• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện thận trọng, kỹ lưỡng

Thời sự 25/05/2022 18:04

(Tổ Quốc) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) có tính chuyên môn sâu, phức tạp, do đó, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng.

Chiều 25/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức hội nghị, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu tác động, gửi dự thảo Luật xin ý kiến một số Bộ, ngành, cơ quan liên quan để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 9 và tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan hữu quan theo quy định.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) có tính chuyên môn sâu, phức tạp, do đó, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

So với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã bổ sung nhiều nội dung mới, đáp ứng các mục tiêu đề ra", ông Nguyễn Đắc Vinh nói.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện thận trọng, kỹ lưỡng - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Báo cáo về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, của dự thảo Luật, liên quan đến cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị chỉ cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt, trong khi loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định yêu cầu kịch bản phim bằng tiếng Việt (đầy đủ).

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội 2 phương án. Phương án 1: Quy định yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt và Phương án 2: Quy định yêu cầu kịch bản phim bằng tiếng Việt.

Về phổ biến phim trên không gian mạng, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, phương án giao chủ thể phổ biến phim thực hiện tự phân loại đối với phim phổ biến trên không gian mạng đã được Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động, phù hợp với thực tế nước ta hiện nay, là xu hướng chung trên thế giới và thống nhất trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu lực, khả thi của phương án tự phân loại đối với phim phổ biến trên không gian mạng, tăng cường quản lý nội dung phim phù hợp với chủ trương, chính sách của nước ta cũng như bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, Điều 21 dự thảo Luật được thiết kế lại, quy định cụ thể, chặt chẽ về các chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng.

Theo đó, dự thảo Luật quy định chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng phải là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp được thành lập, hoạt động điện ảnh theo đăng ký kinh doanh, theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật; trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, chủ thể phổ biến phim phải tự phân loại phim theo tiêu chí do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; hoặc đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân loại phim theo trình tự, thủ tục tại khoản 3, khoản 4 Điều 27.

Dự thảo Luật cũng đã quy định nhiều cơ chế, biện pháp chặt chẽ để tăng cường kiểm soát, quản lý, ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm phổ biến trên không gian mạng.

Về vấn đề phân loại đối với phim có yếu tố chính trị, quốc phòng, an ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trên thực tế, khi chưa thực hiện thẩm định cấp phép phân loại phim, rất khó xác định phim có yếu tố về chính trị, quốc phòng, an ninh trước khi phổ biến trên không gian mạng.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, cơ quan trình dự án Luật cho rằng việc quy định thành lập và hoạt động của Quỹ tạo hành lang pháp lý, công cụ hiệu quả hỗ trợ điện ảnh phát triển, đáp ứng nguyện vọng của nhiều tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực điện ảnh. Kinh nghiệm trên thế giới có nhiều quốc gia xây dựng quỹ phát triển điện ảnh.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu mô hình Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, không làm phát sinh biên chế, đã được Chính phủ thành lập và hỗ trợ.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan và ý kiến cơ quan trình dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tại dự thảo Luật.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ