(Tổ Quốc) - Việc triển khai Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, trong đó đã góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân làm du lịch cộng đồng.
Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, với bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất cố đô, vùng nông thôn ven thành phố, vùng cao của các đồng bào dân tộc thiểu số đã, đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy gần như khá nguyên vẹn. Ngoài ra, địa phương này có hệ sinh thái tự nhiên như: sông, hồ, suối, ghềnh thác, đầm phá tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, các nghề và làng nghề truyền thống, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn… tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch cộng đồng.
Năm 2019, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND (Nghị quyết 05) về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025. Từ đó đến nay, đã có 9/9 địa phương của tỉnh đăng ký nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết 05 với tổng kinh phí 20,259 tỷ đồng (trong đó vốn hạ tầng 15,537 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 4,722 tỷ đồng).
Báo cáo tại Hội nghị Sơ kết Nghị quyết 05 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2023 được tổ chức ngày 1/11, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Nghị quyết được ban hành và triển khai trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các địa phương nói chung và các cá nhân, tổ chức, đơn vị liên quan nói riêng trong việc phát huy tiềm năng du lịch, khai thác hiệu quả loại hình du lịch sẵn có tại địa phương; từng bước nâng cao nhận thức, tăng chất lượng của lực lượng lao động, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng vùng nông thôn gắn với phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, đã hình thành các tuyến du lịch mới trên cơ sở gắn kết những điểm du lịch hiện có, khuyến khích mở thêm những điểm du lịch thực sự có tiềm năng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch; thu hút các nhà đầu tư có năng lực phát triển các dịch vụ du lịch, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 05 đã quan tâm đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch và cải thiện điều kiện sống, mang lại thu nhập ổn định cho người dân làm du lịch cộng đồng trên địa bàn các địa phương. Các địa phương đã nhận thấy được lợi ích và hiệu quả của chính sách, đã tích cực vận động người dân tự nguyện đăng ký tham gia. Qua đó, từng bước xây dựng, nâng cao ý thức trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên thiên nhiên để phục vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đồng thời làm tiền đề lan tỏa, phát huy ý thức tự nguyện của người dân trong công cuộc phát triển du lịch gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhiều địa phương đã hình thành nên thương hiệu du lịch cộng đồng và thu hút nhiều luợt khách đến tham quan, trải nghiệm. Cụ thể: Lượng khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm các loại hình dịch vụ du lịch tại huyện Nam Đông trung bình đạt 15.000 lượt khách/năm, trong đó khách lưu trú hơn 5.000 lượt, bình quân doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng/năm; huyện Phong Điền thu hút trung bình khoảng 120.000 lượt khách/năm, doanh thu bình quân khoảng trên 20 tỷ đồng/năm; Lượng khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm các loại hình dịch vụ du lịch tại thành phố Huế ước đạt khoảng 1,81 triệu lượt khách/năm, doanh thu từ du lịch đạt khoảng trên 2.800 tỷ đồng/năm;…
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, những kết quả bước đầu của Nghị quyết 05 đã tạo sự khích lệ cho người dân trong việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Song, hoạt động kinh doanh du lịch của các hộ dân vẫn còn hạn chế, nhỏ lẻ, chưa tạo nên sản phẩm thường kỳ mà chỉ dừng lại khai thác khi có khách đến tham quan, trải nghiệm.
Ngoài ra, người dân chưa thực sự tham gia cung cấp dịch vụ một cách chuyên nghiệp để hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cơ sở dữ liệu theo dõi khách tham quan/khách/doanh thu lưu trú từ các hoạt động dịch vụ tại các hộ dân chưa được hình thành; vì vậy, chưa thể đánh giá toàn diện hiệu quả của chính sách trong việc hỗ trợ khai thác phát triển du lịch của các địa phương cũng như việc cải thiện thu nhập cho các hộ dân tham gia kinh doanh du lịch.
Trước những vấn đề kể trên, tại hội nghị được tổ chức lần này, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục những hạn chế, tháo gỡ vướng mắc của các địa phương trong thời gian qua và hướng đến triển khai có hiệu quả Nghị quyết 05 trong thời gian đến./.