• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi): Thúc đẩy hiệu quả của Quỹ phát triển điện ảnh

Văn hoá 18/02/2022 16:31

(Tổ Quốc) - Sáng 18/2, tại Hà Nội, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị góp ý kiến dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Dự và chủ trì Hội nghị có Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Phan Viết Lượng. Tham dự còn có các chuyên gia, nhà quản lý…

Để Điện ảnh Việt Nam được tạo điều kiện phát triển hơn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Mục đích của việc sửa đổi Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo khung pháp lý mới để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh; khắc phục bất cập trong thực tiễn hoạt động điện ảnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công nghệ và hội nhập quốc tế. Tại Kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội đã quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật.

Góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi): Thúc đẩy hiệu quả của Quỹ phát triển điện ảnh - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị

Ngay sau Kỳ họp Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Thường trực Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật; đồng thời, lấy ý kiến một số Bộ, ngành và chuyên gia để có thêm cơ sở hoàn thiện Dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho biết, đến nay, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung như: bổ sung một số chính sách cụ thể nhằm huy động nguồn lực của Nhà nước, của toàn xã hội tham gia phát triển điện ảnh, xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh; làm rõ chính sách về phát triển nguồn nhân lực; bổ sung các chính sách thu hút đầu tư và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào hoạt động điện ảnh Việt Nam; cụ thể hóa quy định về phổ biến phim trên các nền tảng; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện ảnh…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, sau khi được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Ban soạn thảo và Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục đã có sự phối hợp chặt chẽ, có nhiều trao đổi, tiếp thu các ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật, làm sao cho dự thảo Luật hiệu quả, có đời sống lâu hơn, để Điện ảnh Việt Nam được tạo điều kiện phát triển hơn trong thời gian tới. Sau thời gian nghiên cứu từ thực tế cũng như các ý kiến đóng góp bằng nhiều hình thức, dự thảo Luật hiện còn 8 chương, 49 điều trong đó đã rút gọn lại một số điều.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật đã thống nhất phương án chỉnh lý, giải trình, tiếp thu như về đối tượng áp dụng hoặc về chính sách Nhà nước phát triển điện ảnh. Tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, dự thảo Luật đã gom nội dung các khoản 1, 2, 3, 6 của Điều 6 về phát triển công nghiệp điện ảnh thành khoản 1 của Điều 5 (mới) để các chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh tránh phân tán, dàn trải ở nhiều điều khác nhau trong dự thảo Luật. Quy định cụ thể các hoạt động được hưởng ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai để có căn cứ sửa đổi các luật chuyên ngành (khoản 3 Điều 5).

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho biết, quy định về việc phổ biến phim trên không gian mạng là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Vì thế tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về việc đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý ở từng cấp; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phổ biến phim, trong đó có trách nhiệm cung cấp công cụ kiểm duyệt tự động, cảnh báo cũng như công cụ cho người xem báo cáo vi phạm để cơ quan nhà nước phát hiện kịp thời, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước gỡ bỏ những vi phạm khi có yêu cầu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung các quy định như tại điểm đ, e, g khoản 1, khoản 2, khoản 6 Điều 21 dự thảo Luật…

Phải hiểu đúng Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

Góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi): Thúc đẩy hiệu quả của Quỹ phát triển điện ảnh - Ảnh 2.

Nhiều ý kiến đồng tình việc hậu kiểm đối với phim phát hành trên không gian mạng

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại kỳ họp vào tháng 5 tới, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật lần này đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các Bộ, ngành, chuyên gia, nên đã dần hoàn thiện, có nhiều điểm, rõ ràng, tiến bộ, khả thi hơn.

Các ý kiến góp ý tập trung vào các vấn đề còn nhiều băn khoăn như việc phổ biến, phát hành phim, việc kiểm duyệt phim, lưu chiểu phim, cấp phép, phân loại phim, thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh…

Đại diện cho Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Quỳnh Liên đánh giá, sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp, dự thảo Luật đã được chỉnh lý một số nội dung rõ ràng, cụ thể hơn. Góp ý kiến về các nội dung cụ thể, bà Liên cho biết, Điều 6 ghép vào điều 5 quy định cụ thể về chính sách của Nhà nước phát triển điện ảnh, cần có các quy định cụ thể, dành riêng cho việc phát triển về công nghiệp điện ảnh, phân chia rõ nội dung nào dành riêng cho việc phát triển công nghiệp Điện ảnh.

Góp ý về quy định gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua về tiền kiểm hay hậu kiểm, bà Liên cho biết, Bộ Tư pháp đồng tình với việc hậu kiểm các phim phổ biến trên không gian mạng vì thực tế cho thấy chúng ta không đủ nhân lực và công cụ để có thể kiểm duyệt phim trên mạng trước khi chiếu. Vì thế với phim chiếu trên không gian mạng nên tiến hành theo hình thức hậu kiểm, tăng cường trách nhiệm của các đơn vị phát hành, phổ biến phim cũng như đánh vào ý thức của người xem, tránh đặt gánh nặng tiền kiểm lên các cơ quan quản lý nhà nước trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, phổ biến, phát hành phim trên mạng.

Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, cần xác định được hiệu quả của Quỹ và Quỹ này phải do các cơ quan quản lý nhà nước thành lập, quản lý và điều hành quỹ, chỉ khác là nguồn và mục tiêu chi sao cho thỏa đáng, Quỹ đặt ra có đúng mục đích, định hướng không.

Cũng góp ý quy định về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Lê Hồng Chương cho rằng, hiện chúng ta hiểu chưa đúng về Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh. Theo ông Chương, kinh nghiệm từ các nước cho thấy, Quỹ hỗ trợ Điện ảnh là công cụ của nhà nước để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh, nhiều nước tiến hành thu phí như Pháp thu 10% cho phim thị trường, 6% cho phim theo định hướng của Nhà nước. Từ đó Nhà nước mới đủ tiềm lực để can thiệp vào thị trường này. "Vì thế chúng ta phải xác định Quỹ hỗ trợ Điện ảnh là công cụ của nhà nước để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa"- NSND Lê Hồng Chương nhấn mạnh.

Được biết, vào ngày 23/2 tới, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Ban soạn thảo Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ