(Tổ Quốc) -Tối 8/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch Hội nghị không chính thức quan chức APEC 2017 (SOM) đã chủ trì Đối thoại APEC và doanh nghiệp Việt Nam về năm APEC 2017.
Sự kiện này là sáng kiến của Việt Nam trong vai trò chủ nhà, nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và APEC có được thông tin đầy đủ hơn về Diễn đàn, về những cơ hội mà các doanh nghiệp có thể có được trong năm 2017.
Với chủ đề “Tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng và liên kết APEC”, Đối thoại đã thu hút sự tham dự của 300 đại biểu các tổ chức quốc tế và khu vực, các nền kinh tế thành viên APEC, cùng gần 100 đại biểu đại diện các phòng thương mại, hiệp hội, doanh nghiệp từ các nền kinh tế thành viên APEC và Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017 và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi đối thoại doanh nghiệp. |
Theo Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn, sự kiện này nhằm góp phần đưa APEC thành một diễn đàn vì người dân và vì doanh nghiệp, với nhiều hoạt động phong phú có sự tham gia của các doanh nghiệp sẽ được tổ chức trong suốt Năm APEC 2017.
Đại diện Thủ đô của chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, cộng đồng thành viên doanh nghiệp APEC đã có đóng góp rất quan trọng đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng.
Đánh giá cao các trọng tâm hợp tác của Diễn đàn APEC về thuận lợi hóa kinh doanh, tự do hóa thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế kỹ thuật, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung kỳ vọng APEC 2017 sẽ tập trung triển khai hiệu quả những định hướng ưu tiên về tăng trưởng bền vững, bao trùm, sáng tạo, liên kết kinh tế khu vực, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cũng như đảm bảo an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững.
Hà Nội cũng ưu tiên các dự án chất lượng, sản phẩm giá trị gia tăng có tính cạnh tranh cao, khuyến khích các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển nông nghiệp, thực phẩm sạch an toàn; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu và phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng...
“Chúng tôi mong đợi, Đối thoại sẽ đưa ra được những đề xuất hữu ích từ phía các doanh nghiệp cũng như những cam kết chính sách mang tính đột phá từ diễn đàn APEC trong nỗ lực chung bảo đảm môi trường kinh doanh, đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi và minh bạch” – Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết.
Đồng thời cam kết, Thủ đô Hà Nội sẵn sàng chào đón và luôn tạo dựng một môi trường hợp tác cùng phát triển với các doanh nghiệp và hy vọng ngày càng nhiều các đối tác APEC xem Hà Nội là điểm đến tin cậy để hợp tác, đầu tư vì sự thịnh vượng chung.
Đến nay, đầu tư trực tiếp của các nền kinh tế APEC vào Hà Nội đạt trên 3.300 dự án với tổng vốn hơn 22 tỷ USD, chiếm 90% tổng số dự án và tổng vốn FDI trên địa bàn Thành phố, đứng đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ,...
Riêng trong năm 2016, các nhà đầu tư của khối APEC đã đầu tư vào Hà Nội gần 400 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD./.
Song Đào