(Tổ Quốc) - Những bất cập của các nghị định về lựa chọn nhà đầu tư đặt ra yêu cầu phải giải quyết ở hình thức văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Sáng 10/12, trong phiên họp thứ 29, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Tờ trình của Chính phủ về nội dung này nêu rõ, xuất phát từ yêu cầu triển khai các nghị quyết hội nghị lần thứ 4, 5, 6, 7, 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 và yêu cầu của thực tiễn, có 3 dự án luật cần thiết phải được bổ sung vào chương trình. Gồm: Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức
Với Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).
Lý do thứ nhất, với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng tăng, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu, việc huy động nguồn vốn dồi dào từ khu vực tư nhân (bao gồm cả khu vực tư nhân nước ngoài) là rất cần thiết. Do vậy, việc ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là cần thiết, nhằm hoàn thiện thể chế, góp phần thu hút đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; khắc phục những khó khăn trong việc huy động nguồn vốn trong dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, nhất là tháo gỡ khó khăn trong việc sử dụng nguồn vốn nhà nước và nguồn vốn tín dụng tham gia thực hiện dự án đầu tư theo hình thức này.
Thứ hai, tạo cơ sở pháp lý ở tầm luật nhằm đảm bảo tính cam kết về mặt pháp lý từ phía Nhà nước, giảm thiểu rủi ro và chi phí cho dự án nhằm thu hút nhà đầu tư; khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành về vấn đề đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Đặc biệt là những bất cập của nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (nay là nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018) và nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ về lựa chọn nhà đầu tư đặt ra yêu cầu phải giải quyết ở hình thức văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, là luật của Quốc hội.
Sớm có luật về PPP cũng là vấn đề được nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đề cập trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) mới được tổ chức đầu tháng 12/2018.
Dẫn thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện chương trình PPP, nhóm công tác cơ sở hạ tầng của VBF nêu con số, trong 20 năm gần đây, khoảng 200 dự án đã được cấp phép theo hình thức PPP.
Nhưng, theo nhóm này thì hầu như không có bất kỳ dự án nào tuân theo cơ chế PPP quy định tại nghị định 15 và nghị định 63.
Lo ngại về những rủi ro khi chưa có hành lang pháp lý đảm bảo, các nhà đầu tư ngoại cho rằng một đạo luật được dự thảo chi tiết sẽ giúp ích rất nhiều cho hình thức đầu tư PPP.
Và theo các doanh nghiệp FDI thì Luật PPP nên phân định ranh giới giữa các dự án theo Luật PPP và Luật Đầu tư. Dĩ nhiên vẫn cần đảm bảo là các dự án hạ tầng vẫn có thể thực hiện theo Luật Đầu tư mà không cần các ưu đãi theo mộ hình PPP và chỉ hưởng các ưu đãi theo luật Luật Đầu tư.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội (cơ quan thẩm tra đề nghị điều chỉnh chương trình năm 2019) Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết xây dựng dự án Luật PPP nhằm hoàn thiện thể chế, góp phần thu hút đầu tư; tán thành bổ sung dự án luật vào chương trình năm 2019, đồng thời nhất trí với các chính sách dự kiến được xây dựng trong dự án luật.
Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật thống nhất với Ủy ban Kinh tế và Chính phủ về việc cần thiết khẩn trương nghiên cứu xây dựng Luật PPP.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, nghị định 63 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư mới có hiệu lực từ ngày 19/6/2018, trong đó có nhiều điểm sửa đổi quan trọng như: bổ sung lĩnh vực đầu tư PPP; bổ sung mở rộng nguồn vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP; quy định điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; ưu đãi, bảo đảm đầu tư; công khai, minh bạch thông tin hợp đồng dự án PPP; trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư theo hình thức PPP...
Thực tế là 4/5 chính sách lớn được nêu trong đề nghị xây dựng Luật PPP đều đã được quy định mới tại nghị định 63/2018/NĐ-CP. Trong khi đó chương trình năm 2019 đã khá nặng với nhiều dự án luật cần phải được xem xét, thông qua theo yêu cầu của Trung ương.
Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của chương trình và có thêm thời gian tiếp tục đánh giá, kiểm nghiệm các chính sách mới được quy định tại nghị định 63 trong thực tiễn, Ủy ban Pháp luật thống nhất với Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung dự án Luật PPP vào Chương trình năm 2019, nhưng trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), thông qua trong năm 2020.
Tại phiên họp thẩm tra, đại diện Chính phủ cũng đã nhất trí ý kiến này của Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế, ông Định cho biết.