(Tổ Quốc) - “Khi các bạn đã dấn thân vào Đề án thì xác định là cống hiến. Một số bạn còn đứng núi này trông núi nọ, đi làm thấp thỏm luôn luôn liếc nhìn cơ hội khác...”.
Đó là phát biểu của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tại buổi gặp mặt học viên Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) vào sáng 2/6.
Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết: Tính đến tháng 5/2018, thành phố đã cử 616 người đi học theo Đề án 922; đã có 460 học viên đã được bố trí công tác.
Trong quá trình công tác, một số học viên được tiếp tục cử đi học ở bậc cao hơn (bằng kinh phí tự túc hoặc bằng kinh phí Đề án) và một số đã thanh lý hợp đồng sau khi đã hoàn thành thời gian cam kết làm việc cho thành phố.
Đến nay, số lượng học viên Đề án đang thực công tác tại các cơ quan, đơn vị của thành phố là 380 người.
Việc tiếp nhận, bố trí công tác cho học viên Đề án cơ bản đã đáp ứng nhu cầu nhân lực của các cơ quan, đơn vị tại thành phố. Đa số học viên Đề án có tính gắn bó, cam kết làm việc lâu dài và có khả năng tiếp cận công việc nhanh, hiệu quả công việc tốt do được đào tạo bài bản, năng động, có tư duy đổi mới, ý tưởng sáng tạo.
Quang cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: Đức Hoàng |
Qua thực tế công tác đã có 207 học viên được tuyển dụng công chức, viên chức, 88 học viên được kết nạp vào Đảng, 60 học viên được bổ nhiệm cán bộ quản lý.
Về việc học viên xin ra khỏi Đề án và vi phạm hợp đồng: Có 93 học viên xin rút khỏi Đề án, bao gồm 40 người xin rút khỏi Đề án khi đã nhận công tác; 47 học viên vi phạm hợp đồng; 19 trường hợp tốt nghiệp nhưng không về nhận công tác và 5 trường hợp nhận công tác nhưng không thực hiện đủ thời gian làm việc cho thành phố theo quy định.
“Qua khảo sát cho thấy phần lớn học viên đều hài lòng với nơi công tác, được các cơ quan quản lý lao động tiếp nhận đánh giá cao. Đa số lãnh đạo các đơn vị sử dụng đánh giá học viên Đề án hoành thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng thời, với tư duy đổi mới, ý tưởng sáng tạo, nhiều học viên Đề án đã có các đề xuất giải pháp, ý tưởng, sáng kiến trong quá trình tham mưu công việc, góp phần nâng cao hiệu quả công việc của cơ quan”, ông Chiến cho biết.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Đức Hoàng |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: Cách đây hàng chục năm, cùng với sự phát triển theo hướng văn minh, lãnh đạo TP thời đó có hình thức và đột phá trong cách nghĩ cách làm và sớm ban hành Đề án thu hút nhân lực chất lượng cao ở khu vực công và cả khối hành chính và sự nghiệp. Đó là quyết định mang tính đột phá, văn minh.
Trong xã hội phải có đầu tàu mà không ai khác là chính quyền, nơi làm ra cơ chế, điều hành xã hội phát triển. Hồi đó làm ra một lớp cán bộ không phải có liền mà qua vài nhiệm kỳ để thay thế lớp đàn anh đàn chị. Bằng những hiểu biết, tầm nhìn khác với cha anh trước đây, vì thế mà ngân sách thành phố đã quyết định chi khoản lớn để thu hút hàng ngàn em, cử đi học.
“Với ngân sách thành phố không lớn, chúng ta có kỳ vọng, không phải 5 năm mà 10, 20 năm chúng ta có một đội ngũ công chức tiên tiến sánh ngang với các nước trên thế giới. Suốt ngày đi hội thảo quốc tế mà không có ngoại ngữ hoặc học theo kiểu có bằng có cấp thì làm sao. Tôi thấy nhiều đoàn công tác đi học nước ngoài ngắn hạn mà lè kè mang theo phiên dịch, hoặc ngoại ngữ lập cập, nghe câu được câu mất. Đi nước ngoài thấy những người không có khả năng giao tiếp thì thật là tội nghiệp.
Vì vậy mà tôi cho rằng quyết định đó rất đột phá với kỳ vọng thế hệ kế tiếp có một lực lượng cán bộ hạt nhân”, ông Thơ cho hay.
Các học viên thuộc Đề án tại buổi gặp mặt. Ảnh: Đức Hoàng |
Chủ tịch Đà Nẵng lưu ý với các bạn trẻ, ngoài năng lực của các bạn phải nghĩ rằng đây là chính sách đặc biệt của thành phố, cần phải cố gắng hơn chứ không phải như những công chức bình thường. Trước đây mà bỏ ra hàng tỷ đồng cho học viên đi học là không dễ; mà những bạn học xong bỏ ngang thì thành phố cũng chỉ lấy lại chừng đó, nghĩ về cái đó mới biết ý nghĩa.
“Khi các bạn đã dấn thân vào Đề án thì xác định là cống hiến. Một số bạn còn đứng núi này trông núi nọ, đi làm thấp thỏm luôn luôn liếc nhìn cơ hội khác. Ví dụ nếu các bạn tìm kiếm cơ hội, học ngoại ngữ, ra nước ngoài có cơ hội khác, có công ty nước ngoài, đại gia chèo kéo thì các bạn phải thay đổi lập trường. Trong khi việc của thành phố là công việc hằng ngày không cần kiến thức cao siêu mà các bạn cứ làm cầm chừng, nhiều khi các bạn chưa toàn tâm toàn ý”, ông Thơ nói.
Ông Huỳnh Đức Thơ chia sẻ, các bạn học viên có kiến thức cao siêu nhưng vào công việc hỗn tạp không như việc học. Chúng ta học là một phần nhưng phải rèn luyện ý chí, dấn thân vào làm cho khác đi, ai cũng nói như mình làm sao cải tiến xã hội.
Một số nơi các bạn làm không được sự giúp đỡ của đồng ngiệp, không được bày dạy về kiến thức thực tiễn, nếu lãnh đạo có tâm không tốt sẽ quy chụp các bạn ngay, “học cho lắm mà làm không được”, làm các bạn bị sốc, lãnh đạo như thế là không được.
Cũng có một số bạn nghĩ là mình học cao như vậy ra sẽ được bố trí ở vị trí cao, người ta phải nhìn mình với con mắt khác, phải đưa mình vào vị trí chủ chốt, đó là tư tưởng không đúng, dục tốc bất đạt, thậm chí phải trả giá.
Việc tiếp nhận, bố trí công tác cho học viên Đề án cơ bản đã đáp ứng nhu cầu nhân lực của các cơ quan, đơn vị tại thành phố. Ảnh: Đức Hoàng |
Tại buổi gặp mặt, một số học viên đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và đóng góp ý kiến với lãnh đạo thành phố. Một học viên được đào tạo ở Úc về, đang công tác tại một bệnh viện trên địa bàn cho biết Đề án là đúng. Khi học viên đã trở về nghĩa là họ đã có tinh thần cống hiến rồi, chứ không về theo yêu cầu của Hợp đồng. Ở nước ngoài có nhiều cơ hội mời chào, học viên có khả năng làm việc và có đủ tiền trả lại cho thành phố.
Nhưng khi về thì có nhiều bạn không được bố trí công việc kịp thời nên nhụt chí. Đây là một hợp đồng lao động chứ không phải học bổng. Vì thế, mong lãnh đạo thành phố bố trí công việc phù hợp, tránh tình trạng thui chột nhân lực khi làm trái ngành nghề trong thời gian dài.
Trước những ý kiến của học viên, Chủ tịch Đà Nẵng đã đề nghị đề nghị các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là Sở Nội vụ và Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao xây dựng các đề án, kế hoạch cụ thể trình lãnh đạo thành phố xem xét, phê duyệt.
“Quá trình đối thoại giữa các học viên và lãnh đạo thành phố không dừng lại ở đây, mà phải thực hiện một cách thường xuyên liên tục. Đề nghị Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần tăng cường quản lý, giám sát và rà soát về quá trình bố trí công việc, đào tạo, đãi ngộ, tuyển dụng ở từng sở, ban ngành và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng em học viên", ông Thơ nhấn mạnh.