• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuỗi hoạt động tiếp theo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hungary

Thời sự 20/01/2024 16:25

(Tổ Quốc) - Tiếp theo những hoạt động tại Hungary, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Katalin Novák; Phó Chủ tịch Quốc hội Jakab István và có bài phát biểu về chính sách tại Đại học của Hungary...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Hungary, bà Katalin Novák

Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 19/1, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hungary, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Hungary, bà Katalin Novák. 

Chuỗi hoạt động tiếp theo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hungary - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Hungary Katalin Novák. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại cuộc hội kiến, Tổng thống Katalin Novák nhiệt liệt hoan nghênh chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam, coi đây là dấu mốc quan trọng trong quan hệ đối tác toàn diện Hungary-Việt Nam, đồng thời đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới. 

Bà khẳng định Hungary luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất ở khu vực Đông Nam Á và mong muốn quan hệ hợp tác với Việt Nam tiếp tục phát triển sâu rộng trên tất cả lĩnh vực trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, trở thành một mô hình kiểu mẫu trong hợp tác Đông-Tây.

Tổng thống Hungary cũng chia sẻ những tình cảm đặc biệt mà cá nhân bà dành cho đất nước và con người Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được đến thăm đất nước Hungary tươi đẹp, đồng thời chúc mừng những thành tựu to lớn mà Hungary đã đạt được trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập châu Âu. 

Thủ tướng cảm ơn sự tiếp đón chân tình, trọng thị của các nhà lãnh đạo và nhân dân Hungary dành cho đoàn, khẳng định trong triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với các nước bạn truyền thống, trong đó có Hungary là đối tác ưu tiên tại khu vực Trung Đông Âu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thông báo với Tổng thống Katalin Novák về những kết quả quan trọng mà hai bên đã đạt được trong cuộc hội đàm giữa hai thủ tướng, bao gồm những định hướng lớn nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hungary trên mọi lĩnh vực. 

Tổng thống Katalin Novák đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ triển khai các thỏa thuận đạt được nhân chuyến thăm nhằm tận dụng tối đa những tiềm năng, dư địa vốn có để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế-thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo, văn hóa, giao lưu nhân dân giữa hai nước…

Về chính trị-ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, làm nền tảng để thúc đẩy và mở rộng hợp tác song phương trên mọi phương diện. 

Tổng thống Hungary bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chuyển lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và khẳng định sẽ sớm thăm Việt Nam ngay trong năm 2024.

 Hai nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới. 

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tổng thống Katalin Novák khuyến khích các doanh nghiệp Hungary đẩy mạnh hợp tác kinh doanh, liên danh đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực Hungary có thế mạnh như dược phẩm, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, năng lượng tái tạo, quản lý nước... 

Tổng thống Hungary đề nghị hai bên sớm phối hợp tổ chức Khóa họp lần thứ 10 của Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế Việt Nam-Hungary nhân chuyến thăm Việt Nam tới đây của Tổng thống.

Chuỗi hoạt động tiếp theo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hungary - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Hungary Katalin Novák. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Về giáo dục-đào tạo, hai bên hoan nghênh những kết quả tích cực đã đạt được thời gian qua trong lĩnh vực hợp tác truyền thống này với việc hiện có khoảng gần 1.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường đại học của Hungary bằng học bổng do Chính phủ Hungary cấp, đồng thời đánh giá cao hợp tác trực tiếp hiệu quả giữa các trường đại học và cơ sở đào tạo hai nước.

Về hợp tác tại các diễn đàn quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Katalin Novák nhất trí tiếp tục duy trì tiếp xúc bên lề các diễn đàn đa phương, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Á--Âu (ASEM), cơ chế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Liên minh châu Âu (EU) nhằm đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. 

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí sẽ tăng cường hợp tác để đối phó với những thách thức toàn cầu mới như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, già hóa dân số…

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ của chính quyền các cấp Hungary đối với cộng đồng người Việt Nam tại Hungary thời gian qua và mong rằng cộng đồng người Việt Nam tiếp tục được tạo điều kiện thuận lợi để ổn định cuộc sống, hội nhập ngày càng sâu rộng vào xã hội sở tại, có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Hungary, cũng như quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Hungary.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến với Phó Chủ tịch Quốc hội Hungary Jakab István

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hungary, sáng 19/1 tại thủ đô Budapest, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội kiến với Phó Chủ tịch Quốc hội Hungary Jakab István.

Chuỗi hoạt động tiếp theo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hungary - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Phó Chủ tịch Quốc hội Hungary Jakab István. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại cuộc tiếp, Phó Chủ tịch Quốc hội Hungary hoan nghênh chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam đến Hungary, khẳng định chuyến thăm là sự kiện quan trọng, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp giữa hai nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Jakab István bày tỏ ấn tượng về các thành tựu kinh tế-xã hội mà Việt Nam đã đạt được thời gian qua cũng như vai trò, vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định Việt Nam luôn là đối tác ưu tiên trong chính sách "hướng Đông" của Hungary.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chân tình mà lãnh đạo Quốc hội và các nghị sỹ Hungary dành cho đoàn; đánh giá cao việc Hungary coi Việt Nam là đối tác ưu tiên tại khu vực Đông Nam Á; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Hungary.

Thông báo về kết quả hội đàm giữa hai Thủ tướng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Quốc hội Hungary ủng hộ, hỗ trợ chính phủ hai nước triển khai các thỏa thuận hợp tác quan trọng mà hai bên đã đạt được trong chuyến thăm trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo, văn hóa, khoa học-công nghệ, lao động...

Hai bên bày tỏ vui mừng về những phát triển tích cực trong quan hệ hai nước, nhất là về chính trị-ngoại giao, trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước và Quốc hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phát triển năng động trong hợp tác giữa hai Quốc hội thời gian qua với việc trao đổi đoàn thường xuyên giữa lãnh đạo Quốc hội, các ủy ban và hai nhóm nghị sỹ hữu nghị; hoan nghênh việc hai Quốc hội đã ký thỏa thuận hợp tác nhân chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Hungary vào tháng 6/2022.

Hai bên thống nhất tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn giữa hai Quốc hội; phát huy hơn nữa vai trò cầu nối của Nhóm Nghị sỹ hữu nghị hai nước; phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn Liên nghị viện.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Chủ tịch Quốc hội Hungary Jakab István nhất trí đẩy mạnh hợp tác kinh tế tương xứng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, thông qua việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp, dược phẩm, chế biến thực phẩm đồng thời tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo...

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chân thành cảm ơn Quốc hội Hungary là Quốc hội đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) đã phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), đồng thời đề nghị Quốc hội Hungary thúc đẩy Quốc hội các nước EU còn lại sớm phê chuẩn hiệp định này cũng như ủng hộ việc Ủy ban châu Âu (EC) sớm dỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn Quốc hội và chính quyền các cấp của Hungary đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam hòa nhập và sinh sống ổn định tại Hungary.

Phó Chủ tịch Quốc hội Jakab István đánh giá cộng đồng người Việt Nam cần cù, chăm chỉ, đóng góp tích cực cho kinh tế-xã hội sở tại, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng người Việt phát huy vai trò một cách hiệu quả nhất, tiếp tục là cầu nối phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về chính sách tại Đại học của Hungary 

Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Hungary, chiều 19/1 (giờ địa phương), tại thủ đô Budapest, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Đại học Hành chính công Quốc gia Hungary.

Chuỗi hoạt động tiếp theo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hungary - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại học Hành chính công Quốc gia Hungary về chính sách của Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đại học Hành chính công quốc gia Hungary là tổ chức giáo dục và nghiên cứu hàng đầu của Hungary và từng là cái nôi đào tạo nhiều nhà lãnh đạo, nhà quân sự kiệt xuất của Hungary.

Tiến sỹ Gergely Deli, Hiệu trưởng Đại học Hành chính công quốc gia Hungary cho biết cá nhân ông từng học tập tại Việt Nam, nghiên cứu về luật Việt Nam; Đại học Hành chính công Hungary cũng có mối quan hệ hợp tác rất tích cực với các trường đại học Việt Nam.

Hiệu trưởng Deli bày tỏ ấn tượng với lòng hiếu khách, nền văn hóa và hệ giá trị quốc gia của Việt Nam, cũng như sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam những năm qua; nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với Việt Nam đối với Hungary trong bối cảnh hiện nay, cũng như ý nghĩa quan trọng trong phát biểu về chính sách của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Phát biểu trước đông đảo các đại biểu chính giới, quân sự, ngoại giao, các học giả, nhà nghiên cứu và sinh viên, Thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung đề cập, phân tích về những ấn tượng với đất nước, con người Hungary; tình hình thế giới hiện nay; con đường, mục tiêu và chính sách của Việt Nam; quan hệ đối tác toàn diện, tình hữu nghị Việt Nam-Hungary.

Thủ tướng cũng ấn tượng với truyền thống rất hào hùng của nhân dân Hungary trong xây dựng và bảo vệ đất nước; truyền thống học thuật, những đóng góp quan trọng của Hungary đối với tri thức, khoa học, nghệ thuật thế giới, đồng thời cho rằng cách tư duy, tiếp cận, phương pháp luận giải quyết các vấn đề của người Hungary có sự khác biệt, bản sắc rất riêng. 

Gần đây nhất, Tiến sỹ Katalin Kariko - người Hungary là một trong những người đầu tiên phát minh ra ARN - công nghệ đang được sử dụng trong việc điều chế các loại vaccine phòng, chống COVID-19 tân tiến nhất thế giới, đã được giải Nobel y học năm 2023 và cứu sống hàng triệu người trước đại dịch.

Khái quát về tình hình thế giới hiện nay, Thủ tướng cho rằng về tổng thể là hòa bình nhưng cục bộ có chiến tranh; về tổng thể là hoà hoãn nhưng cục bộ có xung đột; về tổng thể là ổn định nhưng cục bộ có căng thẳng.

Theo Thủ tướng, thế giới cũng đang nổi lên nhiều vấn đề lớn như già hóa dân số, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Đây đều là những vấn đề toàn cầu, không quốc gia nào bình yên nếu quốc gia khác có vấn đề; đây cũng là những vấn đề mang tính toàn dân.

Do đó, để giải quyết những vấn đề này cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế; đồng thời có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, làm mục tiêu, mọi chính sách phải hướng tới người dân, người dân tham gia xây dựng, thực hiện và thụ hưởng chính sách.

Cùng với đó là quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; luôn đặt con người và sự vật, hiện tượng trong sự vận động và phát triển; không quá bi quan khi tình hình xấu đi và cũng không quá lạc quan, không chủ quan, lơ là khi tình hình thuận lợi, luôn sẵn sàng chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Thủ tướng điểm lại những nét lớn về sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ đất nước; mục tiêu tổng quát, những định hướng lớn, quan điểm xuyên suốt, những bài học kinh nghiệm quý báu; những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới của Việt Nam, đặc biệt là về đối ngoại và hội nhập.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần văn hoá soi đường cho quốc dân đi, văn hoá còn thì dân tộc còn.

Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng "Bốn không."

Chuỗi hoạt động tiếp theo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hungary - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao thoả thuận hợp tác giữa một số trường của Việt Nam và Trường Đại học Hành chính công Quốc gia Hungary. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng cho biết Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều đau thương, mất mát, thiệt hại nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, liên tục bị tác động bởi chiến tranh, bao vây, cấm vận. Cho đến nay, trong thời bình, hằng ngày vẫn có thêm những người bị thương do bom đạn còn sót lại, nhiều người vẫn chịu nỗi đau do chất độc da cam…

Tuy vậy, Việt Nam đã "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai" để biến thù thành bạn, từ đối đầu thành đối thoại; từ chỗ bị bao vây cô lập đã trở thành hình mẫu về hàn gắn, vươn lên sau chiến tranh với quan hệ đối ngoại rộng mở, toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Chia sẻ thêm về vấn đề quốc phòng, an ninh, Thủ tướng cho biết Việt Nam rất yêu hòa bình, thấu hiểu giá trị của hòa bình, ủng hộ hòa bình, song "lúc hòa bình phải luôn chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng xảy ra chiến tranh và trong chiến tranh phải nghĩ tới lúc hòa bình".

Khẳng định Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, Thủ tướng cũng nêu rõ Việt Nam còn có rất nhiều khó khăn, thách thức; vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, sức chống chịu hạn chế, độ mở lớn.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa hào hùng hơn 4.000 năm của dân tộc, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, bối cảnh thế giới hiện nay.

Huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng chia sẻ với bạn bè Hungary 5 bài học kinh nghiệm quý báu qua quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: (1) Kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; (2) Nhân dân làm nên lịch sử; sự nghiệp cách mạng là của toàn dân, do dân, vì dân; (3) Đoàn kết tạo nên sức mạnh, gồm đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; (4) Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài; (5) Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Theo Thủ tướng, một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Việt Nam đạt được những thành tựu, kết quả nói trên là sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có Hungary. Hungary là bạn bè truyền thống, là đối tác toàn diện đầu tiên của Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu (năm 2018).

Theo Thủ tướng, tuy xa cách về địa lý, Hungary và Việt Nam luôn luôn gũi về tình cảm, đoàn kết và gắn bó, giúp đỡ trong gần 3/4 thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước cũng có sự tương đồng về lịch sử và chia sẻ về nhiều giá trị chung.

Điểm lại những thành tựu và dấu ấn trong quan hệ hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ và nhân dân Hungary trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển ngày nay của Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh Hungary luôn bên cạnh Việt Nam trong những lúc khó khăn, như trong thời kỳ chiến tranh. Gần đây nhất, Hungary là một trong những nước đầu tiên hỗ trợ Việt Nam về vaccine, đã chia sẻ hàng trăm nghìn liều vaccine cùng nhiều trang thiết bị y tế cho Việt Nam đúng vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất, khi "mỗi liều vaccine cứu được một người", góp phần giúp Việt Nam khống chế đại dịch, phục hồi và phá triển.

Hungary cũng đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đàm phán, ký EVFTA và là quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Hungary là quốc gia cấp học bổng nhiều nhất cho sinh viên Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu; là nước cấp nguồn viện trợ phát triển (ODA) lớn nhất cho Việt Nam trong khu vực Trung Đông Âu.

Nhân dịp này, Thủ tướng chia sẻ với các sinh viên Việt Nam và Hungary về đam mê học tập, nghiên cứu, khát vọng vươn lên, tinh thần sẻ chia, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, từ đó có hướng đi phù hợp, góp phần xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, hài hòa lợi ích riêng trong lợi ích chung, như câu nói "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau," hay như câu tục ngữ Việt Nam "một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ."

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành hai nước tiếp tục tạo điều kiện, thúc đẩy thế hệ trẻ hai nước tiếp tục kết nối, nhân dân hai nước tiếp tục giao lưu, kế thừa thành quả, truyền thống của những thế hệ đi trước và làm sâu sắc hơn, phong phú hơn để tình hữu nghị giữa hai nước, nhân dân hai nước ngày càng được củng cố, mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hungary luôn xanh tươi, bền vững, ngày càng đơm hoa kết trái, giúp mỗi nước phát triển hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hai nước ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ ngành hai nước đã chứng kiến các cơ quan, đơn vị hai nước trao 9 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo.

 Kêu gọi các doanh nghiệp Hungary tìm hiểu cơ hội, mở rộng hợp tác với Việt Nam 

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hungary, chiều 19/1 (giờ địa phương) tại thủ đô Budapest, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cùng dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hungary.

Chuỗi hoạt động tiếp theo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hungary - Ảnh 6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hungary. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary và Cục Xúc tiến xuất khẩu Hungary đồng tổ chức. Cùng dự diễn đàn có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội và đông đảo các doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Hungary.

Tại diễn đàn, các đại biểu được giới thiệu về tiềm năng, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và Hungary; nghe giới thiệu về khả năng và kế hoạch đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp hai nước. 

Đặc biệt, diễn đàn dành thời gian để các doanh nghiệp đặt câu hỏi và được lãnh đạo các bộ, ngành hai bên giải đáp các vấn đề quan tâm như: chiến lược phát triển kinh tế của mỗi nước; các lĩnh vực ưu tiên; cơ chế chính sách; thủ tục, hạ tầng, nguồn nhân lực… Cùng với đó, doanh nghiệp hai bên cùng trao đổi, kết nối để hợp tác đầu tư, kinh doanh.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau gần 75 năm thiết lập, quan hệ Việt Nam-Hungary không ngừng phát triển tốt đẹp.

Ngay trong chuyến thăm này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc hội đàm, hội kiến với Thủ tướng, Tổng thống, Phó Chủ tịch Quốc hội Hungary. Hai bên thể hiện sự tin cậy chính trị cao; nhất trí thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Đây là môi trường chính trị thuận lợi, nền tảng quan trọng để doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác đầu tư.

Thông tin tới diễn đàn về quá trình giành độc lập dân tộc và xây dựng phát triển đất nước, nhất là đường lối phát triển đất nước, đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc…, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đến nay đã thuộc nhóm 40 nền kinh tế có quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn nhất thế giới; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 160 USD lên gần 4.300 USD năm 2023; nằm nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đến nay, Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 nước.

Năm 2023, tình hình thế giới, khu vực có nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát. GDP tăng 5,05%.

Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 683 tỷ USD; xuất siêu kỷ lục 28 tỷ USD...

Việt Nam huy động mọi nguồn lực xã hội, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Hiện nay Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm: đột phá về hoàn thiện thể chế pháp luật; đột phá về phát triển hạ tầng và đột phá về đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính. 

Qua đó, giảm chi phí đầu vào của sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp; giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đầu tư kinh doanh ổn định, lâu dài, hiệu quả tại Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang làm mới các động lực cũ là "xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư" và bổ sung các động lực mới là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Việt Nam luôn bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp; khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ," "hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp."

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hungary tìm hiểu cơ hội, mở rộng hợp tác, đầu tư với Việt Nam, vì lợi ích của chính mỗi doanh nghiệp, vì sự phát triển của mỗi nước, vì quan hệ Việt Nam-Hungary và vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng mong muốn và hy vọng, vào dịp kỷ niệm 150 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hungary, mỗi nước sẽ hùng cường, thịnh vượng hơn; người dân mỗi nước ấm no, hạnh phúc hợn; quan hệ Việt Nam-Hungary bền chặt, thực chất, hiệu quả hơn; góp phần thiết thực hơn vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cho biết, ông và các nhà lãnh đạo Hungary vừa có các cuộc hội kiến, hội đàm rất thành công với Thủ tướng Phạm Minh Chính. 

Hungary chúc mừng, đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, với tỷ trọng xuất siêu đạt 28 tỷ USD trong năm 2023 và có nhiều doanh nghiệp lớn, tầm cỡ khu vực và thế giới. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác, đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực một bên có thế mạnh và bên kia có nhu cầu.

Nhắc lại quá trình lịch sử, phát triển của Hungary, Thủ tướng Viktor Orbán cho biết, Hungary là nền kinh tế phát triển đa dạng; người Hungary có nhiều phát kiến khoa học, công nghệ; GDP của Hungary có sự đóng góp 80% từ xuất khẩu. Hungary là thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Đây là những lợi thế để doanh nghiệp nói chung, trong đó doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân mỗi nước.

Thủ tướng Viktor Orbán cho biết, Hungary ủng hộ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Với vai trò, vị trí của mình trong EU, Hungary tiếp tục thúc đẩy để các nước còn lại sớm phê chuẩn EVIPA, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam có mặt nhiều hơn trên thị trường EU.

Theo Thủ tướng Hungary, trở ngại lớn nhất trong quan hệ, hợp tác giữa Việt Nam và Hungary hiện nay chính là khoảng cách về địa lý. Do đó, Thủ tướng Viktor Orbán đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp hai nước nghiên cứu mở các đường bay trực tiếp Việt Nam-Hungary để nối gần khoảng cách giữa hai dân tộc, thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác đầu tư…

Thủ tướng Hungary cho biết hiện nay hằng năm có khoảng 900 lưu học sinh Việt Nam học tập tại Hungary. Thủ tướng Viktor Orbán mong muốn những sinh viên đang học tập tại Hungary sẽ trở thành những đại sứ thúc đẩy, vun đắp quan hệ Việt Nam-Hungary ngày càng phát triển.

Thủ tướng Hungary hy vọng sang năm 2025, khi ông tới thăm Việt Nam sẽ được nghe các bộ, ngành, cơ quan báo cáo, với các kết quả hợp tác cụ thể được bắt đầu từ chuyến thăm này của Thủ tướng Phạm Minh Chính nói chung và diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hungary nói riêng.

Trước đó sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc tại Công ty Gedeon Richter Plc - một trong những doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu dược phẩm lớn nhất ở Trung và Đông Âu.

Lãnh đạo công ty cho biết Gedeon Richter là công ty dược phẩm và công nghệ sinh học đa quốc gia, được dược sỹ Gedeon Richter thành lập vào năm 1901, với trụ sở chính đặt tại Budapest, Hungary.

Năm 2021, doanh thu hợp nhất của Richter đạt 1,8 tỷ euro (1,9 tỷ USD). Hiện Richter có khoảng 50 văn phòng đại diện phân phối sản phẩm trên thế giới, trong đó có Việt Nam (từ năm 1995), đang vận hành văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty nêu một số góp ý và mong tiếp tục được tạo điều kiện để hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những thành tựu y học và dược phẩm của Hungary cũng như kết quả hoạt động của Gedeon Richter Plc. Công ty cũng đã có lịch sử gắn bó và hoạt động lâu dài tại Việt Nam, có những đóng góp nhất định vào việc phát triển ngành y tế Việt Nam.

Theo Thủ tướng, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp với bề dày lịch sử hơn 70 năm giữa Việt Nam và Hungary đã và đang phát triển hết sức tích cực trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế, dược phẩm.

Việt Nam hết sức coi trọng phát triển ngành y tế và ngành dược, đặc biệt là trong bối cảnh các thách thức an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. 

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư sản xuất thuốc tại Việt Nam, chuyển giao công nghệ sản xuất từ các cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài đối với thuốc phát minh còn bản quyền, biệt dược gốc, vaccine và sinh phẩm y tế; tập trung phát triển các lĩnh vực từ sản xuất, phân phối, lưu thông, đảm bảo chất lượng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn… 

Đồng thời, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch, giúp doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dược phẩm, tập trung vào sáng tạo và phát triển.

Trên cơ sở hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Công ty Gedeon Richter đẩy mạnh hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, thông tin khoa học, kinh nghiệm quản lý, giúp Việt Nam nâng cao năng lực ngành dược, thực hiện mục tiêu phát triển ngành dược; tăng cường hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ sản xuất các loại thuốc đặc trị, thuốc hiếm với Việt Nam. 

Cho biết Việt Nam có rất nhiều loại dược liệu quý, Thủ tướng đề nghị Công ty Gedeon Richter tăng cường phối hợp nghiên cứu, phát triển các loại dược phẩm dựa trên các dược liệu của Việt Nam./.

Hồng Nhung (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ