• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chính thức thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Thời sự 30/11/2024 15:31

(Tổ Quốc) - Với 443/454 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa XV vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Chính thức thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao

Theo đó, dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.

Về quy mô, nghị quyết xác định đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; Hình thức đầu tư được xác định là đầu tư công.

Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827 ha, số dân tái định cư khoảng 120.836 người. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 1.713.548 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác. Về tiến độ thực hiện, nghị quyết yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035.

Nghị quyết nêu rõ, để triển khai dự án, Quốc hội cũng đồng ý dự án được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt. Cụ thể, trong quá trình thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ được quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hằng năm cho Dự án trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hằng năm không đáp ứng tiến độ;

Chính phủ cũng được huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện dự án và không phải lập Đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng khác với quy định của nhà tài trợ nước ngoài;

Cùng với đó sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác cho Dự án trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hàng năm không đáp ứng tiến độ. Việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi không phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Dự án được bố trí vốn qua các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, mức vốn bố trí mỗi kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và không giới hạn phần vốn chuyển tiếp của dự án sang kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp theo. Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bố trí vốn cho dự án.

Dự án không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.

Trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trừ trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án; xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho dự án./.

Cơ chế, chính sách bảo đảm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực:

- Khi lựa chọn nhà thầu các gói thầu EPC, gói thầu tư vấn sử dụng nhà thầu nước ngoài, thành phần Tổ thẩm định theo quy định của pháp luật về đấu thầu và bổ sung đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước;

- Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ tổng mức đầu tư đã được hoàn thiện theo báo cáo thẩm định của cấp quyết định đầu tư cho Kiểm toán nhà nước để thực hiện kiểm toán làm cơ sở phê duyệt Dự án. Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm gửi kết quả kiểm toán cho cấp quyết định đầu tư trong thời hạn tối đa không quá 30 ngày, kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị kiểm toán.

Thế Công - Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ