(Tổ Quốc) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải xây dựng được ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực.
Chiều 26/5, tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành với các nguyên tắc và quan điểm đối với việc sửa đổi đã được nêu trong tờ trình và báo cáo thẩm tra. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan rà soát để quán triệt, cụ thể hóa tối đa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác thanh tra; cụ thể hóa hiến pháp năm 2013.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thanh tra là một trong những công cụ để thực hiện chức năng kiểm soát quyền lực Nhà nước. Đồng thời, thanh tra cũng bảo vệ quyền của con người, quyền của công dân, cũng như quyền của các tổ chức, các đối tượng thuộc đối tượng thanh tra.
"Tất cả quan điểm, nguyên tắc đó nhằm hướng đến mục tiêu sau khi sửa đổi luật sẽ góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của ngành thanh tra, hoạt động thanh tra. Đây mới là mục tiêu mà nước ta hướng đến. Phải xây dựng được ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực"- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội hoạt động thanh tra phải đáp ứng được yêu cầu công khai, minh bạch, đảm bảo các kết luận, kiến nghị thanh tra được đưa ra khách quan, không ai can thiệp vào và giảm bớt phiền hà cho đối tượng được thanh tra.
Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước đây khi có đề án nghiên cứu muốn cơ quan thanh tra tập trung lên trên, tập trung cho Trung ương và cho tỉnh, bỏ thanh tra cấp huyện. Tuy nhiên, đây chỉ là những định hướng, chưa phải văn bản pháp luật.
Qua phân tích đánh giá nhiều ý kiến trong các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến đại biểu Quốc hội nêu thì không những phải giữ thanh tra ba cấp (Trung ương, tỉnh, huyện) mà còn phải tập trung tăng cường năng lực cho cấp huyện.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cấp chuyện chính là cấp gần dân nhất, sát dân, cấp cơ sở nhiều việc. Cho nên không những giữ Thanh tra huyện mà phải tạo điều kiện cho cấp này hoạt động. Cả Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất nội dung này. Thực tiễn cuộc sống đã chứng minh việc này đúng.
Về dự thảo Luật quy định về thanh tra theo ngành, lĩnh vực gồm: Thanh tra bộ, Thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ và Thanh tra sở, Chủ tịch Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên trong luật phải có quy định về tiêu chí, nguyên tắc với những định hướng. Trên cơ sở đó sẽ làm căn cứ để Chính phủ, các bộ, ngành có quyết định và rà soát xem liệu có chồng chéo không. Cần quy định chặt chẽ vấn đề này.
Về hình thức thanh tra, Chủ tịch Quốc hội tán thành với việc bỏ thanh tra thường xuyên. Qua tổng kết và thực tiễn cho thấy thanh tra thường xuyên chính là hoạt động kiểm tra của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
Nêu ý kiến về việc này, đại biểu Lê Thành Long – Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, có ý kiến đề nghị có quy định độc lập với thanh tra sở. Với các sở phục vụ công tác quản lý thì thanh tra chính là công cụ để thực hiện quản lý. Do vậy, không thể vì theo tình hình thực tế của địa phương mà có chỗ thành lập, có nơi không thành lập. Còn trong trường hợp một số sở ngành thực sự không cần thanh tra thì cũng cần quy định rõ từ đầu.
Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị những sở nào thành lập thanh tra sở thì cần nêu đầy đủ trong dự thảo luật. Việc này sẽ tránh gây khó cho Chủ tịch UBND và gây ra sự không thống nhất và đồng bộ trong toàn quốc.
Đặc biệt hiện nay chúng ta đã giảm biên chế, nếu không có công cụ quản lý sẽ dẫn đến buông lỏng quản lý khi các vi phạm trong cuộc sống ngày một phức tạp.
Dự thảo Luật quy định việc xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra, như: nếu phát hiện hành vi vi phạm thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra lập biên bản về hành vi vi phạm đó để làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện thấy dấu hiệu của việc tẩu tán, chuyển dịch, hủy hoại tài sản thì đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập và cơ quan có thẩm quyền khác có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi đó.
Bộ trưởng Long đề nghị rà soát các quy định có liên quan của dự thảo này với các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018. Đồng thời làm rõ áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản tại khoản 1, điều 69 của dự thảo luật là những biện pháp gì.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi luật này như những lý do trong tờ trình.
Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, ông Lã Thanh Tân đồng tình với quan điểm giữ nguyên, duy trì cơ quan Thanh tra cấp huyện. Đây là cơ quan rất cần thiết, đảm bảo cho nguyên tắc quản lý phải có thanh tra, thực hiện các nhiệm vụ các luật hiện hành như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật giải quyết khiếu nại tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng.
Theo Đại biểu Lã Thanh Tân, những bất cập được nêu ra đối với Thanh tra huyện thì không phải do bất cập từ thể chế mà do quá trình tổ chức thực hiện chưa được quan tâm đúng mức. Thanh tra cấp huyện chưa có nguồn lực thỏa đáng để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Đối với Thanh tra sở, đại biểu Lã Thanh Tân nêu rõ dự thảo Luật quy định việc thành lập Thanh tra sở do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập trên cơ sở quy định của các luật chuyên ngành về tổ chức, hoạt động cơ quan thanh tra; yêu cầu quản lý của từng lĩnh vực và tổ chức, bộ máy, biên chế được giao cho địa phương.
Vị đại biểu Đoàn Hải Phòng cho rằng nếu dừng lại ở quy định này sẽ khó thực hiện. Tuy nhiên, nếu giao cho UBND cấp tỉnh thì cần có mở rộng, tính đến tiêu chí thành lập một bộ phận thanh tra độc lập hoặc một bộ phận thanh tra ghép với những ngành, những sở quản lý đa lĩnh vực. Cần có tiêu chí chung cho việc thành lập tổ chức Thanh tra sở.