(Tổ Quốc) - Sáng 14/1, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự Đại hội lần thứ X của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
- 22.12.2020 Chủ tịch Quốc hội thăm và chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng Giám mục Huế
- 21.12.2020 Chủ tịch Quốc hội thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 5
- 25.07.2018 Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
- 13.11.2017 8 tác phẩm Đà Nẵng tham dự xét giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam
- 23.03.2017 Phê chuẩn điều lệ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam
Cùng dự Đại hội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo Bộ, Ban, Ngành Trung ương, hơn 260 đại biểu chính thức là các cán bộ chủ chốt của 10 Hội VHNT chuyên ngành TƯ, 63 Hội VHNT tỉnh, thành phố trong cả nước và các văn nghệ sĩ tiêu biểu.
Với phương châm “Phát huy tính tích cực xã hội, cộng hưởng mọi tài năng, tâm huyết sáng tạo, đưa đời sống văn học nghệ thuật lên một tầm cao mới, in dấu vẻ vang về giai đoạn chuyển đổi đặc biệt của công cuộc bảo vệ và phát triển bền vững đất nước”, Đại hội đã tập trung đánh giá, phân tích tình hình hoạt động của các hội và Liên hiệp hội trong nhiệm kỳ vừa qua, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động; từ đó, đề ra phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả hoạt động chuyên môn; góp phần chăm lo đời sống và tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tạo.
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương và cảm ơn những cống hiến to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn tin tưởng, coi trọng, chăm lo và tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình trước dân tộc và đất nước.
“Nhìn lại 5 năm qua, chúng ta vui mừng, tự hào với những kết quả đạt được, nhưng với tinh thần tự phê bình và phê bình sâu sắc, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, so với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, sự kỳ vọng của Nhân dân, thì nền văn học, nghệ thuật Việt Nam vẫn còn một số hạn chế mà tới đây cần phải được tập trung khắc phục với quyết tâm cao nhất”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Trong giai đoạn tới, tình hình trong nước và quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, khó lường, với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Với vai trò là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, văn học, nghệ thuật phải nâng tầm, đổi mới mạnh mẽ, phát huy sức mạnh đặc biệt của các loại hình văn học, nghệ thuật và tiềm năng sáng tạo to lớn của đội ngũ hơn 40.000 văn nghệ sĩ để có một giai đoạn sáng tạo mới, cống hiến thêm nhiều tác phẩm hay, có giá trị cao về tư tưởng, giáo dục, nghệ thuật, ghi lại chân thực dấu ấn về giai đoạn phát triển quan trọng của đất nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần đặt lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong tổng thể chiến lược, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới để từ đó hoạch định tầm nhìn và sứ mệnh, tạo khâu đột phá mạnh mẽ cho sự phát triển. Trên tinh thần này, thời gian tới, đặc biệt là nhiệm kỳ 2020-2025, Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị Khóa X “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Trong điều kiện nguồn lực đất nước còn hạn chế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, con đường hiệu quả nhất để thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật chính là cần tạo ra một cơ chế phù hợp. Vì vậy, các cơ quan hữu quan cần tăng cường phối hợp với Liên hiệp và các tổ chức thành viên để rà soát tổng thể các cơ chế, chính sách hiện hành, kịp thời đề nghị điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Đội ngũ cán bộ quản lý văn học, nghệ thuật cũng cần ý thức rõ trách nhiệm và tình cảm, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, về tính chất đặc thù của lĩnh vực này, để từ đó không ngừng nâng cao năng lực, trình độ, gắn bó chặt chẽ hơn nữa với các tổ chức Hội của Liên hiệp, tích cực hỗ trợ hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đến với công chúng.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, nền văn học, nghệ thuật Việt Nam thời gian tới sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ và to lớn hơn nữa, có những “vụ mùa bội thu” với các tác phẩm lớn, có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc, đáp ứng lòng mong đợi của Nhân dân.
Tại Đại hội, các đại biểu cũng đã thông qua Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa IX và phương hướng nhiệm kỳ khóa X của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam; Thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Liên hiệp các hội VHNT nhiệm kỳ khóa X. Đặc biệt, thông qua kết quả hiệp thương Đại hội đã bầu và ra mắt 27 vị Đoàn Chủ tịch khóa X (nhiệm kỳ 2020 – 2025), trong đó có 5 Phó Chủ tịch. Cụ thể, 2 Phó Chủ tịch chuyên trách là Vương Duy Biên và Đoàn Thanh Nô; 3 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm là Nông Quốc Bình, Trần Quốc Chiêm và Đỗ Hồng Quân.