(Tổ Quốc) - Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 23 đến ngày 24/1.
Chủ tịch nước chủ trì lễ đón trọng thể Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức
Chiều 23/1, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân chủ trì Lễ đón trọng thể Tổng thống và Phu nhân Cộng hòa Liên bang Đức.
Đoàn xe hộ tống đưa Tổng thống Đức và Phu nhân đến Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân đón Tổng thống tại nơi đỗ xe, chào mừng Tổng thống dẫn đầu Đoàn cấp cao Cộng hòa Liên bang Đức thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Trong tiếng nhạc chào mừng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mời Tổng thống Đức bước lên bục danh dự, Quân nhạc cử Quốc thiều hai nước.
Thể hiện sự coi trọng chuyến thăm, trong nghi thức Lễ đón Tổng thống Đức, nước chủ nhà Việt Nam bắn loạt đại bác chào mừng Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Sau Quốc thiều, Tổng thống Đức và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng duyệt Đội Danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiếp đó, hai nhà lãnh đạo giới thiệu thành phần Đoàn cấp cao hai nước tham dự Lễ đón.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức
Sau Lễ đón trọng thể với nghi thức bắn 21 loạt đại bác chào mừng, chiều 23/1, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cùng tiến hành hội đàm cấp cao.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhiệt liệt chào mừng Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier thăm cấp Nhà nước Việt Nam, bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và tin cậy chính trị, tạo động lực đẩy mạnh toàn diện quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Đức, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Cảm ơn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng về sự đón tiếp trọng thị và nồng hậu, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier bày tỏ ấn tượng về sự phát triển kinh tế-xã hội năng động của Việt Nam; nhấn mạnh trong gần 50 năm qua, sự gắn kết chặt chẽ và tin cậy lẫn nhau giữa hai nước không ngừng được củng cố phát triển; khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực thương mại-đầu tư, chuyển đổi năng lượng, lao động và dạy nghề, hợp tác phát triển, cũng như phối hợp chặt chẽ đóng góp cho hòa bình và các vấn đề hợp tác khu vực, toàn cầu.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên phát triển quan hệ với Đức.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước cảm ơn Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Đức đã hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam phòng, chống COVID-19, thể hiện tình hữu nghị và đoàn kết gắn bó giữa hai nước, góp phần giúp Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh và sớm mở cửa, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Trong không khí tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đã trao đổi về các phương hướng, biện pháp lớn nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Đức, cũng như chia sẻ về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về những phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam-Đức trong gần 5 thập kỷ qua, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố thông qua trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương.
Trong nhiều năm, Đức luôn là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu và Việt Nam hiện là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á. Kim ngạch hai nước năm 2023 đạt xấp xỉ 12 tỷ USD, tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua. Đức là nhà đầu tư lớn thứ tư trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam.
Nhằm phát huy nền tảng quan hệ tốt đẹp, những tiềm năng hợp tác to lớn giữa Việt Nam và Đức, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị thông qua trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương gồm Đối thoại chiến lược, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, Tham vấn Chính phủ về Hợp tác phát triển, Đối thoại về Nhà nước pháp quyền, phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam-Đức giai đoạn 2023-2025.
Hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy hợp tác hai nước trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là Trường Đại học Việt-Đức, dự án biểu tượng của quan hệ hai nước, đang vận hành hiệu quả. Tổng thống Frank-Walter Steinmeier mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để Trường Đại học Việt-Đức phát triển thành công, nhất là thu hút ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị Đức tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, ủng hộ Trường Đại học Việt-Đức mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Trong lĩnh vực kinh tế, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), tạo thuận lợi cho các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước tiếp cận thị trường của nhau. Tổng thống Đức khẳng định Việt Nam là đối tác kinh tế tin cậy, mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Việt Nam, nhất là về đầu tư. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị Đức sớm hoàn tất các thủ tục phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) và thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ thẻ vàng IUU đối với thủy sản của Việt Nam.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cảm ơn sự hỗ trợ của Đức đối với Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác phát triển trong hơn 3 thập kỷ qua, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đề nghị Đức tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, môi trường và đào tạo nghề. Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier khẳng định Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, chuyên gia, tài chính trong triển khai khuôn khổ JETP nhằm góp phần thực hiện các cam kết giảm khí phát thải về 0 đến năm 2050 mà Việt Nam đưa ra tại Hội nghị COP26.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh-quốc phòng, khoa học-công nghệ, tư pháp, nông nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đức vào năm 2025.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn Đức tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở Đức sinh sống ổn định, tiếp tục là cầu nối, đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị hai nước. Tổng thống Đức khẳng định cộng đồng 200 ngàn người Việt Nam tại Đức hội nhập thành công, đóng góp tích cực cho xã hội sở tại.
Trên bình diện quốc tế, hai nước nhất trí phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và đa phương như khuôn khổ hợp tác ASEAN-Đức, ASEAN-EU, Liên hợp quốc.
Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), ủng hộ tiến trình đàm phán COC thực chất, hiệu quả giữa ASEAN và Trung Quốc.
Sau Hội đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đã cùng chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận hợp tác về lao động di cư giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Lao động và Xã hội Liên bang Đức.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier
Chiều 23/1, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.
Nồng nhiệt hoan nghênh chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân, Chủ tịch Quốc hội vui mừng chào đón Tổng thống tại Tòa nhà Quốc hội Việt Nam. Tòa Nhà do các kiến trúc sư tài năng của Đức thiết kế.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong đường lối đối ngoại của mình, Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên phát triển quan hệ với Cộng hòa Liên bang Đức, cường quốc hàng đầu ở châu Âu và trên thế giới; mong muốn làm sâu sắc quan hệ Đối tác Chiến lược với Đức trên kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng và tự hào về thành quả hợp tác to lớn, toàn diện đạt được sau gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hơn một thập kỷ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Quan hệ Việt Nam-Đức đang phát triển mạnh mẽ hướng tới tương lai tươi sáng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng thống ủng hộ hai bên tăng cường hợp tác Nghị viện; phối hợp tổ chức các hoạt động có ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2025; thúc đẩy hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.
Tổng thống Frank-Walter Steinmeier bày tỏ vui mừng cho rằng, chặng đường gần 50 năm qua mỗi nước ngày càng trở thành những quốc gia quan trọng hơn. Quan hệ hợp tác thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao, các cấp. Nhất là trong năm 2023 vừa qua, hợp tác giữa một số bộ, ngành hai nước được triển khai tích cực, trong đó việc có thu hút nhân lực Việt Nam sang Đức làm việc.
Tổng thống cho biết, với mục tiêu tăng cường quan hệ hợp tác hai nước, trong đó có Quốc hội, chuyến thăm lần này trong đoàn có đại diện nghị sỹ Quốc hội Đức. Điều này thể hiện sự coi trọng việc phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước, hai Quốc hội. Nhìn lại gần 50 năm qua, tình hình địa chính trị trên thế giới có nhiều thay đổi. Trong tổng thể quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức, giá trị của hòa bình, quan điểm giải quyết các xung đột bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế là những giá trị chung mà hai nước đề cao và tôn trọng.
Tổng thống Frank-Walter Steinmeier nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội cho rằng hợp tác kinh tế là trụ cột của quan hệ hai nước, đang phát triển tích cực và còn rất nhiều tiềm năng. Với mong muốn tăng cường trao đổi kinh tế, thương mại, tham gia đoàn lần này có đại diện các doanh nghiệp Đức với mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đức là đối tác kinh tế hàng đầu, là thị trường của gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU và Đức là cửa ngõ cho hàng Việt Nam đi các thị trường châu Âu. Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Đức ở Đông Nam Á và đứng thứ 7 ở châu Á.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp Đức thời gian qua có những đóng góp tích cực trong việc hoàn thiện thể chế, pháp luật tại Việt Nam; khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn lắng nghe các ý kiến, nỗ lực hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp của Đức.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng thống tiếp tục ủng hộ và khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam về công nghiệp nặng, năng lượng, thiết bị y tế, dược phẩm, cơ sở hạ tầng giao thông...
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Đức đã ủng hộ ký Hiệp định thương mại tự do EVFTA; đồng thời đề nghị Tổng thống Frank-Walter Steinmeier ủng hộ Quốc hội Đức sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EVIPA, mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp Đức tiếp tục mở rộng đầu tư-kinh doanh thành công tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Chính phủ Đức đã cung cấp ODA giúp Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ qua về cải cách kinh tế vĩ mô, môi trường, y tế, giáo dục, đào tạo nghề... góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả của phía Đức trong lĩnh vực này. Đức hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn tài chính xanh giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển Kinh tế xanh, bền vững, thực hiện cam kết COP 26 (net zero) vào 2050 và mong Đức chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thể chế, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ.
Theo Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, góp phần tăng cường quan hệ kinh tế 2 nước thì việc tháo gỡ các rào cản hành chính là rất quan trọng ở cả hai nước. Cụ thể, về phía Đức là cải tiến, giảm nhẹ quy định thủ tục để tiếp nhận nhận lao động chuyên môn từ Việt Nam.
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, tài chính là vấn đề quan trọng. Đức quan tâm hợp tác công nghệ với Việt Nam. Cùng với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0, hai nước sẽ sớm hợp tác trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy quan hệ giữa Quốc hội hai nước không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp, trong cả khuôn khổ song phương và đa phương; đánh giá cao hợp tác trao đổi đoàn giữa hai bên ở cấp cao và giữa các Ủy ban chuyên trách, nhóm Nghị sỹ hữu nghị; tham vấn tại các diễn đàn quốc tế như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP), tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ kinh nghiệm về lập pháp, giám sát, ra quyết sách đối với vấn đề quan trọng của quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống pháp luật, mong muốn hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với phía Đức, một quốc gia châu Âu có hệ thống pháp luật rất phát triển. Quốc hội hai nước tăng cường phối hợp giám sát và đôn đốc thực hiện các Thỏa thuận hợp tác mà Chính phủ hai nước đã ký kết, các dự án hợp tác chiến lược; ủng hộ Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân hai nước tăng cường giao lưu và hợp tác.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tổng thống Frank-Walter Steinmeier quan tâm, ủng hộ việc thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Đức-Việt nhằm tăng cường hơn nữa tình hữu nghị và sự hợp tác giữa Quốc hội hai nước.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tham quan Văn Miếu, dạo phố Hà Nội
Trưa 23/1, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân Elke Büdenbender đã có một số hoạt động tham quan di tích lịch sử văn hóa của Thủ đô và thăm cơ sở văn hóa của Đức tại Hà Nội.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và phu nhân tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đến một ngõ nhỏ ở Hà Nội để thưởng thức cà phê, sau đó sang Viện Goethe.
Tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân đã nghe hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử trường đại học đầu tiên của Việt Nam; chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc cổ, dừng chân tại Khuê Văn Các, vườn bia Tiến sỹ, Điện Đại Thành...
Ông Frank-Walter Steinmeier bày tỏ sự quan tâm đến những giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật của Di sản tư liệu thế giới- 82 tấm bia Tiến sỹ - và đánh giá cao truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng nhân tài của dân tộc Việt Nam. Tổng thống Đức đã đánh một hồi trống trong quần thể Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Sau khi tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Tổng thống Đức và Phu nhân đã dạo bộ ngắn trải nghiệm cuộc sống đời thường của người dân Thủ đô một ngõ nhỏ gần Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Tại con ngõ này, vợ chồng nguyên thủ Đức dừng lại uống cà phê. Sau đó, Tổng thống Đức di chuyển sang Viện Goethe Hà Nội.
Tại Viện Goethe Hà Nội, một tổ chức văn hóa phi lợi nhuận của Đức, hoạt động trên phạm vi toàn thế giới, Tổng thống Đức đã gặp gỡ và trò chuyện với các nhóm sinh viên và học viên nhiều ngành nghề chuẩn bị sang Đức học tập, làm việc.
Chiều cùng ngày, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân tới đặt vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ (đường Bắc Sơn-Hà Nội).
Theo Chương trình, trong chiều nay, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân sẽ dự Lễ đón chính thức do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân chủ trì. Tiếp đó, hai nhà lãnh đạo sẽ tiến hành hội đàm, chứng kiến lễ ký và trao đổi các văn kiện hợp tác, gặp gỡ báo chí...
Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương đang tiếp tục đi vào chiều sâu và có những bước phát triển thực chất trên nhiều lĩnh vực.
Càng ý nghĩa hơn nữa, khi đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Frank-Walter Steinmeier trong năm 2024 và chuyến thăm chính thức cấp cao đầu tiên giữa hai nước trong năm mới 2024 - năm bản lề hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.
Đây cũng là chuyến thăm thứ hai của một Tổng thống Đức tới Việt Nam trong lịch sử quan hệ hai nước kể từ khi nước Đức thống nhất. Trước đây 17 năm, Tổng thống Đức Horst Kohler đã tới thăm Việt Nam vào tháng 5/2007.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Đức xem múa rối nước
Chiều 23/1, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Đức, bà Phan Thị Thanh Tâm - Phu nhân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và bà Elke Büdenbender - Phu nhân Tổng thống Đức đã cùng thưởng thức chương trình múa rối nước tại Nhà hát múa rối Thăng Long (phố Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Hai Phu nhân thưởng thức các vở diễn như chú Tễu; bật cờ hội; múa rồng; chăn trâu thổi sáo; nông nghiệp cấy cày; múa tiên và múa tứ linh.
Nghệ thuật múa rối truyền thống là bộ môn nghệ thuật dân gian gắn liền với đời sống tinh thần của người dân Việt Nam, được ra đời ở vùng Đồng bằng châu thổ Sông Hồng, miền Bắc Việt Nam, vùng đất luôn nóng ẩm, có nhiều sông ngòi, hầu như các làng xóm đều có ao, hồ và trở thành sân khấu rối nước. Điều này lý giải vì sao phong cảnh trên sân khấu rối nước đều về thôn quê, cánh đồng, cây tre và các tiết mục mang đậm chất dân dã nông thôn Bắc Bộ như câu cá, cấy lúa...
Hai Phu nhân bày tỏ ấn tượng với các vở diễn và tài năng của các nghệ sỹ - những người ngâm mình trong nước để điều khiển con rối; chúc các nghệ sỹ sẽ luôn nhiệt huyết với nghề, để giữ gìn bản sắc riêng của múa rối nước Việt Nam.
Để hiểu rõ hơn về nghệ thuật múa rối nước và công việc của các nghệ sỹ, hai Phu nhân đã thăm hậu trường, trò chuyện với các nghệ sỹ, cán bộ và nhân viên của Nhà hát múa rối Thăng Long.
Phu nhân Phan Thị Thanh Tâm mong rằng, thông qua các tiết mục biểu diễn, Phu nhân Elke Büdenbender sẽ hiểu rõ hơn về hình thức nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Bắc Bộ của Việt Nam.
Chủ tịch nước và Phu nhân chủ trì chiêu đãi trọng thể Tổng thống Đức và Phu nhân
Tối 23/1, tại Nhà hát lớn, Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân chủ trì chiêu đãi trọng thể Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Phát biểu tại chiêu đãi, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Đức vào tháng đầu của năm mới 2024 và bên thềm Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, mang đến cho Việt Nam những tình cảm hữu nghị ấm áp và niềm tin tốt đẹp vào tương lai tươi sáng của quan hệ hai nước.
Chủ tịch nước cho biết, nước Đức được người Việt Nam biết đến là quốc gia phát triển hàng đầu, một trong những cái nôi khởi nguồn của những tư tưởng nhân văn vĩ đại về phẩm giá con người và giải phóng con người; nơi có những phát minh đặt nền móng cho sự phát triển của văn minh nhân loại; tinh thần Đức, ý chí Đức đã trở thành biểu tượng cho sự nỗ lực, vượt lên đau thương, mất mát để tiến lên, như nhà thơ, nhà triết học Friedrich Schiller đã viết "vương quốc chính trị chao đảo, vương quốc tinh thần vẫn tiếp tục được dựng xây."
Nhấn mạnh, nền tảng quan hệ, hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Đức được khởi nguồn từ những năm 50 của thế kỷ trước, Chủ tịch nước cho biết, mối quan hệ đó luôn được củng cố, tăng cường và phát triển bởi nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước. Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược (năm 2011), quan hệ Việt Nam-Đức đã có những bước tiến vững chắc, đạt nhiều thành tựu quan trọng, ngày càng mở rộng trên tất cả lĩnh vực.
Chủ tịch nước vui mừng khi trong đoàn tháp tùng Ngài Tổng thống có sự hiện diện của một số cá nhân ưu tú trong cộng đồng người Việt Nam tại Đức; tin tưởng, cộng đồng gần 200 nghìn người Việt Nam đang sinh sống tại Đức và hàng chục vạn người Việt Nam đã học tập, lao động tại Đức, biết tiếng Đức là lực lượng quan trọng thúc đẩy hơn nữa giao lưu nhân dân, tình hữu nghị và hiểu biết giữa hai quốc gia.
Trong chặng đường sắp tới, Việt Nam mong tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hiệu quả với Đức trong các lĩnh vực truyền thống và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực nhiều tiềm năng như chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, hợp tác lao động...; chung tay làm sâu sắc hơn quan hệ song phương đang phát triển tốt đẹp, tích cực tham gia giải quyết các thách thức chung của khu vực và toàn cầu trên tinh thần Đối tác chiến lược, vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Phát biểu đáp từ tại chiêu đãi, Tổng thống Đức cho biết đây là lần thứ 3 thăm Việt Nam (trước đó là các năm 2008 và 2016) và lần nào cũng cảm thấy như lần đầu tiên. So với cách đây 8 năm, Việt Nam đang chuyển động không ngừng, tầng lớp trung lưu gia tăng, nền kinh tế vẫn luôn tăng trưởng và mọi người đều hướng về phía trước. Tổng thống tin tưởng với tốc độ phát triển như hiện nay, 8 năm tới tại đây có ô tô điện tự hành được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo.
Tổng thống Đức nêu rõ, điều kết nối người Đức với Việt Nam chính là quá khứ chung của hai nước. Đó là nền tảng hình thành nên sự đa dạng và sâu sắc trong tình hữu nghị Đức-Việt. Thương mại khởi sắc, đầu tư được đẩy mạnh, trao đổi văn hóa, khoa học và xã hội diễn ra sôi động, không kém phần quan trọng là các hoạt động hợp tác chính trị giữa hai Nhà nước và người dân hai nước.
Cùng chung quan điểm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng thống Đức nhấn mạnh đến nền tảng rất quan trọng trong quan hệ hai nước chính là mối quan hệ chặt chẽ giữa nhân dân hai nước, trong đó có 200 nghìn người Việt Nam đang sinh sống làm việc tại Đức và nhiều người nói tiếng Đức. Đây chính là nhân tố, chất kết dính, đặt nền móng cho sự hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa giữa Đức và Việt Nam.
Bày tỏ ấn tượng về truyền thuyết Táo Quân tại Việt Nam mà chỉ 10 ngày nữa là dịp các vị Táo Quân cưỡi cá chép bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng, Tổng thống Đức chia sẻ, nếu được gặp Táo Quân, Tổng thống sẽ nhờ chuyển lời tới Ngọc Hoàng rằng Tổng thống rất biết ơn về mối quan hệ khăng khít giữa hai nước Việt Nam và Đức.
Tổng thống cho rằng, từ quá khứ chung hai nước có được sức mạnh cho tương lai, một tương lai chung mang dấu ấn của thương mại và đầu tư, trao đổi lao động lành nghề, hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như bảo vệ khí hậu, cùng thúc đẩy tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương và hòa bình.
Sau chiêu đãi, Chủ tịch nước và Phu nhân mời Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân cùng đoàn cấp cao hai nước thưởng thức chương trình nghệ thuật do Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thể hiện.
Các nghệ sỹ nhạc Jazz tài năng hàng đầu của Việt Nam đã trình diễn các tiết mục nhạc Jazz vô cùng đa dạng: từ những tác phẩm kinh điển nổi tiếng thế giới đến những làn điệu dân ca bình dị của Việt Nam; từ tác phẩm lãng mạn tiêu biểu nhất của dòng Tân nhạc Việt Nam những năm 1950 cho đến những kiệt tác cổ điển của Beethoven và Johan Sebatian Bach...
Bằng sức sáng tạo và sự nhiệt huyết, các nghệ sỹ đã mang đến một buổi trình diễn đầy cảm hứng cùng thông điệp về tình cảm và lòng mến khách của người Việt Nam với lời chúc cho sự hợp tác, tình hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức ngày một phát triển vì hạnh phúc và phồn vinh của hai dân tộc./.