(Tổ Quốc) - Từng chỉ huy dàn nhạc trong vở nhạc kịch Maria de Buenos Aires (Maria đến từ Buenos Aires) ở nhiều nơi trên thế giới, nghệ sĩ Philippe Lesburguères - Giám đốc Studio des Arts Vivants, đã đến Việt Nam với dự án xây dựng lại vở nhạc kịch nổi tiếng này cùng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) với một phong cách mới.
Nhân dịp này, ông đã chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc những điểm mới trong dàn dựng vở nhạc kịch Maria de Buenos Aires tại Việt Nam.
+ Thưa nghệ sĩ, Maria de Buenos Aires của năm 2018 có thay đổi gì khi đến với công chúng Việt Nam?
- Maria de Buenos Aires 2018 có nhiều thay đổi lớn, nhất là khi VNOB thổi một làn gió mới trong ý tưởng, đạo diễn sân khấu và biên đạo. Để chuẩn bị cho vở diễn, VNOB đã tạo điều kiện để tôi được làm việc trực tiếp với biên đạo múa ngay từ đầu. Điều đó giúp chúng tôi hiểu nhau hơn, tạo được tiếng nói chung và nảy sinh nhiều ý tưởng mới, đặc biệt là sự sáng tạo của biên đạo múa.
Vở nhạc kịch Maria đến từ Bounos Aires sẽ được trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 15/11
+ Được biết, nét độc đáo của vở nhạc kịch lần này chính là ý tưởng đưa toàn bộ dàn nhạc lên sân khấu thay vì ngồi tại hố nhạc. Điều này có tác động như thế nào đến vở diễn, thưa ông?
- Điều này thực sự gây được ấn tượng mạnh với khán giả. Việc đưa toàn bộ dàn nhạc lên sân khấu sẽ tạo cảm giác như đang trình diễn trong một quán bar. Nhân vật Maria vốn là một phụ nữ có 2 mặt đối nghịch. Đó là bản năng tính dục và tính cách thiên thần. Việc đưa dàn nhạc lên sân khấu sẽ mang tính trình diễn nhiều hơn. Dàn nhạc cũng dễ tương tác với diễn viên múa và các ca sĩ hơn. Một chi tiết thú vị là khi Asto Piazzolla lần đầu tiên dàn dựng Maria de Buenos Aires, ông cũng có ý muốn như VNOB.
+ Với Maria de Buenos Aires, dàn nhạc sẽ sử dụng những loại nhạc cụ nào, thưa ông?
- Khoảng 10 loại nhạc cụ khác nhau như Violon, Viola, Cello, Double Bass, Sáo, Piano, Accordeon, Guitar và bộ gõ.
+ Là người châu Âu, tại sao ông lại đến với Tango nói chung và Maria de Buenos Aires nói riêng?
- Năm 1985, tôi tình cờ gặp gỡ huyền thoại Asto Piazzolla. Đây có thể coi như bước ngoặt của cuộc đời tôi khi biết đến tinh thần của Nuevo Tango. Từ đó, Tango nói chung và Maria de Buenos Aires nói riêng trở thành niềm cảm hứng mới của tôi. Tôi đã trình diễn vở này ở nhiều nơi trên thế giới. Còn lần này, tôi rất vui khi được phối hợp với VNOB để tạo nên con gió mới mang tên Maria de Buenos Aires tại Việt Nam.
Chỉ huy dàn nhạc Philippe Lesburguere
+ Ông có thể cho biết ý kiến của mình về gu cảm thụ nghệ thuật của khán giả Việt Nam qua các chương trình ông trình diễn?
- Một câu hỏi rất hay. Chúng ta hãy tưởng tượng xem nhé. Tôi là người châu Âu, biểu diễn Tango là chất nhạc Nam Mỹ xen lẫn chất châu Phi và giai điệu của người American Indian (người Ăng- điêng) tại Việt Nam. Đây có thể xem là minh chứng rõ ràng của sự toàn cầu hóa. Những gì mà tôi cảm nhận được từ khán giả Việt Nam là sự hòa nhập, cảm thụ và tiếp nhận đầy nhiệt tình. Sự ủng hộ của khán giả Việt đã giúp chúng tôi có thêm niềm đam mê để giới thiệu Tango rộng rãi hơn nữa ở Việt Nam.
+ Nếu được chia sẻ về Tango với công chúng Việt, ông sẽ nói gì?
- Tango là đam mê. Nói đến Tango là nói đến sự hoài niệm, giằng co giữa tình yêu, đam mê và cái chết.
+ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sẽ công diễn vở nhạc kịch "Maria đến từ Buenos Aires" (kịch bản: Horacio Ferrer)- vở diễn được coi như một bản tuyên ngôn về '"pera thế hệ mới" của nhà soạn nhạc Astor Piazzolla vào 15/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Trong phiên bản Việt, "Maria đến từ Buenos Aires" được chỉ đạo nghệ thuật bởi NSƯT Trần Ly Ly, chỉ huy Dàn nhạc: Philippe Lesburgueres với sự tham gia của các nghệ sĩ: Phan Đức: El Duende; Maria: Hương Diệp, Diễm Quỳnh; Canto: Mạnh Dũng, Huy Đức, Duy Khánh và tập thể Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.