(Tổ Quốc) - Sau sự kiện chưa từng có trong lịch sử ngành du lịch, lần đầu tiên Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại thành phố Hội An (Quảng Nam), Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị.
Một chiến dịch làm thay đổi hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam trên toàn quốc được Bộ trưởng phát động và trực tiếp chỉ đạo.
* Sẽ tổ chức các đoàn khách "bí mật" để kiểm tra
Kết luận chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Có 3 yếu tố để làm du lịch thành công, đó là thể chế chính sách, cộng đồng làm du lịch và xây dựng thương hiệu. “Điều tôi tâm huyết là muốn làm du lịch thành công, thì đầu tiên thể chế, chính sách, pháp luật phải tạo điều kiện cho ngành. Điều quan trọng nữa là cộng đồng người dân làm du lịch phải tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với khách du lịch. Việc tổ chức hội nghị này tại Hội An cũng là vì người dân ở đây mến khách, luôn tươi cười, thân thiện với du khách. Thứ ba là xây dựng thương hiệu Việt Nam gắn với quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch”- Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Tổng cục Du lịch ngày 16/8/2016 vừa qua |
Mục tiêu là đến 2020 du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Muốn thế, du lịch Việt Nam phải đóng góp từ 10 đến 20% vào GDP. Ít nhất phải có 20 tỉ USD xuất khẩu tại chỗ từ du lịch. Đón từ 15 triệu lượt khách quốc tế trở lên và khoảng 75 triệu lượt khách nội địa. Phải đổi mới tư duy phát triển du lịch, phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, có tính chuyên nghiệp. Các địa phương, các cấp, các ngành phải lồng ghép phát triển du lịch trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Xu hướng của thế giới là toàn dân làm du lịch nhưng trong đó phải phát huy vai trò của doanh nghiệp. Nếu chúng ta không có hệ thống doanh nghiệp lớn mạnh có thương hiệu, biết cách quảng bá, xúc tiến sản phẩm, dịch vụ du lịch thì khó mà làm du lịch thành công được”.
Thủ tướng cũng giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ du lịch, nhất là các cơ sở lưu trú, các dịch vụ trong các khu, điểm du lịch, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm. Ban hành, tổ chức thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong lĩnh vực du lịch. Có biện pháp bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Cùng với các cơ quan hữu quan và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và người dân trong phát triển du lịch, về ứng xử văn hóa, văn minh và về các điểm du lịch.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn ra những vấn nạn tồn tại dai dẳng trong xã hội làm ảnh hưởng tới du lịch đã từ lâu chúng ta không giải quyết được: “70% khách đến Việt Nam không quay trở lại vì 7 nỗi sợ: Sợ cướp giật, sợ trộm cắp, sợ kẹt xe, sợ tai nạn giao thông, sợ thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, sợ nhà vệ sinh mất vệ sinh, sợ ô nhiễm môi trường. Du lịch Việt Nam nhiều tiềm năng, nhưng thiếu khả năng, thiếu dịch vụ, thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng là 3 điểm yếu cốt tử của du lịch Việt Nam”.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị phải nhận thức ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành liên vùng và xã hội hóa cao, có dấu ấn văn hóa sâu sắc. Vì thế, phải coi trọng tính cộng đồng trong kinh doanh du lịch mà vai trò trực tiếp ở đây là doanh nghiệp và người dân.
Còn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì luôn day dứt: “Làm sao để khách du lịch thấy được hình ảnh một Việt Nam có văn hóa khi những điều du khách phàn nàn vẫn tồn tại mãi?”. Ai cũng nói đất nước chúng ta rất đẹp, con người chúng ta rất tốt, văn hóa chúng ta rất đặc sắc, ẩm thực của chúng ta hấp dẫn nhưng chúng ta vẫn thua xa Thái Lan, Malaysia, Singapore. Thái Lan đón 30 triệu lượt khách quốc tế/ năm, tổng thu từ khách du lịch 50- 60 tỉ/ năm, trong khi Việt Nam đón 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu 10 tỉ USD.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Những vấn nạn của xã hội và ngành du lịch hiện nay gây ra nỗi sợ cho du khách không phải cứ có tiền mới làm được. Nếu chúng ta xây dựng được nếp sống văn minh, văn hóa, một xã hội an toàn, con người thân thiện, có đạo đức trong kinh doanh thì vẫn có thể làm tốt để phát triển du lịch, văn hóa đi lên và bộ mặt đất nước sẽ khác. Có những điều sát sườn, ai thấy trách nhiệm của mình thì làm ngay, không phải những điều cao siêu đâu, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ bé”.
Như đã phản ánh trên Báo Văn Hóa số 2824 ra ngày 17.8.2016, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với Tổng cục Du lịch (TCDL) và để truyền đạt lại những tinh thần nói trên, triển khai các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng với mục đích làm tươi mới hình ảnh du lịch Việt Nam và đi đến một cái đích xa hơn là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện nay, ngành đang xây dựng, triển khai đề án thực hiện chiến dịch này. Trong đó, các khách sạn 4-5 sao sẽ được chọn là điểm đột phá để làm thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam. Khách du lịch tại Việt Nam sẽ được coi như thượng đế, được chào đón bằng sự thân thiện của người dân và những dịch vụ chất lượng nhất. Việc của những người làm du lịch Việt Nam là không được làm thượng đế buồn. Phải để cho nụ cười Việt Nam in sâu vào tâm trí khách và họ mong muốn được trở lại. Khách đến Việt Nam sẽ không phải phàn nàn hay lo sợ điều gì mà sẽ tiêu hết tiền rồi mãn nguyện ra về.
Nhiều ý kiến của doanh nghiệp lữ hành, khách sạn của Việt Nam khẳng định: Chất lượng buồng, phòng và nhân lực của các khách sạn 4-5 sao của Việt Nam không hề thua kém các nước trong khu vực, thậm chí ở các hệ thống khách sạn do các tập đoàn nước ngoài quản lý như Accor (thương hiệu Sofitel, Pullman, Novotel) Intercontinental, Marriott, Six Senses, Hilton hay các khách sạn 4-5 sao thuộc hệ thống Saigontourist… còn hơn. Tuy nhiên, có sự phát triển không đồng đều.
Ở đâu đó vẫn có nhân viên không thân thiện với khách hoặc cơ sở vật chất chỉ đáp ứng chuẩn lúc đầu, sau đó xuống cấp mà không được quan tâm nâng cấp, hoàn thiện. Một bất cập nữa của chúng ta hiện nay là nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ năng lực, nghiệp vụ làm việc trong khách sạn 4-5 sao vẫn còn thiếu. Khách sạn 4-5 sao ở các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An, Bình Định, Nha Trang, Bình Thuận, Phú Quốc… mọc lên liên tục nhưng nhân lực thì thiếu, chạy đi chạy lại từ khách sạn này sang khách sạn kia nên lúc nào cũng thiếu sự ổn định, khi có sự cố mới lòi ra những yếu kém.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng TCDL thì Tổng cục sẽ tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống khách sạn trên toàn quốc và kiên quyết tước sao trước hạn của các khách sạn không đáp ứng được tiêu chuẩn về con người, cơ sở vật chất. Việc làm mới hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ được họp triển khai ở cả ba miền (Bắc- Trung- Nam) với các đối tượng có liên quan. Sẽ yêu cầu các khách sạn ký cam kết thực hiện các quy định, sáng kiến làm thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam. Tổng cục cũng sẽ tổ chức kiểm tra chéo giữa các khách sạn trong tỉnh/ thành và giữa các địa phương với nhau. Thậm chí sẽ tổ chức các đoàn khách bí mật, ngẫu nhiên để việc kiểm tra dịch vụ được khách quan, công bằng, ông Tuấn cho biết.
Thúy Hà
Theo Văn hóa