• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chính phủ cần giao cho địa phương xây dựng đề án tái thiết đô thị nhằm khai thác hiệu quả các công trình văn hóa, lịch sử

Thời sự 28/10/2022 16:15

(Tổ Quốc) - Sáng nay (28/10), Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận hội trường về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2022, kế hoạch năm 2023. Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, các lĩnh vực văn hóa, du lịch cần được quan tâm nhiều hơn trong tổng thể chung kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong những năm tới.

Khó hoàn thành chỉ tiêu du lịch năm 2023 vì hầu hết các đô thị du lịch đều bị ngập lụt

Theo đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh), năm 2022, trong bối cảnh đất nước trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương, sự điều hành nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm vượt khó khăn cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội đã có bước phục hồi nhanh, đạt kết quả trên các lĩnh vực.

Chính phủ cần giao cho địa phương xây dựng đề án tái thiết đô thị nhằm khai thác hiệu quả các công trình văn hóa, lịch sử - Ảnh 1.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh)

"Một trong những giải pháp tiêu biểu phải kể đến đó là công tác phòng, chống dịch COVID-19, chủ động nguồn cung cấp vaccine, tăng tỷ lệ người dân được tiêm phòng. Đến tháng 3/2022 dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội" - đại biểu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Thị Lan, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều khó khăn. 2 năm chịu sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp rất khó khăn trong tiếp cận nguồn nhân lực, nhất là nhân lực ngành du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh đã chuyển sang ngành khác và khó tuyển dụng mới, đào tạo lại. Nguy cơ đứt đứt gãy chuỗi cung ứng, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước triển khai rất chậm và khó khăn, chưa mang lại hiệu quả.

Vì vậy, để doanh nghiệp khắc phục khó khăn, giữ vai trò xương sống của nền kinh tế, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đi vào cuộc sống, trong đó cần tiếp tục có chính sách giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp đến năm 2023 để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Chính phủ cần giao cho địa phương xây dựng đề án tái thiết đô thị nhằm khai thác hiệu quả các công trình văn hóa, lịch sử - Ảnh 2.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM)

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM), Chính phủ cần có biện pháp cấp bách khắc phục tình trạng ngập lụt đô thị, là những vấn nạn đang gây thiệt hại lớn về người và của, cản trở cuộc sống và hoạt động hằng ngày của hàng chục triệu người dân, trong đó có một bộ phận là lao động cấp cao đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của địa phương và ngân sách quốc gia.

"Ngập lụt xảy ra ở hầu hết các đô thị du lịch của Việt Nam từ Quảng Ninh đến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh suốt các tỉnh miền Trung, cả các đô thị miền núi như Hà Giang, Sơn La, Đà Lạt, Kon Tum và cả đảo ngọc Phú Quốc thì làm sao chúng ta có thể khôi phục được tăng trưởng du lịch trở về thời kỳ trước COVID-19, hay là hoàn thành chỉ tiêu thu hút hơn 8 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2023" - ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến.

Xây dựng đề án tái thiết đô thị nhằm khai thác hiệu quả các công trình văn hóa, lịch sử

Nêu ý kiến về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đoàn TP.Hà Nội) cho rằng cần phải phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa.

Chính phủ cần giao cho địa phương xây dựng đề án tái thiết đô thị nhằm khai thác hiệu quả các công trình văn hóa, lịch sử - Ảnh 3.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đoàn TP.Hà Nội)

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, trong những năm qua, chúng ta có những bước mới về vai trò, định hướng phát triển văn hóa, đã quan tâm nhiều đến bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, nhưng để có hiệu quả trong gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội cần phải được làm rõ hơn về tạo cơ chế hỗ trợ để liên kết vùng trong tổ chức xã hội.

Văn hóa gắn kết phát triển du lịch, với xây dựng môi trường và trải nghiệm nông thôn. Sau đại dịch COVID-19 du lịch đang từng bước phục hồi, khởi sắc nhưng kết quả còn thấp so với mục tiêu đề ra. Để tạo điều kiện phát triển thì ngay từ năm 2023 cần phải đẩy mạnh du lịch nông thôn, nông nghiệp, làng nghề, mua sắm nông sản địa phương.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đề nghị ngay từ năm nay, Chính phủ và các tỉnh, thành phố cần quyết tâm xử lý vi phạm, đồng thời giao cho các địa phương trách nhiệm xây dựng các chương trình, đề án xây dựng, tái thiết đô thị, phát triển kinh tế đô thị, khai thác hiệu quả các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng.

Cũng liên quan đến lĩnh văn hóa, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) đề nghị Chính phủ có giải pháp phát triển văn hóa xã hội ngang tầm phát triển kinh tế để đất nước phát triển toàn diện hơn, hạn chế tai nạn xã hội, nâng cao đạo đức, mức sống cho Nhân dân và sớm khắc phục tình trạng công chức, viên chức bỏ việc như hiện nay.

Chính phủ cần giao cho địa phương xây dựng đề án tái thiết đô thị nhằm khai thác hiệu quả các công trình văn hóa, lịch sử - Ảnh 4.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang)

Tham gia phát biểu ý kiến tại hội trường, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Đoàn Điện Biên) nêu việc Chính phủ đang triển khai xem xét, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai với kỳ vọng có nhiều nội dung giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế, khai thông điểm nghẽn, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thượng tọa Thích Đức Thiện đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai lần này cần có những quy định cụ thể về đất đai tôn giáo nhằm đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, có sự tiếp nối với hiện đại, đảm bảo phát huy nguồn lực tôn giáo trong xã hội./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ