• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chánh án Nguyễn Hòa Bình lý giải về đề xuất đổi tên TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện thành toà phúc thẩm và toà sơ thẩm

Thời sự 09/11/2023 21:25

(Tổ Quốc) - Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm trong dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều 9/11 đó là việc đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử, tức thành TAND phúc thẩm và TAND sơ thẩm.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình lý giả thế nào về đề xuất đổi tên TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện thành toà phúc thẩm và toà sơ thẩm? - Ảnh 1.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại tổ, chiều 9/11

Nên giữ nguyên để ổn định

Tại tổ thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu băn khoăn vì dù đổi tên nhưng TAND cấp tỉnh vẫn thực hiện quyền xét xử cả phúc thẩm và sơ thẩm. 

Theo đại biểu, nếu chỉ xét xử phúc thẩm, còn sơ thẩm giao về tòa án cấp huyện (toà sơ thẩm) thì phải cân nhắc có lộ trình. Còn giao hẳn về cấp sơ thẩm thì cấp huyện không thể nào gánh vác nổi.

Đại biểu cũng băn khoăn nếu có sự thay đổi thì các cơ quan cùng cấp như công an, viện kiểm sát cũng phải tương quan, thay đổi theo. Do đó cần cân nhắc kỹ.

Cung nói về về vấn đề này, đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, đổi tên nhưng bản chất toà cấp phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm và cấp huyện cũng chưa dảm bảo hết được các vụ án sơ thẩm nếu được giao. Do đó, ông bày tỏ nhất trí với quan điểm của cơ quan thẩm tra là giai đoạn hiện nay nên giữ nguyên để ổn định.

Với cơ quan thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp không tán thành với dự thảo luật, với lý do việc “đổi tên gọi” này chỉ là vấn đề hình thức, chỉ thay đổi tên gọi mà không thay đổi về nội dung; các tòa án này vẫn gắn với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và giữ nguyên về thẩm quyền.

Vì vậy, chưa đáp ứng yêu cầu “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử”. Bên cạnh đó, việc thay đổi này dẫn tới không tương thích về tổ chức với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương.

Ngoài ra, phải sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp; đồng thời phát sinh chi phí tuân thủ như phải sửa con dấu, biển hiệu, các loại mẫu giấy tờ,... Tuy nhiên, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra tán thành quy định của dự thảo luật.

Đổi một cái tên nhưng nội hàm là bước tiến lớn

Nói về vấn đề này tại tổ thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải thích thêm rằng, việc đổi tên này thực hiện theo đúng nghị quyết 27 của Đảng về tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử. Hiến pháp quy định 2 cấp là phúc thẩm, sơ thẩm; trường hợp đặc biệt có giám đốc thẩm, tái thẩm.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, trong lịch sử hình thành tòa án từ năm 1946 và ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 cũng là tòa án sơ thẩm, phúc thẩm.

"Đây không phải câu chuyện mới, bây giờ chúng ta mới nghĩ ra mà từ thời Cụ Hồ lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cũng đã tổ chức tòa án như thế này. Tổ chức chức tòa án theo thẩm quyền xét xử là đúng bản chất tố tụng, phù hợp thẩm quyền, đảm bảo tính độc lập và cũng phù hợp với tổ chức tòa án quốc tế. Các nước họ cũng tổ chức theo thẩm quyền xét xử", ông Nguyễn Hoà Bình nói.

Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, cần hiểu rõ tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước, thực hiện quyền tài phán quốc gia chứ không phải quyền tài phán của huyện, tỉnh. Khi ta tổ chức theo tỉnh, huyện có thể dễ ngộ nhận là tỉnh chỉ đạo huyện về mặt hành chính và như thế không đảm bảo độc lập.

"Việc đổi này đơn thuần là một cái tên nhưng nội hàm là bước tiến lớn, phù hợp với các quy định chung của thế giới, phù hợp với truyền thống pháp lý của chúng ta", Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh.

Về ý kiến cho rằng đổi tên như vậy có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác, ông Nguyễn Hoà Bình nhìn nhận không có gì ảnh hưởng. Đảng giám sát, các cơ quan khác vẫn phối hợp chặt chẽ, không có thay đổi.

Luật Tố tụng ghi tòa án huyện, tỉnh nhưng trong điều khoản thi hành dự luật chúng tôi đã ghi rõ từ nay trở đi tòa án huyện được hiểu là sơ thẩm, tòa án tỉnh là phúc thẩm. Nếu luật như thế thì các luật khác không có gì phải sửa đổi.

Trước ý kiến đặt vấn đề tại sao phúc thẩm vẫn xử các vụ sơ thẩm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình lý giải theo luật hiện hành là như vậy, bởi những vụ án tham nhũng lớn, huyện chưa đủ năng lực thì đưa lên tỉnh xử.

Bây giờ gọi là phúc thẩm nhưng vẫn xử sơ thẩm. Điều này căn cứ vào nhiệm vụ chủ yếu của huyện vẫn là xử sơ thẩm, không có gì phải bàn. Ở tỉnh vẫn chủ yếu xử phúc thẩm nhưng trong một số trường hợp luật giao thì tỉnh vẫn xử sơ thẩm. Đây là do quy định của luật. Ở các nước thì tòa án tối cao vẫn xử sơ thẩm chứ không chỉ xử giám đốc thẩm.

"Chúng ta thấy lâu lâu nước nọ, nước kia bắt Tổng thống, Thủ tướng, nghị sĩ Quốc hội, bộ trưởng thì những chủ thể đặc biệt như vậy sẽ giao cho Tòa án tối cao xử. Với phiên xử sơ thẩm đó thì trước đó có cơ chế trung thẩm, tức là sơ thẩm của tối cao đồng thời là phúc thẩm, tức bản án có hiệu lực, không có kháng cáo, kháng nghị. Do đó, không có quan ngại câu chuyện tại sao phúc thẩm vẫn xử sơ thẩm", theo ông Nguyễn Hòa Bình.

Cũng theo ông Nguyễn Hòa Bình, tương lai, khi năng lực của tòa án sơ thẩm (toà án huyện) tốt lên, giỏi thì việc giao cho cấp sơ thẩm xét xử có mức án cao chung thân, tử hình, trên 15 năm là đích hướng đến.

Thế Công - Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ