(Tổ Quốc) - Tại Hội nghị sơ kết Chương trình 06/CTr-TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025 do Thành ủy Hà Nội tổ chức vừa qua, nhiều đại biểu đã tham luận, gửi ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp, sáng kiến, kinh nghiệm nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình 06/Ctr-TU, với quyết tâm hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Lấy văn hóa làm nền tảng phát triển du lịch
Giai đoạn 2021-2025, Chương trình 06-CTr/TU đề ra 18 chỉ tiêu cụ thể thuộc 7 nhóm nội dung chuyên đề. Đến quý I-2023 đã cơ bản hoàn thành, tiêu biểu như các nhóm chỉ tiêu về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; phát triển thể thao; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản; giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm… Ngoài ra, Hà Nội đã hoàn thành 17 nghị quyết chuyên đề, trong đó điểm nổi bật, tạo nên sự đột phá, bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, con người chính là việc Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua đó xác định mục tiêu mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố với nền tảng là văn hóa và sáng tạo.
Hà Nội tiếp tục ghi nhận những thành tựu trong giáo dục - đào tạo với việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, chất lượng giáo dục được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học; khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước của học sinh Thủ đô trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, với 264 học sinh đoạt giải tại các kỳ thi quốc gia; giành 144 huy chương, giải thưởng quốc tế.
Ở lĩnh vực du lịch, thành phố vinh dự được đề cử và nhận giải thưởng: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022 - World’s Leading City Break Destination 2022 do Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới trao tặng. Trong khi đó, ở nội dung giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế, Hà Nội đã tổ chức và tham gia 50 sự kiện quy mô quốc tế tại thành phố cũng như nhiều tỉnh, thành khác…
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: Thủ đô Hà Nội đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, làm nền tảng để phát triển các loại hình du lịch khác. Thành phố đã chủ động ban hành kế hoạch, dự án, đề án cụ thể xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, làng nghề…, bảo đảm các sản phẩm hoàn chỉnh, độc đáo, hấp dẫn, có tính chuyên nghiệp cao theo hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Trên cơ sở tiềm năng lợi thế sẵn có, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ngành Du lịch Hà Nội đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, có tốc độ tăng trưởng ổn định, đóng góp hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, đồng thời tạo nhiều dấu ấn quan trọng qua các giải thưởng, danh hiệu quốc tế, như: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2022"; "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022...
Ngành Du lịch Thủ đô xác định cần phát triển du lịch có trách nhiệm, phát triển du lịch hướng đến cộng đồng, thực hiện bảo tồn văn hóa dựa vào cộng đồng dân cư địa phương theo hướng chia sẻ hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp, địa phương, người dân và du khách.
Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho nguồn nhân lực tại chỗ, phát huy vai trò tích cực của cộng đồng dân cư để mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch; đẩy mạnh khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa của Hà Nội để tập trung phát triển sản phẩm du lịch với tính đặc thù và có tính cạnh tranh cao; tập trung các chiến dịch quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa trên các kênh truyền thông lớn trong nước và quốc tế; thúc đẩy thu hút các nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại các điểm đến di tích, di sản.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho rằng, để tận dụng tốt thời cơ, vượt qua nguy cơ, thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề khai thác nguồn lực con người, nhất là xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề đã và đang được đặt ra đối với Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng, trong đó rất cần sự chủ động, tích cực vào cuộc của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp để biến các chủ trương, kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao thành hiện thực, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.
Với quyết tâm đổi mới, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội xác định cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện "Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045" trên địa bàn thành phố; tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cấp THCS, THPT; đẩy mạnh và đa dạng các hoạt động tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.
Xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng; tiếp tục tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và chất lượng kỹ năng nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động; đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát triển giáo dục nghề nghiệp; tăng cường sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các nước thành công trong phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Phạm Thị Thu Hương cho rằng, cần có quỹ hỗ trợ sáng tạo. "Cần có chính sách liên quan trực tiếp đến các trường đại học, cao đẳng để việc phối hợp, hợp tác với các sở, ngành, đơn vị của thành phố không chỉ là việc nên làm mà là việc cần làm, phải làm. Từ các nguồn kinh phí phù hợp, TP có thể thành lập Quỹ hỗ trợ sáng tạo, với mục đích tài trợ cho những đề án, dự án, sản phẩm phù hợp, có giá trị và đem lại hiệu quả”- Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa nêu quan điểm.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, cần tiếp tục tạo nên thay đổi toàn diện về nhận thức trong vấn đề văn hóa, con người. "Thời gian tới, Ban chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU sẽ chú trọng kiểm tra, giám sát để thống nhất lại nhận thức và có quyết tâm cao hơn nữa trong thực hiện. Tiếp tục quan tâm đến vấn đề văn hóa cơ sở, với việc tham mưu cho Thành ủy ban hành một chỉ thị về xây dựng văn hóa con người Hà Nội. Cần quan tâm thực chất, hiệu quả đến chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có 3 nhóm vấn đề về giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức các cấp. Các quận, huyện, thị xã, sở, ngành theo chương trình, đề án được phân công, tiếp tục rà soát, đánh giá, cần có giải pháp cụ thể đối với chương trình 06/CTr-TU”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh./.