• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chẳng biết đến bao giờ người dân nơi đây mới thôi phải chạy lũ, chạy bão?

Thời sự 16/10/2017 11:40

(Tổ Quốc) - Về vùng “rốn lũ” Xứ Thanh những ngày này chẳng còn gì ngoài nước ngập trắng trời. Đây đó bắt gặp bóng dáng những con người gầy guộc, lam lũ với ánh mắt thất thần...

Xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) lâu nay được xem là vùng “rốn lũ” khi có tới 9 thôn nằm ở vùng ngoài đê. Hằng năm, vào mùa lũ, chỉ cần một cơn mưa kéo dài chừng 1 giờ đồng hồ là mặt nước sông Bưởi đã dâng lên mấp mé mép sân, mép nhà người dân.

Con đường duy nhất vào thôn 10 (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc) vẫn ngập trắng khiến gần 100 nóc nhà nơi đây bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.  (Ảnh: Hà Giang)

 

Năm 2014 đến nay, nhờ con đê hình thành, 6/9 thôn vùng ngoài đê của xã Vĩnh Hưng đã được quy hoạch đưa vào bên trong đê, bớt đi phần nào nỗi lo mùa lũ.

Những ngày lũ hoành hành vừa qua, thôn 10 của xã Vĩnh Hưng là một trong những địa điểm ngập nặng vì nơi đây vẫn còn “nằm” ngoài đê. Cả xã có 250 hộ bị ngập lụt thì riêng thôn 10 có 85 hộ bị cô lập hoàn toàn.

Đến ngày 14/10, con đường dẫn vào thôn 10 vẫn còn ngập nước. Để trở về nhà, người dân buộc phải di chuyển bằng thuyền lá tre qua một cái ao rất lớn, sâu khoảng 20m và dòng nước chảy khá xiết.

Người dân phải dùng thuyền lá che để đi lại trên một cái ao khá rộng, sâu 20m và nước chảy xiết  (Ảnh: Hà Giang)

 

Chúng tôi đến với người dân nơi đây vào buổi trưa, nước trong thôn đã rút, nắng cũng đã vàng hơn nhưng không khí vẫn còn u ám, cô quạnh. Chỉ có một số gia đình đem thóc lúa, tủ lạnh, ti vi, chăn màn, quần áo, bát đũa... ra sân phơi phóng.

Vào sâu hơn nữa phía trong trong thôn, thi thoảng bắt gặp những bóng dáng gầy guộc, lam lũ với ánh mắt hoảng loạn, thất thần... Thật ám ảnh khi chứng kiến hình ảnh những gương mặt đàn ông hốc hác tuyệt vọng nhìn về phía dòng nước lũ như nuối tiếc những gì gia đình mình sắm sanh, gây dựng trong phút chốc đã bị lũ cuốn đi, hay hình ảnh những người già và trẻ thơ đang chịu đựng sự vất vả, thiếu thốn, gian nan và thua thiệt…

Có lẽ người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng vì thiên tai đến quá nhanh. Có người vẫn không khỏi ám ảnh phút giây đối mặt với tử thần: “Nửa đêm, lũ về rất nhanh và dữ dội. Ai cũng hoảng loạn, hô hào nhau mang theo trâu bò, lợn gà… di tản lên phía đồi cao để bảo toàn tính mạng, thật khủng khiếp”, ông Sơn, trưởng thôn 10 nhắc lại trong nỗi sợ hãi.

Trên bờ, nước lũ rút đi để lại những búi rạ trơ trọi bám vào thân cây  (Ảnh: Hà Giang)

Đến nay, dù đã 5 ngày trôi qua kể từ thời điểm di dời nhưng người dân vùng “rốn lũ” vẫn đang sống trong cảnh tạm bợ, khó khăn đủ bề, nhiều gia đình vẫn phải tá túc … Dù rất sốt ruột nhưng người dân được UBND huyện cảnh báo chưa thể quay trở về nhà vì tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp trước cơn bão số 11 đang tới. Rồi có thể sẽ lại lũ chồng lũ, đau thương chồng chất đau thương… Ai biết đâu ngày mai khi cơn bão số 11 ập tới thì người dân nơi đây sẽ tiếp tục phải gánh chịu những gì…

Dù hiểu những cơn thịnh nộ của thiên nhiên không phải là không có nguyên do nhưng vẫn thấy đắng cay và chua xót. Thật trùng lặp khi mà 10 năm trước, cũng ngày 23/8 âm lịch một trận lũ kinh hoàng đã quét qua đây. Khi đó, do chưa có con đê nên mực nước dâng còn cao hơn lần này cả mét, dâng lên cả ngọn tre và nhấn chìm nhiều tài sản, con người.

Sau đúng 10 năm, khi nỗi đau còn chưa nguôi ngoai thì một lần nữa mẹ thiên nhiên giận dữ quay trở lại. Người dân lại tiếp tục gánh chịu nỗi đau về thể xác, tâm hồn, lại mất trắng tài sản…

Những dáng vẻ gầy guộc lam lũ, những đôi mắt thất thần...đầy ám ảnh   (Ảnh: Hà Giang)

 

Anh Sơn (trưởng thôn 10) chua xót nói với chúng tôi: “Thóc lúa nhiều gia đình còn chưa kịp gặt, hoặc có gặt rồi thì cũng ngập hết. Hoa màu cũng vậy. Đến rơm rạ cũng không còn thì nay mai trâu bò lấy gì mà ăn?”.

Quả thực, cảm giác thật bất lực khi nhìn quanh đâu đâu cũng chỉ thấy một màu trắng xoá của nước, trong khi những nơi đó, chỉ vài ngày trước đây vốn là những cánh đồng lúa trĩu bông đã đến ngày gặt hái, những ruộng hoa màu, những hồ cá…Đâu rồi những âm thanh mùa gặt, tiếng quẫy oàm oạp của những chú cá trắm to vài kilogram hay tiếng cười giòn tan của lũ trẻ trên đường đi học về mỗi chiều?

Những ngày này, nhiều số phận khốn khó nơi lòng chảo ngập lụt đang được các Uỷ ban Nhân dân huyện và nhân dân cả nước đồng lòng quan tâm, chia sẻ. Bão lũ, thiên tai lấy đi của người dân của cải, vật chất, thậm chí cả con người nhưng cũng qua bão lũ, thiên tai mà tình người được bộc lộ rõ nét hơn, ấm áp hơn.

Chỉ rất hiếm những bao lúa được kịp gác lên cao - chút lương thực còn lại cứu đói người dân (Ảnh: Hà Giang)

 

Một ngày với bà con vùng lũ xứ Thanh là những cảm xúc nghẹn ngào, những giọt nước mắt quyện cùng mồ hôi chảy vào môi mặn chát. Chẳng biết đến bao giờ người dân nơi đây mới thôi phải chạy lũ, chạy bão?

Có lẽ, cuộc chiến đấu của người dân với thiên nhiên sẽ còn rất dài, không phải chỉ là chuyện của một thời đã qua, của hiện tại mà còn là chuyện của nhiều đời sau nữa./.

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ