• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chỉ đạo mới của Thủ tướng với bộ, ngành đối với cách mạng 4.0

Kinh tế 31/07/2017 15:33

(Tổ Quốc) -Thủ tướng cho rằng, kinh tế số là vấn đề mới đối với Việt Nam, vì thế, các bộ, ngành liên quan cần tạo điều kiện sát thực tiễn cho doanh nghiệp nhằm áp dụng cách mạng 4.0 vào trong nước.

Kinh tế số - vấn đề khá mới mẻ đối với Việt Nam – là một trong 4 nội dung được chia sẻ tại phiên thứ 2 của Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2017 sáng 31/7.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2017 là cơ hội để khối doanh nghiệp tư nhân bày tỏ những khó khăn, khúc mắc.

Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp tư nhân đã đưa ra 8 ý kiến, gồm: bỏ phí dịch vụ viễn thông công ích (Hiện đang quy định phải nộp 1,5% doanh thu vào quỹ dịch vụ viễn thông công ích và 0,5% phí thương quyền); khung pháp lý cho khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích giao dịch bằng tiền mặt…

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết, số liệu những năm gần đây cho thấy, với 1,7% dân số Việt Nam làm việc trong lĩnh vực kinh tế số đã tạo ra 5% thu nhập quốc dân. Mức thu nhập bình quân, mức giá trị gia tăng trên mỗi lao động kinh tế số lớn gấp 3 lần trung bình của cả nước. Phát triển kinh tế số đang là động lực để tạo ra giá trị gia tăng và sức mạnh đột phá về năng lực phát triển bền vững.

Dù vậy, ông Chính cũng cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là chưa có cơ chế chính sách cụ thể cho các doanh nghiệp doanh nghiệp liên quan đến kinh tế số. Do đó, để đẩy mạnh các yếu tố số trong hoạt động xã hội, kinh tế, nhà nước cần có chính sách hạn chế sử dụng tiền mặt, hỗ trợ thương mại điện tử phát triển, từng bước chấp nhận hợp đồng điện tử, yêu cầu đẩy mạnh sử dụng chữ ký số, tạo hạ tầng thanh toán mạnh cho các giao dịch điện tử

Đại diện này kiến nghị các doanh nghiệp và các tổ chức đẩy mạnh tin học hóa, số hóa các hoạt động và phải có các văn bản quy phạm chuẩn về lĩnh vực này. Đặc biệt, cần có lộ trình cụ thể với các mốc theo các giai đoạn, các mức độ, cấp bậc của dịch vụ công trực tuyến và dành ngân sách thỏa đáng cho các chương trình này.

“Nhà nước cần có chính sách thuế ưu đãi với ngành phần mềm, với các khu công nghệ cao, các công viên phần mềm mà doanh nghiệp phần mềm triển khai hoạt động tại đó cũng như tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khi tiếp cận các dự án ICT trong lĩnh vực sử dụng vốn nhà nước”, ông Chính kiến nghị.

Cùng quan điểm trên, ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, khi tham gia các chương trình tin học hóa cho khu vực công quyền, một số dự án đã hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân.

Theo ông Ngọc, đã đến lúc Bộ Công Thương cần nghiên cứu về việc phân tách các ngành nghề kinh tế và không được phép trợ giá chéo và phải bỏ phí viễn thông công ích. Thực tế hiện nay, doanh nghiệp viễn thông đang phải đóng phí thương quyền vào ngân sách 0,5% trên tổng doanh. Nhưng ngoài ra vẫn phải đóng phí viễn thông công ích là 1,5% doanh thu.

“Quỹ này không nằm trong ngân sách Nhà nước, như vậy có nghĩa là doanh nghiệp viễn thông phải đóng mức phí cao. Trong khi Internet là hạ tầng kết nối của nền kinh tế số, là cuộc sống kinh tế xã hội, văn hóa ngày nay, đáng lẽ doanh nghiệp phải được hỗ trợ, được khuyến khích”, ông Ngọc nói.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC: Phát triển kinh tế số đang là động lực để tạo ra giá trị gia tăng.

Ngoài các vấn đề nêu trên, đại diện các DN cũng kiến nghị cần phải thay thế Nghị định 102 (ban hành ngày 10/6/2009 quy định về sử dụng và triển khai các dự án CNTT dùng NSNN bằng một Nghị định mới phải được xây dựng theo đặc thù của ngành CNTT.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế số là vấn đề mới đối với Việt Nam, vì thế, các bộ, ngành liên quan cần tạo điều kiện sát thực tiễn cho doanh nghiệp nhằm áp dụng cách mạng công nghệ 4.0 vào trong nước.

Trước đó, Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 sáng 3/4, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ và đại diện Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam trình bày báo cáo chuyên đề về cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, hay còn gọi là cuộc cách mạng 4.0. Trong đó nêu ra các thách thức và cơ hội đối với Việt Nam, đề xuất các chính sách và giải pháp để tận dụng các cơ hội này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nói về cuộc cách mạng 4.0 thì Việt Nam không bi quan, vì có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng cần làm rõ xem các lợi thế, các thời cơ và thách thức đó là gì mới có thể tham gia cuộc cách mạng này thành công./.

Nhóm PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ