của các em theo Công ước Quốc tế và Luật Trẻ em Việt Nam.

Và tọa đàm Thúc đẩy kỷ luật tích cực trong nhà trường và gia đình hướng đến các bậc phụ huynh, giáo viên, nhà trường và những người trực tiếp chăm sóc trẻ. Tại đây, các diễn giả đến từ Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (VIGEF), Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (SCI), tổ chức Good Neighbor International, Câu lạc bộ làm cha mẹ tốt - Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung (CRD) đã cùng nhau trao đổi, góp ý đánh giá bổ sung về quá trình xây dựng trường học an toàn hạnh phúc, áp dụng kỉ luật tích cực và lắng nghe, đồng hành, làm bạn với trẻ tại gia đình và nhà trường để đẩy lùi đòn roi, mang lại cho trẻ sự giáo dục hiệu quả nhất.

Hai tọa đàm góp thêm nhiều ý kiến thiết thực về những thách thức và nguyên nhân, để từ đó tìm ra các giải pháp cũng như khuyến nghị cho các bên liên quan. Trên cơ sở các nội dung được trao đổi, thảo luận, BTC xem xét, đề xuất chương trình hành động cho thời gian tới.

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ