(Tổ Quốc) - Trên thực tế, hiệu quả khai thác du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây chưa đạt đến “tầm” mà các nước mong đợi.
Với nguồn tài nguyên giàu có, du lịch là lĩnh vực được các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) rất quan tâm đầu tư hợp tác, phát triển. Thế nhưng trên thực tế, hiệu quả khai thác từ tiềm năng này còn quá khiêm tốn, chưa đạt đến “tầm” mà các nước mong đợi.
Hành lang kinh tế Đông Tây là dự án nhằm thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế giữa bốn nước Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Với chiều dài 1.450km trải dài qua 13 tỉnh, thành phố, hành lang kinh tế Đông Tây mở ra nhiều tiềm năng và lợi thế để hợp tác, phát triển dịch vụ giữa các quốc gia.
Một trong những lĩnh vực được các địa phương quan tâm hợp tác trong thời gian qua đó chính là du lịch. Lĩnh vực này đã và đang thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và tài trợ quốc tế.
Các tour caravan du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. |
Chưa thể khai thác hết tiềm năng
Trong nhiều vấn đề đưa ra bàn luận tại hội thảo “Hợp tác và phát triển dịch vụ trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây” tổ chức tại TP. Đà Nẵng vừa qua, việc làm thế nào để tìm ra giải pháp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh hợp tác phát triển lĩnh vực du lịch cho các quốc gia nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây được các tổ chức, đơn vị có mặt rất quan tâm.
Hội thảo đã chỉ ra được rằng, hành lang kinh tế Đông Tây là khu vực giàu tài nguyên về du lịch với sự có mặt của nhiều Di sản Thế giới, các giá trị về sinh thái, tài nguyên biển đảo, các giá trị về văn hóa và lịch sử, làng nghề,..
Cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở dịch vụ phục vụ du khách ngày càng được tăng cường và hoàn thiện, trên tuyến đã và đang hình thành nên nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách. Việc nhiều thương hiệu khách sạn lớn trong nước và quốc tế xuất hiện ở khu vực này cũng tạo nên một sức hút lớn đối với du khách và nâng cao chất lượng điểm đến.
Hình thành giữa những vùng du lịch phát triển như Bangkok, Rawgun, Siêm Riệp, Đà Nẵng.., hành lang kinh tế Đông Tây với cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện đã tạo nhiều thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn khách lớn bằng đường bộ và các tuyến bay trong bán kính 5-6 giờ. Điều này cũng tạo thuận lợi cho việc vận chuyển khách trên các tuyến và kết nối với các nước trong khu vực.
Ở Việt Nam, hành lang kinh tế Đông Tây bắt đầu từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) chạy dọc theo Quốc lộ 9, kết nối với Quốc lộ 1A và kết thúc tại cảng biển Tiên Sa (TP. Đà Nẵng). Xét về tài nguyên du lịch tại các địa phương mà tuyến đường chạy qua, ta có nhiều mặt lợi thế với sự đa dạng về văn hóa bản địa cũng như khí hậu sinh, sinh thái. Dọc hành lang này cũng có nhiều bãi biển, vịnh biển đẹp như: Cửa Tùng, Thuận An, Chân Mây, Lăng Cô, Mỹ Khê,… Hệ sinh thái sông, hồ với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp như: Sông Hương, phá Tam Giang, Hải Vân, Bạch Mã, Bà Nà,..
Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú như: Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Phố cổ Hội An, di tích đền tháp Chăm Pa,… đã hợp cùng di sản của các nước trên tuyến hình thành nên Con đường Di sản Miền Trung, Hành trình Di sản Miền Trung,.. nổi tiếng và hấp dẫn du khách lâu nay.
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) là điểm bắt đầu trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây tại Việt Nam. |
Tuy nhiên khi nhìn thẳng vào thực tế, hội thảo cũng chỉ ra rằng dù có nhiều thuận lợi nhưng nhiều năm qua mức độ phát triển và lượng khách đến với khu vực này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Điều này biểu hiện rõ nét ở tính mùa vụ. Ở việc chưa hình thành được các nguồn khách chính một cách bền vững, chưa khai thác tốt lợi thế vùng miền và phối hợp xúc tiến, quảng bá một cách hiệu quả,…
Du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây lâu nay có phát triển nhưng sự phát triển này vẫn chưa đạt đúng “tầm” như các nước thành viên kỳ vọng.
Đẩy mạnh liên kết để phát triển
Hội thảo cũng chỉ ra, một trong những nguyên nhân khiến du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây phát triển chưa tương xứng với tiềm năng là do sự liên kết giữa các quốc gia, các địa phương trên tuyến và cộng đồng doanh nghiệp với nhau chưa tốt, chưa tạo được nhiều sản phẩm chung, định vị nguồn khách chung và tìm được tiếng nói chung cho hoạt động xúc tiến.
Trước những vấn đề này, nhiều ý kiến đề xuất và giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch trên tuyến trong thời gian tới đã được đưa ra bàn luận. Nổi bật là tham luận về việc xây dựng mô hình liên kết phát triển sản phẩm du lịch đường bộ trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây của Ths. Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng.
Theo đó để thúc đẩy phát triển du lịch đường bộ, Chủ tịch Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng đưa ra đề xuất các quốc gia, địa phương trên tuyến nên liên kết với nhau dựa trên mô hình mạng giá trị. Việc liên kết này về cơ bản sẽ thực hiện trên 4 nội dung: Liên kết trong xây dựng khung pháp lý; liên kết trong xác định thị trường khách trọng điểm; liên kết trong xây dựng sản phẩm chung và liên kết trong công tác quảng bá, xúc tiến.
Các quốc gia trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây có nhiều lợi thế trong việc tạo ra sản phẩm đa dạng nhưng cũng rất khó khăn khi mà nhiều quy định pháp lý của các nước chưa đồng nhất. Vì vậy để thúc đẩy phát triển du lịch đường bộ trên tuyến, việc liên kết, thống nhất khung pháp lý cho người, phương tiện và hàng hóa là hết sức quan trọng.
Di tích Cố đô Huế, một điểm đến thu hút du khách trên Con đường Di sản Miền Trung. |
Bên cạnh đó, để tăng cường khả năng hợp tác đến các thị trường chung, sản phẩm chung và chia sẻ nguồn lực xúc tiến thì việc liên kết với nhau trong xác định thị trường khách trọng điểm là điều cần thiết. Với những đặc điểm của mình, các địa phương có thể đề xuất các nguồn khách trọng điểm đến khu vực theo thứ tự ưu tiên từ nguồn khách nội vùng, khách liên vùng rồi đến khách từ khu vực khác.
Theo Ths. Cao Trí Dũng, các địa phương cũng cần nghiên cứu liên kết xây dựng các sản phẩm chung. Có thể đề xuất ba nhóm chính theo thứ tự ưu tiên: Nhóm con đường sinh thái và du lịch cộng đồng; Nhóm con đường Di sản và Nhóm tour sông nước và nghỉ biển theo dòng Mê Kông.
Khi đã xác định được sản phẩm chung và các địa phương có thể phối hợp các nguồn lực riêng lẻ thành nguồn lực xúc tiến chung cho cả khu vực, việc liên kết giữa các địa phương trong hoạt động quảng bá, xúc tiến sẽ là bước quan trọng và có ý nghĩa nhất cần phải thực hiện.
“Với nhiều tiềm năng và lợi thế, du lịch đường bộ trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển nhanh chóng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực cần có sự liên kết chặt chẽ trong cộng đồng doanh nghiệp. Giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước và giữa các địa phương với nhau theo mô hình mạng giá trị để có thể tận dụng tối đa nguồn lực, cùng hợp tác phát triển”, Ths. Cao Trí Dũng nhận định.
Đ. Hoàng – T. Trung