Chủ tịch Quốc hội: Phải tạo dựng một hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ và thống nhất để quản lý quảng cáo
(Tổ Quốc) - Tại Phiên họp thứ 41, chiều 6/1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Thời gian chờ tắt quảng cáo 6 giây là phù hợp
Báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiệm vụ được phân công, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
"Đến nay, về cơ bản các cơ quan liên quan đã thống nhất ý kiến về các nội dung của dự thảo Luật và việc tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội" - ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, về quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới (khoản 13 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 23), có ý kiến đề nghị quy định về quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới cần cụ thể, toàn diện hơn, quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của từng chủ thể tham gia thị trường. Cùng với đó, có ý kiến đề nghị quy định rõ thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung, hoàn thiện quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (Điều 15a); về nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng (khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 23); về trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo khi thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian để cung cấp dịch vụ (điểm g khoản 5 Điều 23).
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật chỉnh sửa, quy định nguyên tắc đối với yêu cầu có tính năng, biểu tượng dễ nhận biết cho phép người tiếp nhận quảng cáo tắt quảng cáo, thông báo nội dung quảng cáo vi phạm cho nhà cung cấp dịch vụ và từ chối xem nội dung quảng cáo không phù hợp. Về thời gian chờ tắt quảng cáo, 6 giây được đánh giá là khoảng thời gian đủ để người xem nhận biết về sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa được quảng cáo và phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy, xin giữ quy định này và đề nghị Chính phủ quy định cụ thể về việc “tắt quảng cáo” trong văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Để quản lý tốt hơn hoạt động lồng quảng cáo trong phim và phù hợp với quy định của Luật Điện ảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung tại Điều 26 quy định về quảng cáo trong bản ghi âm, ghi hình, quảng cáo trong phim, đồng thời, đề nghị Chính phủ quy định chi tiết.
Hiện nay, mục 2 Chương IV Luật Thương mại năm 2005 quy định về Quảng cáo thương mại có nhiều quy định trùng lặp với Luật Quảng cáo năm 2012; về cơ bản, các quy định về quảng cáo thương mại trong Luật Thương mại đã được quy định chung trong Luật Quảng cáo năm 2012; một số điều, khoản của Luật Quảng cáo quy định phạm vi rộng hơn, bao trùm toàn bộ nội dung về quảng cáo thương mại trong Luật Thương mại; một số cụm từ quy định về cùng một nội dung nhưng không được sử dụng thống nhất giữa hai luật.
Tuy nhiên, về bảo đảm tính thống nhất của Luật Quảng cáo với các luật liên quan, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, vấn đề này hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, thống nhất bãi bỏ quy định về quảng cáo thương mại trong Luật Thương mại để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị, giữ nguyên Mục 2 Chương IV Luật Thương mại và cân nhắc vấn đề này trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại.
Phải tạo dựng một hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ và thống nhất để quản lý quảng cáo
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận nỗ lực tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian qua; đồng thời, đề nghị, các cơ quan tiếp tục rà soát danh mục sản phẩm, hàng hóa dịch vụ đặc biệt... để Chính phủ ban hành nghị định, các bộ ban hành thông tư hướng dẫn, không để bỏ sót nội dung sau khi ban hành luật, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.
Về quảng cáo mạng xuyên biên giới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan tiếp tục nghiên cứu kỹ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia phát triển có thị trường quảng cáo chuyên nghiệp và hiện đại để hoàn thiện các quy định liên quan tại dự thảo Luật.
Theo Chủ tịch Quốc hội, phải tạo dựng một hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ và thống nhất để quản lý quảng cáo.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng hiện đang xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông và cũng là vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống của người dân. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan để hoàn thiện các quy định điều chỉnh đối với quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng tại dự thảo luật, qua đó bảo đảm sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo này. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo phải có quy định để kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng.
Các đại biểu nêu ý kiến tại phiên họp
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các cơ quan cần phối hợp để liệt kê đầy đủ, chi tiết các thủ tục, giấy phép đã được lược bỏ khi sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo hiện hành; tiếp tục rà soát để bảo đảm loại bỏ giấy phép, thủ tục phát sinh mới. Trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cần phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan để rà soát, sửa đổi, chỉnh lý các quy định trong dự thảo Luật thật kỹ và chắc.
Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng và Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đều tán thành giữ quy định về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền là 5% như Luật Quảng cáo năm 2012. Đồng thời, đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu có giải trình thỏa đáng hơn về thay đổi thời gian quảng cáo trên internet từ 1,5 giây lên 6 giây.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao sự chủ động, tích cực chủ trì, phối hợp của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám để chỉnh lý dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp này để hoàn thiện quy định về các điều cấm đối với người có ảnh hưởng, người có uy tín thực hiện hoạt động quảng cáo; về nội dung quảng cáo…
Cùng với đó, Chính phủ cần rà soát các quy trình, thủ tục liên quan trong hoạt động quảng cáo để tiếp tục cắt bỏ những thủ tục không cần thiết, rườm rà, góp phần phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước đối với nội dung quảng cáo.