• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Thủ tướng, Phó Thủ tướng gay gắt nhắc nhở nhưng vẫn chây ì do ngại "đụng chạm"

Kinh tế 27/09/2019 09:07

(Tổ Quốc) - Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công quá chậm khiến lãnh đạo Chính phủ vô cùng sốt ruột. Đây cũng là vấn đề "nóng" trong các kỳ họp Quốc hội, các hội nghị, hội thảo... về kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ cắt, chuyển vốn dự án đầu tư công tại nơi giải ngân chậm sang địa phương, bộ, ngành khác hiệu quả hơn.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Có thấy vô cảm không?

Theo quy luật, muốn tăng trưởng kinh tế thì phải tăng đầu tư. Đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhiều nền kinh tế, nhất là những nước đang phát triển. Tuy nhiên, đầu tư công những năm gần đây lại đang rất chậm, như "cục máu đông" cản trở sự phát triển của nền kinh tế.

Tình trạng giải ngân đầu tư công chậm trễ luôn là vấn đề nóng trong các kỳ họp Quốc hội, các hội nghị, hội thảo... về kinh tế. Đây cũng là "điểm mờ" trong bức tranh sáng của nền kinh tế, thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước thời gian gần đây.

Tại hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công ngày 26/9, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2019 Quốc hội phân giao 429.300 tỷ vốn đầu tư công. Số vốn giao kế hoạch chi tiết đã đạt hơn 367.000 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán Quốc hội giao.

Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, vốn giải ngân vẫn đang rất chậm, thấp hơn 2018. Hết tháng 9/2019 số vốn giải ngân mới đạt hơn 192.130 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch Quốc hội giao, trong đó thấp nhất là giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ, ODA.

Đầu tư công hiện chiếm gần 11% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019, nhưng giải ngân quá chậm khiến lãnh đạo Chính phủ vô cùng sốt ruột.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, vốn là yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP, nếu giải ngân chậm sẽ ảnh hưởng trước tiên, trực diện tới tăng trưởng kinh tế. Người đứng đầu Chính phủ chỉ ra nhiều hậu quả lớn do chậm giải ngân vốn đầu tư công, "nút thắt cổ chai" đối với nền kinh tế và nhấn mạnh, quyết cắt vốn, chuyển vốn từ các công trình, dự án của bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để các bộ, ngành, địa phương khác sử dụng có hiệu quả, kịp thời hơn.

"Chúng ta phải thấy trách nhiệm trước đất nước, trước xã hội chứ không thể đổ cho nguyên nhân khách quan...Tại sao người ta làm được mình lại chậm trễ? Chậm do vốn, thủ tục phức tạp hay tinh thần thái độ không tích cực?", Thủ tướng nhắc nhở.

Về vấn đề này, sáng 19/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ  cũng đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành và lãnh đạo hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để đốc thúc tình hình, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng đã nêu các yếu kém trong quản lý đầu tư của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, yếu kém của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

"Tình hình cấp bách nóng bỏng. Giải ngân vốn đầu tư công đã là áp lực nội tại của Chính phủ rồi. Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị và nhiều thông báo kết luận cuộc họp chuyên đề của Phó Thủ tướng về vấn đề này nhưng giải ngân còn chậm hơn cả cùng kỳ các năm trước. Các đồng chí có thấy vô cảm không?", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gay gắt nói.

du-an-tai-tieng-duong-sat-cat-linh-ha-dong-ngon-ngang-nhech-nhac-truoc-ngay-di-vao-hoat-dong13-1552464702562314812647-1554775223404783787257

Ảnh minh hoạ.

Ngại, sợ vướng và muốn "giữ ghế"?

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công có thể sẽ lặp lại trong nhiều năm nữa nếu những vấn đề căn cơ không được giải quyết.

Theo ông Cung, Luật Đầu tư công hiện nay chưa giải quyết được vấn đề nâng cao hiệu quả đầu tư công và đầu tư nhà nước nếu chỉ chuyển từ Chính phủ quyết sang Quốc hội quyết hay ngược lại. Bởi việc phân bổ nguồn lực chưa theo những nguyên tắc của thị trường, các dự án đầu tư chưa được lựa chọn dựa trên việc đánh giá mức độ hiệu quả kinh tế. "Chỉ khi làm được như vậy thì mới quy định được trình tự thẩm quyền, anh này được làm cái này, anh kia được làm cái kia, chứ chưa quy định được thì tình hình vẫn sẽ rất khó", ông Cung nói.

Một số chuyên gia kinh tế cũng chia sẻ quan điểm, để khắc phục những hạn chế của đầu tư công hiện nay, cần sửa Luật Đầu tư công hướng tới các nguyên tắc quản lý đầu tư công, cơ chế chính sách quản lý đầu tư công trong nền kinh tế thị trường. Từ đây sẽ tạo ra phân cấp quản lý trong đầu tư công dựa trên những quy định công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình...

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm còn do tâm lý sợ làm, ngại làm, làm thì sợ "đụng chạm".

Trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 15/8 vừa qua, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, việc dự án đầu tư công giải ngân chậm là "chuyện của nhiều năm qua". Nguyên nhân được ông Dũng chỉ ra là công tác giải phóng mặt bằng, vướng thủ tục đầu tư, do bố trí vốn không kịp thời; do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu.

Ngoài ra, do Luật Đầu tư công cho phép được giải ngân các dự án trong 2 năm, nên các tỉnh, địa phương có "tâm lý ỷ lại, e ngại, sợ trách nhiệm... rồi tâm lý đủng đỉnh đầu năm, cuối năm mới tập trung làm, khiến giải ngân dự án thấp".

Trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Đăng Doanh cho rằng, thời điểm này, do "cuộc chiến" chống tham nhũng đang rất quyết liệt nên đã nảy sinh tâm lý muốn được "bình yên" để "giữ ghế". Cùng với đó là tâm lý ngần ngại, sợ làm thì sẽ "đụng chạm"... Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng "cục máu đông" trong giải ngân vốn đầu tư công.

Từ ngày 1/1/2020, Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực, hy vọng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện. Năm 2020 là năm chuyển tiếp giữa luật cũ và luật mới, hy vọng từ năm 2021, việc đẩy nhanh tiến độ giao kế hoạch vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu đầu tư công sẽ tích cực hơn.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ