• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chỉ số niềm tin doanh nhân Du lịch đạt 65/100

Du lịch 31/07/2017 10:19

(Tổ Quốc)- Theo công bố của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2-năm 2017 diễn ra sáng 31/7/2017 tại Hà Nội, Chỉ số niềm tin của các doanh nghiệp du lịch năm 2017 đạt 65/100, cao hơn trung bình, kết quả kinh doanh và kỳ vọng cải thiện môi trường kinh doanh đều cao hơn năm trước.

Cụ thể, Chỉ số niềm tin doanh nhân (CEO CI) được VPSF đánh giá trên hai khía cạnh: 1. Hiệu quả kinh doanh (67%) (dựa trên các yếu tố: lợi nhuận; Doanh thu); 2. Môi trường kinh doanh (33%) (dựa trên các yếu tố: Kế hoạch tương lai; Cơ hội bị bỏ lỡ; Hoạt động DN trong ngành; Tình hình kinh tế).

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2-2017 (Ảnh: Nam Nguyễn)

Đối tượng khảo sát của Chỉ số CEO CI là các CEO thành viên của Hội Doanh nghiệp trẻ các tỉnh, thành toàn quốc; CEO thành viên các Hiệp hội doanh nghiệp; Hiệp hội ngành nghề; thành viên Nhóm công tác VPSF . Theo đó, từ ngày 7/6 đến 21/7/2017, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam đã nhận được 245 ý kiến phản hồi. Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá Chỉ số niềm tin doanh nhân 2017.

Trong lĩnh vực Du lịch, Chỉ số niềm tin doanh nhân du lịch về môi trường kinh doanh (đánh giá trên 6 yếu tố) cho thấy: 1. Đánh giá về tình hình kinh tế hiện nay so với năm trước: 57% trả lời thuận lợi hơn; 2. Xu hướng của nền kinh tế trong năm tới: 60% tỷ lệ trả lời thuận lợi hơn; 3. Tình hình kinh doanh hiện tại của các DN trong ngành nghề của bạn so với năm trước: 40% trả lời thuận lợi hơn; 4. Tình hình kinh doanh của các DN ngành nghề của bạn trong năm tới; 5. Cơ hội bị bỏ lỡ do rào cản pháp lý: 63% trả lời không có cơ hội bị bỏ lỡ do rào cản pháp lý; 6. Kế hoạch của doanh nghiệp của bạn trong 2 năm tới: 71% tỷ lệ DN có kế hoạch mở rộng sản xuất.

Chỉ số niềm tin DN du lịch về hiệu quả hoạt động kinh doanh (đánh giá trên 4 yếu tố )cho thấy: 1. Tình hình doanh thu của công ty năm 2016 so với năm 2015: 71% Bình quân gia quyền theo  thang điểm 100 (tăng đáng kể, có tăng, không tăng; giảm; giảm đáng kể); 2. Dự kiến doanh thu của công ty trong năm 2017 (so với năm 2016): 75% Bình quân gia quyền theo  thang điểm 100 (tăng đáng kể, có tăng, không tăng; giảm; giảm đáng kể); 3. Lợi nhuận của công ty năm 2016 so với năm 2015: 66% Bình quân gia quyền theo  thang điểm 100 (tăng đáng kể, có tăng, không tăng; giảm; giảm đáng kể); 4. Dự kiến lợi nhuận của công ty trong năm 2017 (so với năm 2016): 62% Bình quân gia quyền theo  thang điểm 100 (tăng đáng kể, có tăng, không tăng; giảm; giảm đáng kể).

Cũng theo đánh giá CEO CI về hiệu quả hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực Du lịch, có 76% doanh nghiệp khẳng định doanh thu tăng trong năm 2017 (con số này năm 2016 là 70%); 58% DN cho biết lợi nhuận tăng trong năm 2016 và 71% dự kiến lợi nhuận tăng trong năm 2017, chủ yếu là tăng 5-20%; 44% DN trả lời lợi nhuận tăng do đổi mới công nghệ và tăng trưởng thị trường.

Đánh giá CEO CI về môi trường kinh doanh trong lĩnh vực Du lịch cho thấy, 71% dự kiến mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới; 50% DN cho rằng kinh doanh thuận lợi hơn trong năm 2017 (cao hơn so với tỷ lệ 40% DN trong năm 2016); 60% DN cho rằng kinh tế sẽ thuận lợi hơn trong năm tới. Cũng theo CEO CI, 38% DN cho biết bỏ lỡ cơ hội kinh doanh vì rào cản pháp lý và hạn chế thị trường.

Theo ông Don Lam  - Tổng giám đốc Tập đoàn Vina Capital, thành viên sáng lập VPSF, niềm tin của các nhà lãnh đạo khối DN tư nhân tiếp tục tăng lên và trong bối cảnh khu vực tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam. Điều này rất có lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, khảo sát Niềm tin doanh nhân của VPSF đã chỉ ra một số rào cản quan trọng mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng đang gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Mỗi ngành nghề có những vấn đề riêng, song tựu trung có các vấn đề chính mà tất cả đều gặp phải, gồm: Hệ thống thủ tục hành chính phức tạp; Tiếp cận nguồn tài chính. Trong đó, một số rào cản đối với DN trong lĩnh vực du lịch được cho là: Chính sách visa nhập cảnh; quảng bá, marketing du lịch; giấy phép con; thủ tục hành chính; không nhất quán giữa chính sách trung ương và địa phương; thủ tục XNC; Chính sách thuế…

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2 – năm 2017 với chủ đề “Chương trình Hành động từ Nghị quyết Trung ương 5” diễn ra ngày 31/7 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong đó Du lịch là một trong 4 chuyên đề quan trọng được thảo luận tại diễn đàn./.

Lâm Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ