• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ tịch Quốc hội: Khắc phục tình trạng một bộ phận né tránh trách nhiệm, sợ sai

Thời sự 09/05/2023 15:34

(Tổ Quốc) - Sáng 9/5, theo nội dung chương trình Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội: Khắc phục tình trạng một bộ phận né tránh trách nhiệm, sợ sai - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp

Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022 nước ta đạt được nhiều thành quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế phục hồi nhanh, là một trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng cao, kiểm soát được lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Mặc dù còn có chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, nhưng trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước còn có nhiều khó khăn, thách thức, cùng với quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, chúng ta đã vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra.

Chủ tịch Quốc hội: Khắc phục tình trạng một bộ phận né tránh trách nhiệm, sợ sai - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh đã ban hành; tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng, các dự án đường cao tốc, đường vành đai, đường ven biển và hạ tầng đô thị lớn; chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội...

Khẩn trương ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch đã được quan tâm đặc biệt và có nhiều chuyển biến tích cực trong các mặt lập pháp, thể chế quản lý nhà nước, hoạt động văn hóa có nhiều khởi sắc và tiến bộ; du lịch cũng được phục hồi tốt.

Về Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, qua làm việc với địa phương, chưa thấy có nội dung này. Do vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo thêm trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội: Khắc phục tình trạng một bộ phận né tránh trách nhiệm, sợ sai - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ, theo đó, báo cáo đã được chuẩn bị kỹ lưỡng với những nội dung sắc sảo, toàn diện. Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, năm 2022, dù đối mặt với nhiều khó khăn, kinh tế nước ta đã đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên, có 2/15 chỉ tiêu không đạt yêu cầu, thể hiện rõ độ trễ do tác động ảnh hưởng từ môi trường kinh tế quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Thanh đề nghị báo cáo Chính phủ bổ sung làm rõ một số nội dung như: cần có kịch bản phản ứng chính sách kịp thời để đáp ứng yêu cầu phức tạp khó lường của thực tiễn; nâng cao vai trò của nhà nước trong dẫn dắt, hỗ trợ, làm bệ đỡ, giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn, tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Cùng với đó, cần tiếp tục quan tâm tháo gỡ những vướng mắc trong thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản; quan tâm hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật; đẩy mạnh phân cấp phân quyền; khẩn trương ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đẩy mạnh phân bổ giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị báo cáo trình Quốc hội cần nêu rõ cơ quan, đơn vị làm tốt, cơ quan, đơn vị làm chưa tốt để đảm bảo minh bạch, công khai.

Hiện tượng người dân phải lót tay để giải quyết công việc chưa được ngăn chặn kịp thời

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ và thống nhất với các ý kiến của báo cáo thẩm tra, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch, kinh tế nước ta đã đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao, đạt được 13/15 chỉ tiêu đề ra.

Chủ tịch Quốc hội: Khắc phục tình trạng một bộ phận né tránh trách nhiệm, sợ sai - Ảnh 4.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp

Tuy nhiên, việc không đạt chỉ tiêu trong tỷ trọng chế biến, chế tạo trong GDP là điều đáng quan tâm, vì đây là chỉ số quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng, vì vậy, cần phân tích, làm rõ nguyên nhân và rút ra giải pháp để duy trì củng cố tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội trong thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng đề nghị Báo cáo cần bổ sung thêm các đánh giá về xã hội, về tội phạm và vi phạm pháp luật.

Theo đó, trong thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, đã xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm. Tuy nhiên tình trang sai phạm liên quan đến tham nhũng tiêu cực vẫn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận như chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm…

Về tội phạm mua bán người, nhất là mua bán người qua biên giới phía Tây Nam ở nước ta đang diễn biến phức tạp, nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như lừa bán người qua biên giới Campuchia để cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, đồng thời ép buộc thực hiện các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm vào người Việt Nam. Đáng lưu ý nạn nhân bị lừa bán hiện nay có cả nam giới, trẻ em dưới 16 tuổi ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tội phạm xâm hại trẻ em tuy có giảm nhưng diễn biến hết sức phức tạp. Một số vụ, đối tượng thực hiện hành vi dã man như xâm hại tình dục, xâm hại thân thể, tính mạng…Vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc người nghiện ma tuý, ảo giác, thực hiện hành vi tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức ở một số đơn vị, địa phương chưa nghiêm, còn nhiều trường hợp vi phạm thực hiện quy tắc ứng xử; tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, vị trí công tác gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Hiện tượng người dân phải lót tay để giải quyết công việc là thực trạng diễn ra nhiều năm, chưa được ngăn chặn kịp thời.

Vì vậy, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị kịp thời bổ sung, đánh giá cụ thể hơn các nội dung trên, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, do đó tiếp tục đề ra các giải pháp, chỉ đạo, phòng ngừa và xử lý hậu quả.

Khắc phục tình trạng một bộ phận né tránh trách nhiệm, sợ sai

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan thẩm tra trong xây dựng báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức chất lượng, sâu sắc để trên cơ sở đó các cơ quan tiếp thu để hoàn thiện thêm, nâng cao chất lượng văn bản trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội: Khắc phục tình trạng một bộ phận né tránh trách nhiệm, sợ sai - Ảnh 5.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thể hiện ngắn gọn nội dung đánh giá bổ sung tình hình của năm 2022. Trong đó, bổ sung tập trung làm rõ có thêm 1 chỉ tiêu không đạt, phản ánh chất lượng tăng trưởng và việc ngân sách vượt dự toán.

Đối với 2023, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải quán triệt, bám sát những nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Trung ương để hoàn thiện báo cáo. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, cơ bản giữ được ổn định vĩ mô, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá ổn định, tổng mức bán lẻ tăng đến 12,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu khác lại giảm nhanh là điều cần phải tập trung suy nghĩ, thảo luận như chỉ số sản xuất công nghiệp, động lực tăng trưởng, số lao động trong khu vực công nghiệp, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Về đầu tư dù nỗ lực cố gắng nhưng cũng chỉ bằng 19% so với dự toán giao. Thu hút FDI giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước 4 tháng, vốn đầu tư thực hiện cũng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu giảm đến 11,8%, nhập khẩu giảm 15,4%. Cán cân thương mại thặng dư nhưng khu vực kinh tế trong nước nhập siêu hơn 8 tỷ USD, xuất siêu chủ yếu là đầu tư nước ngoài. Lạm phát cơ bản cao hơn chỉ số giá bình quân. Các thị trường vẫn đang vướng mắc, doanh nghiệp và người dân vẫn đang rất khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ những con số trên đã nói lên được tất cả mà không cần nhiều lời. Do đó cần phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó mới có giải pháp. Trong đó, tập trung bám sát vào những giải pháp đã có trong nghị quyết của Quốc hội, kết luận Trung ương, sát với những nguyên nhân hiện nay như phải tập trung vào vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức và công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng một bộ phận né tránh trách nhiệm, sợ sai.




Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ