• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng trên truyền hình, phát thanh

Thời sự 15/07/2022 08:17

(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các cơ quan truyền thông thực hiện phát hành đúng nội dung quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng được xác nhận, xem xét khung giờ phát sóng phù hợp, đảm bảo nội dung quảng cáo không trái với với thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống hay gây phản cảm.

Ngày 14/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, các bộ KH&ĐT, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam về vấn đề quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng; xử lý tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế; tình hình cán bộ, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập thôi việc, chuyển việc.

Xử lý, chấn chỉnh nghiêm vi phạm quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng

Đại diện Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu, thực tế hiện nay một số quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng được thực hiện bài bản, phát trên sóng truyền hình quốc gia nên dù nói quá tác dụng vẫn được người dân tin tưởng. Một số quảng cáo có nội dung, hình thức thể hiện chưa phù hợp, thậm chí phản cảm. Vì vậy, việc rà soát, chấn chỉnh hiện tượng này cần thực hiện nghiêm túc, triệt để để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bình đẳng giới, quyền trẻ em, nhất là phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của dân tộc.

Đại diện Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã báo cáo về quy trình xây dựng, xét duyệt nội dung các quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong thực tế; đồng thời nhìn nhận thẳng thắn còn những nội dung còn thiếu tế nhị, thậm chí phản cảm, khung giờ phát sóng chưa phù hợp.

Chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng trên truyền hình, phát thanh - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu những vi phạm trong quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng phải được xử lý, chấn chỉnh nghiêm. (Ảnh: Đình Nam)

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Vấn đề này đã có nhiều cuộc họp, văn bản chỉ đạo, những việc thực hiện chưa nghiêm. Những vi phạm trong quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng phải được xử lý, chấn chỉnh nghiêm… với tinh thần đặt lợi ích của người dân lên trên hết và phải rõ trách nhiệm của từng ngành (y tế, văn hóa, thông tin và truyền thông), với từng khâu của cả quá trình.

Trước hết, Bộ Y tế chỉ đạo Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý dược rà soát lại toàn bộ nội dung các quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đã được Bộ xác nhận để các cơ quan báo chí chấn chỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ đối chiếu, xử lý vi phạm.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan truyền thông thực hiện phát hành đúng nội dung quảng cáo được xác nhận, trong trường hợp khác cần có sự trao đổi với cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế, xem xét khung giờ phát sóng phù hợp, đảm bảo nội dung quảng cáo không trái với với thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống hay gây phản cảm.

Bộ Y tế, các bộ ngành, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, từ đó kiến nghị, hướng dẫn phù hợp trên tinh thần mỗi khâu, mỗi việc đều có cơ quan chịu trách nhiệm, hướng dẫn rõ ràng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Cần có "bức tranh" đầy đủ về thực trạng y, bác sĩ bỏ việc

Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tập trung vào một số giải pháp đủ hiệu quả, thực hiện ngay trong ngắn hạn.

Bộ Y tế cần khẩn trương làm việc với các bộ, ngành: Tài chính, KH&ĐT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tháo gỡ ngay một số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để các địa phương, bệnh viện có căn cứ thực hiện, như: Điều chỉnh kế hoạch mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị theo nhu cầu sử dụng trước khi có dịch COVID-19, xây dựng, thẩm định giá đấu thầu, sử dụng thuốc, vật tư thay thế các loại thuốc, vật tư thường dùng; mua sắm hóa chất, linh kiện tay thế cho các loại máy chuyên biệt, chỉ có 1-2 đơn vị cung cấp; phương án sử dụng, thanh toán chi phí cho các trang thiết bị, máy móc xã hội hóa trong bệnh viện công lập…

Phó Thủ tướng lưu ý, những gì chưa rõ về mặt pháp luật, dễ gây hiểu khác nhau, gây suy diễn liên quan đến đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế…, Bộ Y tế xem xét đưa vào nghị quyết của Chính phủ.

Về tình trạng thôi việc, chuyển việc của cán bộ, nhân viên y tế trong các cơ sở công lập, thống kê của Bộ Y tế từ năm 2021 đến ngày 30/6/2022, các cơ sở y tế công lập trên cả nước có 9.467 viên chức thôi việc, chuyển việc. Hiện nay, Bộ Y tế đang rà soát số lượng, trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên y tế thôi việc, chuyển ra bệnh viện tư nhân, số tuyển mới.

Chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng trên truyền hình, phát thanh - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần nắm chính xác tới từng cơ sở y tế công lập về số lượng cán bộ, nhân viên y tế thôi việc, chuyển việc, số tuyển mới từ năm 2021 đến tháng 6/2022. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến, động viên tinh thần cán bộ, nhân viên y tế; đề nghị địa phương tăng cường huy động nguồn lực cho lĩnh vực y tế, rà soát và chi trả chế độ chính sách cho lực lượng tham gia công tác chống dịch COVID-19; rà soát cấp bổ sung kinh phí chi thường xuyên cho các cơ sở y tế trong thời gian có dịch COVID-19…

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần nắm chính xác tới từng cơ sở y tế công lập về số lượng cán bộ, nhân viên y tế thôi việc, chuyển việc, số tuyển mới từ năm 2021 đến tháng 6/2022.

Một số ý kiến đề nghị phân tích kỹ trong số cán bộ, nhân viên y tế thôi việc, bao nhiêu người chuyển sang cơ sở y tế tư nhân, bao nhiêu người chuyển hẳn sang nghề khác; số có tay nghề chuyên môn, số mới ra trường. Số lượng sinh viên ngành y đã tốt nghiệp đang chờ việc.

Như vậy mới có "bức tranh" đầy đủ về thực trạng cán bộ, nhân viên y tế thôi việc, chuyển việc ở các cơ sở y tế công lập, từ đó, các biện pháp giải quyết mới căn cơ, hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần lưu ý thực tế ở các thành phố lớn, rất nhiều y, bác sĩ vẫn đang xin việc, trong khi nhiều địa phương có chính sách khuyến khích nhưng không hấp dẫn người giỏi. Tình trạng, nhân viên, cán bộ làm y tế dự phòng cấp huyện, xã đang ở mức thu nhập thấp.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị khẩn trương thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để các cơ sở y tế có đủ nguồn thu, bảo đảm thu nhập cho cán bộ, nhân viên cũng như tuyển thêm nhân lực.

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị khẩn trương xây dựng định mức kỹ thuật đối với các dịch vụ y tế sát với thực tế.

Cuộc họp thống nhất, về lâu dài cần có cơ chế tài chính để đảm bảo thu nhập và khuyến khích phát triển y tế tư nhân, thực hiện tự chủ bệnh viện, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế (bao gồm gần 10.000 dịch vụ y tế điều trị do BHYT chi trả); khẩn trương xây dựng bảng giá dịch vụ y tế dự phòng mà ngân sách chi trả.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ