• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ tịch nước: “Tung tiền ra mà không có biện pháp quản lý sẽ gây hậu quả nghiêm trọng”

Thời sự 04/01/2022 18:47

(Tổ Quốc) - Chiều nay (4/1), Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về dự thảo nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

"Không còn cách nào khác, phải bơm tiền ra nền kinh tế"

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, việc phấn đấu để phục hồi, tăng trưởng, hỗ trợ phát triển rất quan trọng. Chính vì thế, có chính sách hỗ trợ, phát triển là điều rất cần thiết trong lúc này.

Chủ tịch nước: “Tung tiền ra mà không có biện pháp quản lý sẽ gây hậu quả nghiêm trọng” - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Theo Chủ tịch nước, nhiều quốc gia đã tăng chi ngân sách để hỗ trợ phục hồi kinh tế, chính vì vậy phải chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách tăng trong tầm kiểm soát. "Không còn cách nào khác, phải bơm tiền ra nền kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, phục vụ tăng trưởng", đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Chủ tịch nước cho rằng, việc về hỗ trợ tài khóa và tiền tệ để phát triển trong lúc khó khăn này là cần thiết nhưng nền tảng là phải giữ kinh tế vĩ mô, nhất là chỉ tiêu lạm phát.

Chủ tịch nước cũng cho rằng, những hỗ trợ cho người lao động và các khu vực bị ảnh hưởng cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện để đến được tay người dân, doanh nghiệp, tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện rất nhiều. Đồng thời cần thiết kế lại cơ chế khuyến khích và thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, tín dụng cho doanh nghiệp, người dân, làm sao họ tiếp cận một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, chống tham ô, lãng phí tốt nhất.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu trong quá trình thực hiện gói tài khóa, tiền tệ phát triển kinh tế phải nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, vừa có mục tiêu tăng trưởng bảo đảm chất lượng, năng suất lao động với tinh thần tự cường, áp dụng những giải pháp chuyển đổi số sử dụng công nghệ với tốt hơn, mạnh hơn, đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề phải được giải quyết tổng thể, cụ thể.

Chủ tịch nước đề nghị bổ sung nhóm giải pháp làm tăng hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm thu ngân sách nhà nước bền vững hơn; tăng tính minh bạch, công bằng, tăng vai trò điều tiết công cụ thuế. "Cần có một hệ thống giải pháp chứ không phải chỉ tung tiền ra mà không có biện pháp quản lý sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng trong thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ".

Gói giải pháp phải có đánh giá tác động và chia ra làm hai kỳ là phục hồi và tăng trưởng

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau), đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại cho cả đất nước, vì vậy việc xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội là rất đáng làm.

Chủ tịch nước: “Tung tiền ra mà không có biện pháp quản lý sẽ gây hậu quả nghiêm trọng” - Ảnh 2.

ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Nhận định dự thảo về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ trình lần này khá bài bản, đi đúng hướng, có cơ sở, tuy nhiên, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, cần phải có lộ trình thực hiện cụ thể.

Trong năm gói giải pháp phải có đánh giá tác động và chia ra làm hai kỳ là phục hồi và tăng trưởng. "Phục hồi khỏe rồi mới đến kỳ tăng trưởng. Giai đoạn phục hồi có thể là phải 1,5-2 năm trong bối cảnh xuất hiện Omicron" - ĐB Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

ĐB này cũng đề nghị, Chính phủ cần đưa ra lộ trình thực hiện các chính sách để có nền tảng thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ. Nếu hoàn thiện được điều này thì độ thuyết phục của chương trình phục hồi kinh tế sẽ rất cao.

Chủ tịch nước: “Tung tiền ra mà không có biện pháp quản lý sẽ gây hậu quả nghiêm trọng” - Ảnh 3.

ĐBQH Lê Quân (Đoàn Cà Mau)

Đồng tình với việc ban hành chính sách kích cầu nền kinh tế, tuy nhiên, ĐBQH Lê Quân (Đoàn Cà Mau) cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu việc miễn giảm thuế cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi, với mức giảm 2% thì có tác động lớn đối với doanh nghiệp lớn, nhưng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là không quá nhiều. Vì vậy, cần đánh giá kỹ mức giảm thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Lo ngại sai phạm khi đầu tư ngân sách cho ngành y tế

ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn Lai Châu) cho rằng, nên thu hẹp đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, chỉ tập trung vào các lĩnh vực như giao thông, du lịch. Bởi những lĩnh vực này đang rất khó khăn, nguồn thu không có. Thậm chí có thể giảm sâu thuế giá trị gia tăng hơn 5%.

Chủ tịch nước: “Tung tiền ra mà không có biện pháp quản lý sẽ gây hậu quả nghiêm trọng” - Ảnh 4.

ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn Lai Châu) phát biểu tại thảo luận tổ

Về các nội dung trực tiếp chi từ ngân sách, đối với 14.000 tỷ đồng hỗ trợ cho ngành y tế về trang thiết bị y tế và tăng cường năng lực, ĐB Nguyễn Hữu Toàn cho rằng việc này là rất cần thiết. "Tuy nhiên khi xem lại các danh mục thì các dự án lại chưa có thủ tục đầu tư. Nếu không cẩn thận, khi bơm tiền vào sẽ dẫn đến sai phạm" - ĐB Toàn nói.

Nêu dẫn chứng từ việc nước Kenya cũng có Chương trình phục hồi nền kinh tế nhưng họ đề ra mục tiêu cụ thể là 1 triệu đô la thì tạo ra được 20-26 việc làm, nếu tính ra tiền Việt Nam tức là 1 tỷ đồng tạo ra 1 việc làm, ĐBQH Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) đặt vấn đề: "Vậy trong đợt này, chúng ta tăng bội chi ngân sách lên 240.000 tỷ đồng thì có tạo ra 240.000 việc làm hay không?"

Từ đó, ĐB Đinh Ngọc Minh đề nghị, Chương trình phục hồi kinh tế lần này cần bổ sung các mục tiêu có thể đo đếm được để có thể giám sát được./.

5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023.

Thứ nhất, Chính phủ đề xuất chi khoảng 60.000 tỷ đồng để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh. Thứ hai, chi khoảng 53.000 tỷ đồng để đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Thứ ba, chi khoảng 110.000 tỷ đồng để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Thứ tư, chi khoảng 114.000 tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Cuối cùng, Chính phủ sẽ tập trung cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng để phục vụ một số nhiệm vụ khác.

Về giải pháp tài khóa sẽ có tổng quy mô 291.000 tỷ đồng. Về giải pháp tiền tệ, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong 2 năm. Để có nguồn lực thực hiện, Chính phủ đề xuất tăng bội chi ngân sách với số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Riêng năm 2022, Chính phủ ước tính tăng bội chi thêm khoảng 1,1% lên mức 5,1% để có số tiền khoảng 102.800 tỷ đồng.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ