(Tổ Quốc) - Đây là khẳng định của ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT khi đề cập tới các giải pháp quan trọng của Bộ GDĐT nhằm siết chặt kỷ luật trường thi, chống gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Trong năm 2019, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm trước để không ảnh hưởng tới quá trình dạy và học của giáo viên và học sinh. Đồng thời Bộ thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập để đảm bảo tổ chức Kỳ thi nghiêm túc,khách quan, an toàn.
Theo thông báo của Bộ này hồi tháng 12/2018, các nội dung được điều chỉnh chính như: Đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.
Tăng cường trách nhiệm của cán bộ các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng trong tổ chức thi và bảo mật đề thi, bài thi.
Bộ GDĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GDĐT và của các trường ĐH, CĐ đối với việc chấm bài thi tự luận.
Tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT và tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh ĐH, CĐ.
Để chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ cũng đang đăng tải lấy ý kiến góp ý về dự thảo Thông tin sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 04/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Thời hạn lấy ý kiến đóng góp đến ngày 31/3/2019.
Ảnh minh họa
Có thể nói, gian lận thi cử có thể xảy ra ở tất cả các khâu nên trong buổi chia sẻ với báo giới gần đây về các giải pháp chống gian lận thi cử trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, ông Mai Văn Trinh lại một lần nữa nhắc lại điều này, đồng thời nhấn mạnh tới vai trò của con người trong từng khâu trong quá trình tổ chức Kỳ thi và khẳng định yếu tố quyết định vẫn là con người.
Đề cập tới việc giảm bớt sự can thiệp của con người trong quá trình tổ chức thi, về lâu dài, ông Trinh cho biết, "Việc này được định hướng rõ trong Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chúng ta đổi mới kỳ thi THPT, đổi mới tuyển sinh theo hướng ngày càng gọn nhẹ, giảm áp lực, nhưng kết quả thi có độ tin cậy. Hiện nay, các giải pháp về công nghệ, đặc biệt là CNTT, hệ thống mạng máy tính và các thiết bị khác phát triển, cho phép chúng ta suy nghĩ và tính toán dần, đồng thời có bước chuẩn bị để làm sao tăng cường sự hiện diện của công nghệ, đặc biệt là CNTT. Chúng tôi cũng đang suy nghĩ đến phương án, đến một thời điểm nào đó, khi ngân hàng thi đủ lớn, cùng các điều kiện khác nữa, có thể xem xét tổ chức thi trên máy tính. Nhưng không có nghĩa, khi tổ chức thi trên máy tính là mọi công việc được giải quyết; bởi khi đó sẽ xuất hiện những vấn đề mới. Cuối cùng, con người vẫn là nhân tố quyết định sự thành bại của kì thi này."
Cục trưởng cũng cho biết, trong năm 2019, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đặt dưới dự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia, nhưng người chịu trách nhiệm trực tiếp là Ban Chỉ đạo thi tại các tỉnh, thành phố, do đó, trách nhiệm các tỉnh thành phố phải được đặt lên rất cao. Mọi thành công của Kỳ thi đều để con em/ học sinh địa phương thụ hưởng nên các địa phương cần nâng cao trách nhiệm để tạo niềm tin cho người dân địa phương. Mọi điều chỉnh năm 2019 chủ yếu hướng tới các thầy cô giáo, các cán bộ tham gia tổ chức kì thi, còn với các em căn bản vẫn giữ ổn định vì vậy các em yên tâm, tham khảo kĩ đề thi tham khảo, đồng thời chuẩn bị tâm lý vững vàng trước kỳ thi sắp tới.