• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ đầu tư Hãng phim truyện Việt Nam: Sẽ không cho thuê dãy phòng này để bán phở, chân gà nướng… như các nghệ sĩ phản ánh với báo chí

Văn hoá 20/09/2017 09:16

(Tổ Quốc) - Cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam với các nghệ sĩ đã kéo dài 4 tiếng đồng hồ, nhiều vấn đề nóng đã được chủ đầu tư giải thích.

Chiều 19/9 tại Trụ sở Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội), cuộc đối thoại công khai giữa Ban lãnh đạo công ty với các nghệ sĩ, phóng viên báo chí xung quanh “số phận” của VFS sau cổ phần hóa đã kéo dài tới gần 4 tiếng đồng hồ. Trực tiếp chủ trì, điều hành cuộc đối thoại là ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vận tải Thủy, nhà đầu tư chiến lược hiện đang nắm giữ 65% cổ phần của VFS sau cổ phần hóa. Đại diện nhà đầu tư chiến lược, ông Nguyễn Thủy Nguyên khẳng định, sẽ nói thẳng, nói thật, công khai tất cả những vấn đề liên quan đến hoạt động của hãng phim sau cổ phần hóa.

Câu chuyện về lương, chuyển đạo cụ, kịch bản… đi nơi khác, gom hơn 20 nghệ sĩ vào một phòng nhỏ 20 m2 được các nghệ sĩ mở đầu buổi đối thoại.

Quang cảnh buổi đối thoại

 

Đạo diễn Trần Chí Thành đặt câu hỏi, mục đích gom các nghệ sĩ từ 4 phòng: Đạo diễn, biên kịch, quay phim, thiết kế mỹ thuật vào một phòng để làm gì? Việc chuyển các trang thiết bị đi gây thất thoát, có kiểm kê không?

Ông Nguyễn Thủy Nguyên cho biết: “Trước đây, tất cả các phòng ban đều toàn rác. Ẩm mốc, ẩm thấp rất điêu tàn. Việc đầu tiên chúng tôi làm là dọn cho sạch. Hiện giờ chúng ta có khu vực: Nhà chính và kho xưởng. Nhà chính phải cải tổ như thế nào để trở thành nơi làm việc. Cải tạo lại xưởng sản xuất. Đáng ra phải làm từ rất sớm. Trước đây để quá bẩn thỉu, phải cải tạo nhà cho đàng hoàng”.

Việc thất thoát các trang thiết bị được các nghệ sĩ khẳng định khi đạo diễn Nguyễn Đức Việt cho biết là đã xảy ra khi những người vận chuyển kho trang thiết bị không ý thức được việc mình làm. Những dụng cụ đóng phim chiến tranh như mũ quân dụng, ăng gô… theo đạo diễn Đức Việt, đều có lịch sử 40-50 năm nay, với các nghệ sĩ nó là vô giá, nhưng lại suýt vào tay “đồng nát” nếu anh không xin lại và đánh rửa để hôm nay mang đến cuộc đối thoại này.

Việc thất thoát, theo ông Nguyên là do lỗi của những người làm công tác quản lý vận chuyển. Tuy nhiên, ông Nguyên cho rằng các nghệ sĩ đã thiếu thiện chí khi mang những vật dụng này đến cuộc đối thoại!

Đạo diễn Quốc Tuấn bức xúc: “Các nghệ sĩ không ai chống lại chủ trương cổ phần hóa. Có điều, những gì chúng tôi mong đợi sau cổ phần cho đến nay dường như vẫn là con số không. Cam kết trả lương, đầu tư làm phim, vực dậy sức sống của hãng… của nhà đầu tư chiến lược sau gần ba tháng công ty cổ phần chính thức hoạt động vẫn không thấy dấu hiệu thay đổi nào tích cực”.

 “Chúng tôi cần có nhà đầu tư chiến lược là người có tâm, có tầm và cả tiềm lực kinh tế. Nếu yêu cầu nghệ sĩ tự kéo việc về hãng thì chúng tôi lấy đâu tư cách pháp nhân và điều kiện mà làm”- Đạo diễn Quốc Tuấn thẳng thắn.

Ông Nguyễn Thủy Nguyên

 

Lý giải những thắc mắc này, ông Nguyễn Thủy Nguyên cho rằng, hai tháng sau cổ phần, ban lãnh đạo “toát mồ hôi” với khối lượng công việc phải giải quyết chồng chất. Tình trạng kinh doanh hiện tại  ở VFS đang rất tồi tệ. Năm 2015 lỗ hơn 7 tỉ, 2016 lỗ 11 tỉ và 6 tháng đầu năm 2017, Hãng tiếp tục lỗ  4,7 tỉ đồng. “Tuy nhiên chúng tôi đang rất cố gắng để khắc phục tình cảnh bi đát của Hãng phim, bằng nhiều con đường cả xa, cả gần. Thế nhưng, cần sự hợp tác của tất cả. Ai mang được phim về, chúng tôi tạo mọi điều kiện về trang thiết bị, máy móc, lương thưởng… Lãnh đạo công ty sẽ nghiên cứu xây dựng các đường hướng, chính sách lâu dài; kết nối với các Đài Truyền hình, tìm kiếm đạo diễn, biên kịch, quay phim tài năng, mua kịch bản “hot”… Thậm chí, nếu được cho phép, địa chỉ số 4 Thụy Khuê có thể được đầu tư trở thành nơi sản xuất, phát hành, chiếu phim với cụm rạp hiện đại, quy mô…”.

Tuy nhiên, nhà đầu tư chiến lược cũng cho rằng, trước mắt, các nhà làm phim phải chấp nhận các dự án nhỏ lẻ, làm phim cấp thấp. “Nếu các xã, phường, dòng họ mà thuê viết kịch bản hay làm phim thì cũng làm, miễn là ra tiền!”- ông Chủ tịch HĐQT Công ty Vận tải thủy cho hay.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân

 

Ông Nguyên cũng cho biết, sẽ không cho thuê dãy phòng này để bán phở, chân gà nướng … như các nghệ sĩ phản ánh với báo chí, bởi “như thế thì đáng được bao nhiêu, chúng tôi không làm”.

Sau khi Đạo diễn nguyễn Duy Thành chia sẻ bức xúc của các nghệ sĩ về việc không được trả lương như trước đây, ông Nguyễn Thủy Nguyên cho rằng, nhiều nghệ sĩ mấy năm không đến cơ quan làm việc, vẫn được đóng bảo hiểm, vẫn nhận lương, gây lỗ mấy chục tỉ cho VFS.

Đạo diễn Thành dẫn chứng anh đang làm việc đầy đủ và có 3 dự án làm phim, hiện 2 dự án đã kêu gọi được nhà đầu tư, muốn liên hệ với Lãnh đạo VFS để triển khai nhưng không được. Bên cạnh đó, mức lương trước đây của anh ở Hãng phim truyện Việt Nam là 2,8 triệu, nhưng từ  tháng 7 và 8, anh chỉ được trả mức 1 triệu đồng. Vậy căn cứ vào đâu để định mức lương?

Khu vực kho cũ mục, xuống cấp của Công ty

 

Ông Nguyễn Thủy Nguyên cho rằng đó là lương tạm ứng. Còn nghệ sĩ có việc vướng mắc, cần gặp lãnh đạo 1 lần không được thì phải cố gắng lần sau, không phải 1 lần không được là thôi. Ông Nguyên cũng cam kết, những vướng mắc của người lao động sẽ được giải quyết đến cùng.

Về cam kết trả lương cho nghệ sĩ, ông Nguyên cho rằng, sẽ thực hiện theo 2 cơ chế: lương theo ngày công và lương theo công việc. Nếu nghệ sĩ nào đến cơ quan ngày đủ 8 tiếng dù không làm gì vẫn sẽ trả lương. Còn nghệ sĩ nào có kịch bản, có phim xin đi làm theo sản phẩm sẽ được trả lương theo sản phẩm. Tuy nhiên, khi được hỏi mức lương tính cho các nghệ sĩ theo ngày công và lương theo sản phẩm như thế nào thì ông Nguyên vẫn chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.

Về chiến lược đầu tư cho phát triển điện ảnh, Công ty Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch cụ thể. “Chúng tôi đang phải nghiên cứu thị trường. Không thể bỏ tiền tỷ ra để làm 1 bộ phim chỉ có mấy người xem”- ông Nguyễn Thủy Nguyên khẳng định.

Đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn: 'Công ty cam kết 1 năm làm 1 phim truyện, 1 video mỗi phim 1 đạo diễn. Hãng có 10 đạo diễn, vậy còn 8 đạo diễn khác có được gọi là làm việc hay không? Chúng tôi không lãn công, chúng tôi muốn cống hiến, sáng tạo nhưng không có việc làm. Chúng tôi mong cổ phần hóa để thay đổi, để có việc làm cho nghệ sĩ nhưng lại như cũ'. 



NSND Thanh Vân: 'Anh Nguyên (ông Nguyễn Thủy Nguyên-PV) nói đạo diễn không làm phim, đấy là không hiểu cách làm phim của nghệ sĩ. 1 năm một đạo diễn giỏi lắm thì làm 1 phim. Đạo diễn không thể năm nào cũng làm phim. Nghệ sĩ phải có thời gian tích lũy. Trước đây, Hãng có văn bản tích lũy bao năm mới giảm lương. Nhiều nghệ sĩ tự trọng ra ngoài làm họ không nhận lương'.

 

Dạ Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ