• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chính thức ký Hiệp định thương mại EVFTA: "Cú hích" làn sóng đầu tư từ EU vào Việt Nam

Kinh tế 30/06/2019 17:53

(Tổ Quốc) - Sau 7 năm đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) đã được ký kết vào 16h00 chiều nay (30/6/2019), tại Hà Nội.

Chính thức ký Hiệp định thương mại EVFTA: Cú hích làn sóng đầu tư từ EU vào Việt Nam  - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng... tham dự sự kiện này.

Chính thức ký Hiệp định thương mại EVFTA: Cú hích làn sóng đầu tư từ EU vào Việt Nam  - Ảnh 2.

Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết. Phía Việt Nam, đại diện là Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và phía EU, đại diện là Cao uỷ Thương mại EU Cecilia Malmstrom và Stephan Radu Oprea, Bộ trưởng Môi trường Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Romania.

Phát biểu tại Lễ ký, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "15 năm trước, Việt Nam là nước đang phát triển và chập chững bước vào hội nhập kinh tế quốc tế với kim ngạch xuất khẩu cả năm ở mức 26 tỷ USD. Và khi đó, Việt Nam vẫn là đối tác thương mại nhỏ, cần sự hỗ trợ của EU để hội nhập với nền kinh tế thế giới. Nay, với kim ngạch xuất khẩu gấp gần 10 lần so với 15 năm trước đây, Việt Nam đang cùng với EU chính thức bắt tay chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong hợp tác kinh tế, đó là giai đoạn quan hệ lâu dài, bình đẳng và cùng có lợi, xây dựng trên cơ sở các quy tắc minh bạch, thông thoáng, dựa trên một Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.

  • Phát biểu sau lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 tại Nhật ngày 29/6. Ông nói: "Tôi đã gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Khi đó ngài đã nhấn mạnh ngày 30/6 là ngày đặc biệt mang ý nghĩa lịch sử quan hệ Việt Nam - EU. Hiệp định mở ra chân trời mới cho sự phát triển của hai bên".

  • Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam gửi lời cảm ơn các đối tác EU và đánh giá các bộ, ban ngành, các cơ quan của chính phủ đã phối hợp với các đối tác EU trong quá trình đàm phán dẫn đến ký kết và cho rằng, đây là là mốc son từ quá trình bắt đầu đàm phán và hoàn tất các thủ tục nhiều năm qua.

    "EU với tầm nhìn hướng đông đã coi Việt Nam là đối tác, là quốc gia giàu tiềm năng, đối tác hàng đầu tại Đông Nam Á. Việt Nam rất vui mừng hợp tác với EU, ở một nền văn minh tiên tiến, khối kinh tế phát triển, mở rộng hợp tác với 28 thành viên với EU", Thủ tướng phát biểu, đồng thời cho rằng, việc ký hiệp định mới chỉ là bước đầu. Việt Nam sẽ ban hành chương trình hành động quốc gia để thực thi 2 hiệp định, gắn với phát huy sự năng động, sáng tạo, hướng đến mục tiêu xây dựng Việt Nam lớn mạnh, hùng cường.


  • Tuy nhiên, ký kết mới chỉ là khởi đầu cho một chặng đường mới. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước, đặc biệt là việc phê chuẩn cả FTA và IPA, chuẩn bị các bước để có thể triển khai hiệu quả đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân và hai bên. Chặng đường tới đây đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực của Việt Nam và EU".

    Chính thức ký Hiệp định thương mại EVFTA: Cú hích làn sóng đầu tư từ EU vào Việt Nam  - Ảnh 4.

    Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Romania, Đại diện Hội đồng EU Stefan-Radu Oprea cho rằng: "Đây là thời điểm lịch sử về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU sau nhiều năm đàm phán, và thành quả chính là ngày hôm nay đã diễn ra lễ ký kết này. Hiệp định EVFTA rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. 

    Hiệp định sẽ mang lại thuận lợi cho doanh nghiệp của cả hai bên, đặc biệt là DNNVV. Trong đó có giảm thuế, các vấn đề về chỉ dẫn địa lý,  mua sắm công... Đây sẽ là cơ hội cho cả hai bên".

    Về phía EU, bà Cecilia Malmetrom, Cao uỷ Thương mại EU phát biểu: "Lễ ký kết Hiệp định EVFTA là cột mốc quan trọng, thể hiện hợp tác lâu dài giữa hai bên. EVFTA sẽ gần như xoá bỏ tất cả những dòng thuế, sẽ giảm chi phí, quan liêu mà doanh nghiệp phải đối mặt, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).  Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến DNNVV trong Hiệp định vì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

    Chính thức ký Hiệp định thương mại EVFTA: Cú hích làn sóng đầu tư từ EU vào Việt Nam  - Ảnh 5.

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu sau lễ ký.

    Theo bà Cecilia Malmetro, "EVFTA sẽ là sự bảo vệ đầu tư tốt hơn nữa vào y tế cộng đồng, môi trường... Đây cũng sẽ là cơ hội tốt để mang lại việc làm, cơ hội cho cả hai bên".

    Trong số 12 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết, EVFTA có sự khác biệt rất lớn với những điều khoản giúp Việt Nam có thể cạnh tranh thuận lợi ở một thị trường phát triển như châu Âu. Từ hàng hóa, đầu tư, mua sắm công, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ đến vốn và công nghệ đều đáp ứng mục tiêu chiến lược của cả hai bên.

    EVFTA với 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo (thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ...) là hiệp định toàn diện và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU.

    Khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế và hơn 99% dòng thuế được gỡ bỏ sau 7 năm, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 28 nước thành viên EU. 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

    Như vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết.

    Chính thức ký Hiệp định thương mại EVFTA: Cú hích làn sóng đầu tư từ EU vào Việt Nam  - Ảnh 6.

    Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm.

    Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng cam kết sẽ bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hoá EU. Sau 7 năm số dòng thuế được xoá bỏ tăng lên 91,8%, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu.

    Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam sẽ áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

    Tuy nhiên, EVFTA cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam về việc bảo đảm quy tắc xuất xứ của hàng hóa; việc tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ; yêu cầu kỹ thuật đối với hàng hóa; sử dụng lao động; môi trường...

    Để giải pháp giải quyết những tồn tại, Chính phủ Việt Nam đã và đang đề ra những chính sách nhằm khẳng định quyết tâm cải cách, đổi mới toàn diện nền kinh tế, nâng cao năng lực nội tại. Trong đó, việc ký kết EVFTA được xem là cú hích để thúc đẩy quá trình hội nhập của kinh tế đất nước vào chuỗi giá trị toàn cầu.

    Hà Giang

    NỔI BẬT TRANG CHỦ