(Tổ Quốc) - Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Tập đoàn Vinamilk tại "Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới - chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả".
Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018
Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Tập đoàn Vinamilk tại "Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới - chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả".
Cũng theo đại diện này, để có thể vươn ra tầm quốc tế, các doanh nghiệp cần phải cạnh tranh thành công ngay tại thị trường nội địa. Phải xem Thị trường nội địa là hậu phương, là bàn đạp để doanh nghiệp tiến quân ra nước ngoài. Nếu để thất bại khi cạnh tranh với các đối thủ tại thị trường trong nước thì sẽ có rất ít cơ hội thành công ở thị trường nước ngoài.
Để chủ động hội nhập và hội nhập thành công, doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ càng cho tiến trình hội nhập. Nhất là tổ chức hệ thống, bộ máy và nguồn nhân lực. Tiến quân ra nước ngoài thì nguồn nhân lực phải hết sức tinh nhuệ. Ngoại ngữ tiếng Anh là chìa khóa mở ra thị trường mới. Doanh nghiệp cần sẵn sàng thực hiện ngay việc tuyển dụng lao động chất lượng cao, giàu kinh nghiệm, tiếng Anh chuẩn mực trên thị trường lao động quốc tế để bổ sung cho nguồn nhân lực. Đây là yếu tố rất quan trọng làm nên thành công khi hội nhập kinh tế quốc tế.
"Thách thức sẽ đến trước, sẽ thấy ngay. Bởi vì các doanh nghiệp nước ngoài, các nước phát triển họ rất năng động. Họ có đầy đủ nguồn lực về con người, tài chính, hệ thống quản trị rất tốt. Ngay cả khi FTA còn chưa có hiệu lực thì họ đã từng bước xâm nhập thị trường Việt Nam. Đến khi FTA có hiệu lực thì hàng hóa, sản phâm, dịch vụ của nước ngoài đã tràn ngập, cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt từ trước, doanh nghiệp Việt sẽ thua ngay trên sân nhà….Trong bối cảnh như vậy, doanh nghiệp nào vững mạnh thì sẽ phát triển. Doanh nghiệp nào yếu ớt, kém cạch tranh sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro, kể cả phá sản", Phó Chủ tịch Tập đoàn Vinamilk nhận định.
Trong phần kiến nghị, đại diện Tập đoàn Vinamilk cho biết: "Chính Phủ và Thủ tướng hiện nay rất cởi mở, quyết liệt, đồng hành cùng doanh nghiệp nên chúng tôi không có kiến nghị gì. Ngoài việc, đề nghị Chính phủ đôn đốc và xử lý các cấp chính quyết bên dưới cũng phải quyết liệt, tận tâm vì dân như Chính phủ".
Riêng với các Bộ ngành, cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động. Trên cơ sở các cơ chế chính sách thông thoáng của các bộ ngành. Hiện nay còn rất nhiều các thủ tục hành chính rườm ra, nhiêu khê, nhất là ở các cấp trực tiếp mà doanh nghiệp vẫn phải đương đầu. Triển khai nhanh các thủ tục hành chính trực tuyến để người dân, doanh nghiệp không phải tiếp xúc với các bộ phận, cá nhân thường xuyên tạo ra các khó khăn để nhũng nhiễu. Có cơ chế công khai minh bạch hoạt động của các bộ phận xử lý thủ tục hành chính để người dân giám sát. Hạn chế thấp nhất nhũng nhiểu của người thực thi công vụ với doanh nghiệp và người dân./.