• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chia sẻ kỹ năng phục vụ thị trường khách du lịch Hồi giáo

Du lịch 08/11/2023 16:35

(Tổ Quốc) - Chiều 8/11, Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức chương trình trao đổi, chia sẻ kỹ năng phục vụ thị trường khách du lịch Hồi giáo (Halal).

Tham gia chương trình có đại diện các nhà hàng, khách sạn, công ty lữ hành, khu điểm du lịch…trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, đây là hoạt động nhằm chuẩn bị chu đáo cho việc đón và phục vụ khách thị trường đầy tiềm năng này trong thời gian đến. Theo đó, Sở Du lịch chia sẻ các thông tin, kiến thức cơ bản để hiểu biết thêm về dòng khách đặc thù này, từ đó có thể xây dựng các sản phẩm phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ thị trường Hồi giáo.

"Thông qua chương trình, chúng tôi tin rằng đây sẽ là tiền đề để thành phố Đà Nẵng có thể chuẩn bị những điều kiện tốt nhất sẵn sàng đón và phục vụ hiệu quả khách thị trường Hala thời gian đến", ông Bình nói.

Chia sẻ kỹ năng phục vụ thị trường khách du lịch Hồi giáo - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi trao đổi, chia sẻ kỹ năng phục vụ thị trường khách du lịch Hồi giáo (Halal) do Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức, chiều 8/11.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, kể từ ngày 15/3/2022, sau khi Chính phủ có chủ trương mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong nước và quốc tế, công tác xúc tiến thị trường, khôi phục các đường bay đã và đang được thành phố tập trung triển khai với nhiều kết quả khả quan.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến Đà Nẵng đã có xu hướng tăng mạnh và đang trên đà khôi phục với tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 6,4 triệu lượt, tăng 107% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,71 triệu lượt, tăng 5,18 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 23.419 tỷ, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2022. Top 10 thị trường khách đến Đà Nẵng bên cạnh những thị trường khách truyền thống Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Mỹ, Úc hiện nay còn có thị trường Ấn Độ.

Ước tính có khoảng 1,57 tỷ người Hồi giáo - gần 1/4 tổng dân số thế giới, hơn 60% dân số Hồi giáo toàn cầu sống ở châu Á. Khoảng 137,7 triệu người Hồi giáo ở Ấn Độ. Riêng các nước Đông Nam Á có số người Hồi giáo chiếm khoảng 16% dân số Hồi giáo toàn cầu, đây là một thị trường hết sức tiềm năng để đón và phục vụ.

"Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã tập trung triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, truyền thông quảng bá mạnh mẽ để khôi phục các thị trường, đặc biệt đối với thu hút thị trường Hồi giáo thông qua việc tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch tại Ấn Độ, các nước Đông Nam Á, đón đoàn famtrip, presstrip đến Đà Nẵng khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch…Kể từ tháng 10/2022, việc mở hai đường bay thẳng đầu tiên từ hai thành phố lớn và quan trọng nhất của Ấn Độ là Mumbai và New Delhi đến Đà Nẵng của hãng hàng không Vietjet Air là tiền đề thuận lợi để kết nối nguồn khách đến thành phố. Vào ngày 2/12 sẽ tiếp tục mở đường bay từ Cepu – Đà Nẵng mở ra nhiều tiềm năng để đón nhiều thị trường khách mới", ông Nguyễn Xuân Bình cho biết.

Chia sẻ kỹ năng phục vụ thị trường khách du lịch Hồi giáo - Ảnh 2.

Doanh nghiệp của Đà Nẵng gặp gỡ, kết nối với các doanh nghiệp du lịch tại Ấn Độ trong Chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại New Delhi, Ấn Độ diễn ra vào đầu tháng 8/2023.

Tại chương trình, ông Subhash Chandar, Tổng giám đốc Công ty ASIA DMC (đơn vị hàng đầu trong việc khai thác phục vụ thị trường khách Halal) chia sẻ: Thị trường du lịch Hồi giáo là một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất trong ngành công nghiệp du lịch toàn cầu. Điều này có thể tăng lượng khách du lịch, thời gian lưu trú dài hơn và chi tiêu cao hơn.

"Trong thị trường du lịch cạnh tranh ngày càng tăng, việc đáp ứng nhu cầu cụ thể của du khách Hồi giáo có thể mang lại lợi thế cạnh tranh cho các điểm đến. Bằng cách cung cấp lựa chọn thực phẩm Halal, cơ sở cầu nguyện và các dịch vụ khác, các điểm đến có thể định vị mình là nơi chào đón và phục vụ thị trường phân khúc đang phát triển này", ông Subhash Chandar cho biết.

Ông Subhash Chandar cũng chia sẻ một số "bí quyết" để phục vụ khách Hồi giáo tốt hơn như khách sạn/khu nghỉ dưỡng phải có phòng cầu nguyện và hướng Qibla; mua sắm, dịch vụ hỗ trợ trên mặt đất thì hướng dẫn viên và tài xế phải lịch sự; thức ăn và đồ uống (nhà hàng Halal, nhà hàng chay hoặc hải sản, nhà hàng không phục vụ thịt heo) và tham quan – nhà thờ Hồi giáo/masjid gần nhất, tránh các địa điểm tham quan tôn giáo khác…

Người Hồi giáo không được phép tiêu thụ một số thành phần nhất định, bao gồm thịt lợn (và các sản phẩm phụ), rượu, và bất kỳ thực phẩm hoặc đồ uống nào chứa các thành phần được chế biến từ động vật không được giết mổ theo đúng quy cách.

Thực phẩm và đồ uống Halal không được chứa bất kỳ hình thức chất gây nghiện nào, bao gồm rượu và các chất làm thay đổi tâm trí hoặc ảnh hưởng đến chức năng nhận thức…

"Du khách Hồi giáo ngày càng ý thức về nhu cầu du lịch của mình và tích cực tìm kiếm các điểm đến đáp ứng yêu cầu tôn giáo của họ", ông Subhash Chandar nói.

Chia sẻ kỹ năng phục vụ thị trường khách du lịch Hồi giáo - Ảnh 3.

Ẩm thực tại Cung Hội nghị Quốc tế, Furama Resort Đà Nẵng phục vụ khách du lịch Ấn Độ.

Được biết, theo báo cáo mới đây nhất về xu hướng du lịch của Skyscanner tại Ấn Độ (trang web tìm kiếm vé máy bay, phòng khách sạn, thuê xe.. .), Đà Nẵng dẫn đầu trong 10 điểm đến hàng đầu dành cho du khách Ấn Độ với tổng số lượt tìm kiếm tăng mạnh nhất trong những năm qua, tăng 1141%, gấp đôi thành phố đứng thứ hai là Almaty (Kazakhstan).

Đà Nẵng với thế mạnh du lịch biển, ánh nắng và thời tiết thích hợp với sở thích của du khách Ấn, Đông Nam Á bên cạnh đó Đà Nẵng có nhiều nhà hàng hải sản nổi tiếng với sức chứa từ 100-300 khách và hơn 30 Nhà hàng Ấn độ có phục vụ món Hala theo kiểu Ấn.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ