• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ tịch nước: Nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới, tăng trưởng có thể đạt 6,5% GDP vào năm 2022

Thời sự 21/10/2021 15:08

(Tổ Quốc) - Phát biểu tại buổi thảo luận tổ về kinh tế- xã hội, phòng chống dịch vào sáng 21/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới, sẽ đạt được mục tiêu Chính phủ đã báo cáo Quốc hội; đặc biệt năm 2022 chúng ta có thể phấn đấu đạt con số tăng trưởng 6,5% GDP.

Chủ tịch nước: Nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mớ, tăng trưởng có thể đạt 6,5% GDP vào năm 2022 - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới

Theo Chủ tịch nước, thời gian qua có sự cố gắng rất lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu (y tế, quân đội, công an) trong phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, ngành y tế là lực lượng xông pha trận mạc nhiều nhất, vất vả nhất.

Vừa qua, Chính phủ bước đầu đã có bằng khen, tuy nhiên Chủ tịch nước đề nghị ngành y tế cần chọn những tấm gương anh hùng, những người có công trạng lớn trong phòng chống dịch, chữa bệnh cho nhân dân, trong thiện nguyện… "Việc này cần làm tốt để phát động lên một tinh thần cách mạng" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Về kinh tế- xã hội, Chủ tịch nước đề nghị dù có khó khăn, tăng trưởng thấp, hụt thu ngân sách Trung ương nhưng tổng thu vẫn tốt, nguồn thu ngân sách Trung ương vẫn đạt hơn 20.000 tỉ đồng. Nước ta đã xuất một số quỹ để phục vụ cho công tác phòng chống dịch, an sinh xã hội.

Theo Chủ tịch nước, nhìn chung tình hình kinh tế xã hội có những khó khăn nhất định nhưng khi dần mở cửa thì không khí làm ăn của các doanh nghiệp cả nước hết sức tốt. Bên cạnh nhiều tấm gương tốt như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… thì có một số địa phương vươn lên mạnh mẽ như các tỉnh Đông Nam Bộ, TPHCM.

Trong đó riêng TPHCM đã có chương trình tái thiết kinh tế thành phố, bước đầu nhiều người lao động quay lại làm việc. Đây là cơ sở để có niềm tin vào một đất nước phát triển sau đại dịch, sống chung với dịch với điều kiện cụ thể. 

Chủ tịch nước tin tưởng nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới, sẽ đạt được mục tiêu Chính phủ đã báo cáo Quốc hội; đặc biệt năm 2022 chúng ta có thể phấn đấu đạt con số tăng trưởng 6,5% GDP.

Nhấn mạnh đến không khí lao động sản xuất, quyết tâm của người dân và doanh nghiệp, nguồn vốn đổ vào Việt Nam cả trực tiếp và gián tiếp cũng rất tốt, Chủ tịch nước bày tỏ sự tin tưởng với sự điều hành của Chính phủ, các bộ, của cả nước thì kế hoạch năm 2022 sẽ đạt tốt.

WHO đánh giá rất cao về cách tiếp cận toàn dân trong phòng, chống dịch của Việt Nam

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình phòng, chống COVID-19 là điều được các đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm nhất. Sau khi giải thích về độc tính của chủng Delta, ông nói đó là nguyên nhân phải có ba trụ cột phòng, chống COVID-19.

Chủ tịch nước: Nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mớ, tăng trưởng có thể đạt 6,5% GDP vào năm 2022 - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại thảo luận tổ

"Đó là giãn cách, cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, chặt nhất để nguồn lây không lan rộng khi chưa có các điều kiện như vắc xin, thuốc. Xét nghiệm phải thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây. Điều trị nhanh chóng, tích cực, kịp thời và hiệu quả. Nhưng nếu nhân dân không ủng hộ thì cũng không làm gì được. Vì vậy Chính phủ luôn nhấn mạnh và đề cao ý thức người dân trong chống dịch", Thủ tướng khẳng định.

Theo Thủ tướng, thời gian gần đây, khi vắc xin đã được bao phủ ở phạm vi rộng hơn thì các chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 đã được ban hành. Thủ tướng cho rằng: Nghị quyết 128 của Chính phủ đã được ban hành, nhưng tình hình COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên đó mới chỉ là hướng dẫn tạm thời. Bộ Y tế cũng ra hướng dẫn số 4800 với định hướng như vậy.

"Chúng ta tạm thời không áp dụng các Chỉ thị 15, 16, 19 nữa, nhưng từ diễn biến thực tiễn thì vẫn đang phải bổ sung, điều chỉnh các biện pháp thích ứng với COVID-19 cho phù hợp. Vừa qua đại diện của Tổ chức y tế thế giới (WHO) đánh giá rất cao về cách tiếp cận toàn dân trong phòng, chống dịch của Việt Nam", Thủ tướng nói.

Về phương hướng trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định vẫn ưu tiên tập trung phòng, chống COVID-19 nhưng theo các biện pháp phù hợp.

Thủ tướng giải thích: "Vừa qua chúng ta phải dùng các biện pháp hành chính để phòng chống dịch khi chưa có vắc xin. Các biện pháp này ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế xã hội. Nhưng chúng ta đã cố gắng vận động, ngoại giao, mua vắc xin và phủ được vắc xin thì chúng ta mới nới lỏng ra được".

Ngoài tiếp tục nâng cao năng lực y tế cơ sở, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh phải tập trung lo công tác an sinh xã hội. Cùng với đó, Chính phủ sẽ tập trung vào xây dựng hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính không để dân và doanh nghiệp bị phiền hà và điều chỉnh những vấn đề vĩ mô khác cho phù hợp với tình hình.

Không thể đi vay để tăng lương

Nói về vấn đề cải cách tiền lương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nếu đợt này chưa nâng lương được cho toàn bộ cán bộ công chức thì phải có chính sách hỗ trợ, tăng lương cho người về hưu trước năm 1995. Đây là những người đang hưởng lương quá thấp, đời sống rất khó khăn.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực tốt hơn để tính toán năm sau sẽ báo cáo Trung ương, Quốc hội về việc cải cách tiền lương cho cán bộ công chức. "Chúng ta phải có nguồn thu, không thể đi vay để tăng lương được. Việc giảm biên chế, nhất là các đơn vị sự nghiệp cũng cần đồng bộ với cải cách tiền lương. Nhưng cũng có yêu cầu Chính phủ tiếp tục suy nghĩ, lập phương án sớm trình năm 2022 tăng lương, cải cách tiền lương" – Chủ tịch nước nói.

Foxconn, Apple, Intel… muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam

Phát biểu tại tổ, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết thời gian qua có ý kiến cho rằng một số doanh nghiệp chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi ra Việt Nam.

"Điều này không phải, chúng tôi đã trao đổi với một số tập đoàn như Adidas, Apple… họ nói Việt Nam thời gian qua đã đóng cửa trong một thời gian tương đối dài, nên một số đơn hàng không đáp ứng được. Do đó họ phải chuyển một số đơn đặt hàng đi, tuy nhiên hiện cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang phục hồi và còn tiếp tục mở rộng. Như Foxconn, Apple, Intel… đang muốn mở rộng sản xuất tiếp. Bởi họ thấy tiềm năng lớn của Việt Nam, nhất là các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký với các nước".

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ