• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Chúng ta phải nhìn nhận rằng Du lịch thời gian qua đã có sự tăng trưởng cao chưa từng có“

Du lịch 10/06/2017 16:42

(Tổ Quốc)- Ngành Du lịch đã đạt được nhiều thành quả trong thời gian qua và đang đứng trước nhiều trọng trách lớn mà Đảng, Nhà nước giao phó. Các chuyên gia du lịch cho rằng, không nên vì những sai sót cá nhân mà chúng ta vô hình trung không nhìn nhận những nhiệm vụ lớn mà ngành Du lịch đã và đang triển khai.

Thời gian qua, ngành Du lịch đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Ngoài việc lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ấn tượng (5 tháng đầu năm 2017, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 5,2 triệu lượt người, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái), ngành Du lịch đã hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội thông qua Luật Du lịch (sửa đổi); Hoàn thiện dự thảo, báo cáo Bộ trình Chính phủ Chương trình Hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo ý kiến của các thành viên Chính phủ; Phổ biến, quán triệt và triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại các địa phương; Đề xuất kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch; Hoàn thiện, báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ các văn bản về: thị trường khách du lịch Trung Quốc và tour giá rẻ; kịch bản tăng trưởng khách du lịch và các giải pháp duy trì sự tăng trưởng của ngành Du lịch giai đoạn còn lại của năm 2017; tiếp tục gia hạn miễn visa cho khách du lịch từ 5 nước Tây Âu theo Nghị quyết số 39/NQ-CP của Chính phủ; ban hành Quyết định thí điểm thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch…

Tuy nhiên, thời gian qua, những sự cố đáng tiếc liên quan đến sai sót cá nhân của ngành Du lịch đã gây xôn xao dư luận với nhiều ý kiến trái chiều, vô hình trung bỏ qua những thành quả và nhiệm vụ lớn mà ngành VHTTDL nói chung và Du lịch nói riêng đã và đang thực hiện. Theo các chuyên gia du lịch, dư luận và công luận nên có cái nhìn khách quan và công tâm hơn để ngành Du lịch tập trung vào những nhiệm vụ lớn, kỳ vọng lớn mà Đảng, Nhà nước và xã hội giao phó.

Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Hãy nhìn vào những vấn đề lớn của ngành Du lịch

Hiện nay, có nhiều ý kiến đánh giá tiêu cực về ngành Du lịch nhưng chúng ta hãy nhìn vào những vấn đề lớn hơn chứ không thể sa lầy vào những việc nhỏ của ngành Du lịch. Chúng ta phải nhìn nhận rằng Du  lịch thời gian qua đã có sự tăng trưởng cao chưa từng có. Mốc tăng 2 triệu du khách quốc tế trong năm 2016 và khả năng tăng được 3 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay là tiềm năng có thể thấy rõ. Điều này thể hiện rằng ngành Du lịch đã bước sang một giai đoạn mới.

Hiện nay, tất cả các địa phương đều rầm rập bước vào thời kỳ phát triển du lịch. Phải đến 2/3 địa phương trên cả nước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và có những kế hoạch phát triển lĩnh vực này. Rõ ràng, DL đang rất phát triển, rất thành công, thu hút cả nguồn lực của cả xã hội cho phát triển du lịch.

Nhiệm vụ đặt ra cho ngành DL trong năm 2017 là tăng trưởng 30%. Đây là con số mơ ước của nhiều quốc gia. Ngành DL có thể đạt được 30%, thậm chí 50% nếu như có nguồn lực mạnh mẽ, nhưng thực tế nguồn lực của ngành Du lịch vẫn rất nhỏ bé, quỹ dành cho xúc tiến chỉ khoảng chưa đến 2 triệu đô la. Quỹ xúc tiến Du lịch đề xuất  10 năm  rồi nhưng chưa thành hiện thực và đến thời điểm này vẫn được đưa ra bàn luận rất là nhiều. Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi đã được hoàn thiện trình Quốc hội và Quốc hội sẽ xem xét bấm nút thông qua vào ngày 19/6 tới đây, tuy nhiên, tại tọa đàm hôm nay, vẫn còn có nhiều ý kiến tranh luận. Đây là những vấn đề chúng ta cần quan tâm của ngành DL.

Chúng tôi nghĩ rằng các ngành khác cũng cần đồng cảm với ngành DL trong việc thực hiện nghiêm túc những công việc đã được Chính phủ giao phó.

Ông Nguyễn Công Hoan – Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hanoi Redtours: So với các ngành khác, ngành Du lịch xử lý vấn đề trước sai sót rất nhanh

Nếu theo dõi sát sao sự phát triển Du lịch thì sẽ nhận thấy sự thay đổi rất lớn của ngành DL thời gian qua. Lượng khách DL tăng lên liên tục trong những năm gần đây. Những năm gần đây, trong khi những ngành khác đang gặp khó khăn và có dấu hiệu đi xuống thì ngành Du lịch vẫn là điểm sáng.

Nhờ nỗ lực vận động của ngành Du lịch và những thành tích ấn tượng về lượng khách, doanh thu đóng góp cho nền kinh tế, Đảng, Nhà nước và xã hội đã nhận thức Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là điều rất có ý nghĩa.

Ngoài ra, qua những số liệu thống kê, chúng ta cũng thấy rõ, sự phát triển của ngành DL vừa qua đã góp phần tạo công ăn việc làm rất nhiề cho xã hội. Sự tăng trưởng của ngành DL đã giúp kéo theo sự tăng trưởng của các ngành nghề khác.

Tuy nhiên, Du lịch là ngành dịch vụ, có tính chất liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao. Mọi vấn đề xảy ra đều có thể khiến dư luận quan tâm, để ý rất nhiều. Đây là niềm vui nhưng cũng là áp lực rất lớn của ngành DL. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng ta không thể tránh khỏi sơ suất, có thể sơ suất trong quá trình thực hiện, hoặc sơ suất từ phát ngôn, hoặc sơ suất từ việc truyền tải văn  bản… dẫn đến những cách hiểu sai, gây ra thông tin không tốt trong dư luận xã hội.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận, so với những ngành khác thì phản ứng trước sai sót của ngành Du lịch rất nhanh. Ngay sau khi xảy sai sót thì đã Bộ VHTTDL đã sửa sai ngay và đã có người nhận trách nhiệm. Điều quan trọng nhất là thiệt hại chưa xảy ra. Rõ ràng, so với nhiều sai sót của những ngành khác như ngân hàng, tài chính, đóng tàu…, thiệt hại đã rõ ràng và kéo dài thì chúng  ta sẽ thấy sự cố vừa qua của ngành DL là rất nhỏ.

Ông Nguyễn Tiến Đạt – Giám đốc Công ty Du lịch Transviet Travel: Cần có cái nhìn công tâm hơn với ngành Du lịch

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành nghề khác. Ví dụ, du khách đi lại, di chuyển liên quan đến giao thông, ăn uống thì liên quan đến y tế… Tôi nhớ câu chuyện cách đây vài năm, một du khách nước ngoài đi taxi ở phố cổ Hà Nội và bị chặt chém. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã phải đến tận nơi để xin lỗi du khách. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc này, đơn vị có trách nhiệm đầu tiên phải là Sở Giao thông Hà Nội, hoặc chính quyền địa phương... Đó không phải hoàn toàn trách nhiệm của ngành Du lịch. Nhưng thường cứ có vấn đề gì đến du khách thì dư luận đều cho rằng đó là thiếu sót, là trách nhiệm của ngành Du lịch và không ai chịu trác nhiệm, do vậy ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phải đi xin lỗi. Nếu mà cứ như vậy thì ngành DL xin lỗi suốt ngày, không làm được gì cả.

Thực tế thời gian qua ngành Du lịch đã có sự chuyển mình và đang có nhiều việc phải làm như xây dựng Dự thảo Luật Du lịch và Quốc hội sắp xem xét, triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị để đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt tốc độ tăng trưởng 30% trong năm 2017… Những nhiệm vụ này của ngành Du lịch đều rất khó, trong khi bản thân ngành Du lịch không thể tự quyết mọi vấn đề vì còn liên quan đến nhiều ngành, nhiều đơn vị khác.

Nếu có những vấn đề sai sót liên quan đến công tác chỉ đạo, văn bản, ngành DL phải thẳng thắn nhận trách nhiệm, thực tế ngành DL nhận lỗi rồi và cũng cần tránh để xảy ra những vấn đề tương tự. Tuy nhiên, dư luận cần có cái nhìn công tâm hơn vì ngành DL đang đứng rất nhiều trọng trách, nhiệm vụ./.

Lâm Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ