(Tổ Quốc) -Sáng 10/01, lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày, giới thiệu đến khách tham quan 18 bảo vật quốc gia Việt Nam.
Sáng 10-1, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội đã diễn ra buổi triển lãm đặc biệt mang tên “Bảo vật quốc gia Việt Nam” với 18 bảo vật cũng là những hiện vật đứng đầu trong “top" hiện vật quý, hiếm và độc đáo của khối hiện vật đồ sộ gần 20 vạn tài liệu, hiện vật mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia sưu tập. |
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải cùng các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày. |
Phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Lê Khánh Hải đánh giá cao triển lãm "Bảo vật quốc gia Việt Nam" do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức. Thứ trưởng khẳng định, các bảo vật quốc gia là gia sản quý của dân tộc. Việc tổ chức các triển lãm để giới thiệu di sản đến người dân là cần thiết để phát huy giá trị của di sản. Thứ trưởng mong muốn, Bảo tàng sẽ thường xuyên tổ chức những triển lãm có ý nghĩa như triển lãm "Bảo vật quốc gia Việt Nam". |
Phát hiện tại xã Như Trác, huyện Lý Nhân sau được chuyển về thờ tại đình làng Ngọc Lũ, Hà Nam, Trống Ngọc Lũ là chiếc trống đẹp nhất, nguyên vẹn nhất và có hình dáng cân đối, hài hòa nhất trong những trống Đông Sơn đã phát hiện. Hoa văn trang trí vô cùng phong phú, hoàn hảo, tinh mỹ. Ngoài các mô típ hoa văn hình học còn có các vành, băng hoa văn chính tả thực cảnh diễu hành hóa trang, hát đối đáp, đánh trống, giã gạo, hình nhà cầu mùa, nhà sàn, hình thuyền chiến với các chiến binh đang thực hiện nghi lễ hiến tế, hình các loại động vật như hươu, các loài chim... Thông qua đó, chúng ta thấy lại được phần nào đời sống vật chất, tinh thần, tư duy khoa học và thế giới tự nhiên đương thời. |
“Nhật ký trong tù” là một tác phẩm văn học gồm 133 bài thơ chữ Hán do Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây (Trung Quốc), 1942 - 1943. |
|
Bản thảo "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2012. |
“Đường Kách mệnh” là tập hợp những bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong thời gian hoạt động cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc) những năm 1925 – 1927, do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông ấn hành bí mật và chuyển về nước. |
Phát hiện năm 1962 tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ấn Môn hạ sảnh ấn hình vuông, đế ấn tạo ba cấp, núm ấn hình bia đá. Cạnh phải lưng ấn khắc dòng chữ Hán: “Môn hạ sảnh ấn” - ấn của sảnh Môn hạ. Cạnh trái lưng ấn khắc dòng chữ “Long Khánh ngũ niên ngũ nguyệt nhị thập tam nhật tạo” - chế tạo vào ngày 23 tháng 5, niên hiệu Long Khánh 5, đời vua Trần Duệ Tông (trị vì: 1372 - 1377). Mặt ấn hình vuông, đúc 4 chữ kiểu triện cùng nội dung chữ trên cạnh phải lưng ấn “Môn hạ sảnh ấn”. Cho tới nay, những phát hiện về ấn đồng các triều đại phong kiến Việt Nam không nhiều. “Môn hạ sảnh ấn” là chiếc ấn đồng có nội dung rõ ràng nhất, niên đại cụ thể nhất liên quan đến lịch sử hành chính trung ương triều Trần. |
Ấn "Sắc mệnh chi bảo" có núm hình rồng cuốn. Lưng ấn khắc 2 dòng chữ Hán: Thập tuế hoàng kim, trọng nhị bách nhị thập tam lượng lục tiền. (Vàng 10 tuổi, nặng 223 lạng 6 tiền - khoảng 8,3kg) và Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo. (Đúc vào ngày lành tháng 10 năm Minh Mệnh 8, 1827). Mặt ấn đúc nổi 4 chữ triện Sắc mệnh chi bảo.Ấn được dùng để ban cấp cáo sắc cho văn võ cùng phong tặng thần và người. Là hiện vật độc bản, biểu trưng cho quyền lực nhà Nguyễn, có giá trị đặc biệt trong sưu tập kim bảo triều Nguyễn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. |
Ấn vàng "Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo" được đúc vào thời Lê trung hưng năm Vĩnh thịnh thứ 5 (1709). Đến đời vua Gia Long (1802 - 1819), bảo vật này được chọn làm báu vật truyền ngôi của vương triều Nguyễn. |
Tượng hai người đàn ông cõng nhau thổi khèn là pho tượng sinh động nhất trong hệ thống tượng tròn Đông Sơn, tượng miêu tả hai người đàn ông đóng khố, đầu chít khăn, đeo khuyên tai lớn chạm vai. Người cõng trong tư thế khom lưng, hai tay vòng ra sau ôm đỡ người ngồi trên lưng, hai chân như đang nhún nhảy theo điệu nhạc. Người được cõng đang say sưa thổi khèn. Tượng được thể hiện theo khối thủng, có nhiều góc cạnh và nhiều đường cong lượn, đòi hỏi kỹ thuật khuôn đúc phức tạp |
Ngoài ra, công chúng còn có cơ hội chiêm ngưỡng những đường nét hoa văn tinh tế trên 18 bảo vật quốc gia như Bình vẽ thiên nga thời Lê Sơ; Bia điện Nam Giao, hiện vật đá ở thời Lê Trung Hưng, năm Vĩnh Trị 4 (1679); Trống Cảnh Thịnh, đồng, thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh; Ấn vàng "Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo" được đúc vào thời Lê trung hưng năm Vĩnh thịnh thứ 5 (1709); Ấn "Sắc mệnh chi bảo" được vua Minh Mệnh cho đúc bằng vàng vào năm 1827; ... |
Thống gốm hoa nâu là tác phẩm nghệ thuật độc đáo, hoàn hảo nhất trong những đồ gốm hoa nâu đời trần đã được phát hiện. Được phát hiện đền Trần ( thôn Từ Mạc, phường Lộc Vượng, Tp Nam Định) năm 1972. |
Chuông chùa Vân Bản là chiêc chuông cổ nhất đồng thời có kích thước lớn nhất, uy nghi nhất của nền văn minh Đại Việt. Quai chuông gắn Bồ Lao hình rồng 2 đầu. Thân chuông chia thành 8 ô ngăn các bởi các đường gờ nổi. Miệng chuông đúc nổi băng cánh sen kép. Chuông có 6 núm gõ hình hoa sen nở mãn khai. |
Trống đồng Cảnh Thịnh là hiện vật độc bản trong phức hợp trống đồng Việt Nam. Tạo hình trống thể hiện sự độc đáo khi mô phỏng theo kiểu trống da truyền thống. Hoa văn trang trí chính đúc nổi đề tài Tứ linh mang ý nghĩa biểu trưng cho đất nước thái bình thịnh trị, xã hội an lạc và Long Mã cõng Hà đồ, Thần Quy chở Lạc thư, hai biểu tượng khởi nguyên của Kinh Dịch – tư tưởng triết học của người Á Đông về quy luật của sự biến đổi. |
Ban tổ chức mong muốn thông qua 18 bảo vật quốc gia được trưng bày lần này cùng với những thông tin hấp dẫn sẽ giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật độc đáo, tư duy thẩm mĩ, sự sáng tạo cũng như bàn tay tài hoa, khéo léo của người Việt Nam. Từ đó, khích lệ lòng yêu nước, niềm tự dân tộc, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa trong mỗi người dân Việt Nam. |
"Sắc Phong Thần" Thời Nguyễn, niên hiệu Tự Đức thứ 3(1850). |
Cây đèn hình người quỳ là một hiện vật độc bản, đại diện cho nghệ thuật cổ tiêu biểu, độc đáo vào thời kỳ cuối văn hóa Đông Sơn, có sự giao lưu với văn hóa Hán. Cây đèn thể hiện kỹ thuật đúc tài khéo và phản ánh thảm mỹ cảm quan về vũ trụ của cư dân cổ giai đoạn này. |
"Thạp Đào Thịnh" Trong văn hóa Đông Sơn, thạp đồng là di vật tiêu biểu sau trống đồng và chủ yếu chỉ xuất hiện trong phạm vi phân bố của nền văn hóa này. Trong hàng trăm chiếc thạp đã phát hiện thì thạp Đào Thịnh là chiếc thạp có kích thước lớn nhất, hoa văn trang trí phong phú, chặt chẽ, tinh mỹ và độc đáo nhất. Đặc biệt trên nắp thạp có gắn đối xứng tâm 4 khối tượng nam nữ đang giao hoan, loại tượng mới gặp duy nhất trong nghệ thuật Đông Sơn. |
Nam Nguyễn