(Tổ Quốc) - "Khi tôi hỏi lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, ngay cả trong lúc khó khăn nhất của đại dịch Covid-19 xem họ cần gì, thì họ đã nói rất thẳng thắn và chân thành rằng, biết Nhà nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền mà chỉ xin cơ chế. Tôi tin tâm thế đó của doanh nghiệp là tâm thế của người chiến thắng...", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến "Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế" diễn ra sáng 9/5, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ về việc cách đây 3 tuần đã có một quyết định quan trọng và khó khăn, đó là dỡ bỏ về bản tình trạng cách ly xã hội và mở cửa thị trường trong nước. Với quyết định này, tình hình doanh nghiệp và nền kinh tế đã có diễn biến rất nhanh theo chiều hướng tích cực.
Cụ thể, cuối tháng 4/2020 - đầu tháng 5/2020, VCCI đã thực hiện khảo sát, kết quả là 55% doanh nghiệp (DN) cho biết tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý 3, 22% sẽ quyết định mở rộng quy mô sản xuất trong quý 3. Chỉ 21% doanh nghiệp dự kiến sẽ thu hẹp quy mô, ngừng hoạt động.
"Xu hướng này tốt hơn rất nhiều so với thực trạng doanh nghiệp ở cuối tháng 3/2020 - đầu tháng 4/2020", ông Vũ Tiến Lộc nói.
"Một lần nữa thấy được sức sống kiên cường, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp Việt Nam trong khó khăn, khủng hoảng", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Tuy tình hình doanh nghiệp đã được cải thiện nhưng vẫn còn rất khó khăn, những biện pháp trợ giúp từ Chính phủ là vô cùng quan trọng. Từ đó ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung các giải pháp miễn, giảm một số sắc thuế, kéo dài thời gian giãn, hoãn các khoản phải trả, phải nộp của doanh nghiệp trong thời gian 6-12 tháng. Nâng trần tăng trưởng tín dụng để tiếp sức cho doanh nghiệp.
Điều quan trọng nhất mà cộng đồng doanh nghiệp muốn kiến nghị là phải thúc đẩy thực thi thật nhanh, thật hiệu quả, minh bạch, công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành, bởi nhanh 1 ngày thì doanh nghiệp sống, mà chậm 1 ngày thì có thể doanh nghiệp sẽ không còn.
Theo Chủ tịch VCCI, "ở trong nước, niềm tin của người dân và doanh nghiệp tiếp tục được khơi dậy. Trên phạm vi quốc tế, làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu lớn nhất trong lịch sử nhân loại kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đang nhắm chọn Việt Nam là điểm đến an toàn. Đất nước ta lại một lần nữa đứng trước cơ hội có thể hóa rồng, hóa hổ".
Vì thế, để đón nhận cơ hội này, đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất.
"Khi tôi hỏi lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, ngay cả trong lúc khó khăn nhất của đại dịch Covid-19 xem họ cần gì, thì họ đã nói rất thẳng thắn và chân thành rằng, biết Nhà nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền mà chỉ xin cơ chế. Tôi tin tâm thế đó của doanh nghiệp là tâm thế của người chiến thắng, và chúng ta cũng hiểu một điều rất giản dị rằng, chính sự minh bạch, đơn giản hóa, để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là cứu cánh bền vững cho các doanh nghiệp", Chủ tịch VCCI nói.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị tập trung tháo gỡ ngay các thủ tục phiền hà, cản trở để đẩy mạnh đầu tư công. Sử dụng hết khoản đầu tư này để có thể tạo ra thị trường, tạo việc làm, tạo nền tảng và điểm kích hoạt cộng hưởng với đầu tư tư nhân, đầu tư FDI và với đầu tư đối tác công tư.
Nếu làm được điều này, thì không có lý do gì Việt Nam không thể đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay, như quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ. Và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ chủ trương, quyết tâm này của Chính phủ.
Để chủ động đón nhận dòng vốn FDI mới, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ giao các bộ, ban ngành phối hợp với VCCI, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp triển khai sớm một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở cấp quốc gia để tiếp cận với "đại bản doanh" của các chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam chứ không thụ động chờ họ tìm đến với mình.
Cùng với đó là xây dựng thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp nâng cao nguồn nhân lực, triển khai thực hiện các yêu cầu quốc tế hóa và số hóa, các mô hình kinh doanh bền vững sáng tạo, có trách nhiệm.
Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam ở thời điểm này vẫn là khó khăn về thị trường tiêu thụ. Vì vậy, Chủ tịch VCCI đề nghị phát động tháng cao điểm, ít nhất từ nay đến cuối năm, phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam để tiếp sức cho các doanh nghiệp Việt.