(Tổ Quốc) - Từ nguồn vốn Chương trình 135 đã từng bước tạo điều kiện cho người dân nghèo DTTS trên địa bàn huyện Bá Thước (Thanh Hóa) được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tham gia vào công cuộc giảm nghèo.
- 15.12.2022 Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số
- 14.12.2022 Quảng Bình: Nhiều kết quả đạt được trong công tác triển khai thực hiện chính sách dân tộc
- 13.12.2022 Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam “chuyển mình” để song hành cùng du khách thời 4.0
Bá Thước là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, trung tâm huyện lỵ cách thành phố Thanh Hóa khoảng 120 km. Toàn huyện có diện tích tự nhiên 7.522,02 ha, dân số trên 111 nghìn người, gồm 3 dân tộc Thái, Mường, Kinh sinh sống. Huyện hiện có 21/21 xã, thị trấn và là xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; có 205 thôn, bản, khu phố, trong đó có 187 thôn phố có trên 2/3 số hộ trong thôn, phố là hộ dân tộc. Tỷ lệ hộ nghèo là 29,45%, tỷ lệ hộ cận nghèo 39,20%. Trong đó hộ nghèo là người DTTS chiếm đến 84%, tỷ lệ hộ cận nghèo là người DTTS chiếm đến 90%.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bá Thước, những năm qua người dân vùng DTTS trên địa bàn huyện đã nhận được nhiều Chương trình hỗ trợ của Chính phủ trong đó có Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQ) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong những năm qua, MTTQ các cấp trong huyện Bá Thước đã thực hiện tốt chức năng của mình, đặc biệt là việc giám sát thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững theo Quyết định 1722/QĐ-TTg. Giai đoạn 2016-2020, Chương trình 135 huyện Bá Thước đã được đầu tư xây dựng được 142 công trình, trong đó có 121 công trình giao thông, 10 công trình thủy lợi, 6 công trình Nhà văn hóa, 4 công trình trường học và 1 công trình chợ, các công trình khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho việc giao thương giữa các địa phương, góp phần cải thiện đáng kể nhu cầu thiết yếu cho người dân.
Có thể nói, cùng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành từ tỉnh, huyện đến cơ sở và có sự đồng thuận của nhân dân, hệ thống các công trình được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135 đã từng bước tạo điều kiện cho người dân nghèo DTTS trên địa bàn được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tham gia vào công cuộc giảm nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bá Thước cho hay, từ những kết quả đạt được của từng hợp phần Chương trình 135 có thể khẳng định đây là chương trình hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từng nội dung đầu tư, hỗ trợ đều có tác động trực tiếp thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội, xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào DTTS.
Chương trình 135 cũng đã giúp đồng bào DTTS thoát nghèo nhanh, bền vững. Công tác quản lý, điều hành của chính quyền cấp xã được quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn truyền đạt những kỹ năng tổ chức thực hiện và những thông tin, những kinh nghiệm tập quán, kỹ thuật sản xuất trong đồng bào DTTS có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn được đầu tư, nâng cấp nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi. Con em đồng bào DTTS đến trường, bệnh viện được thuận lợi so với trước đây.
Ngoài ra, Chương trình 135 cũng tạo điều kiện cho người dân, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tham gia có hiệu quả vào giám sát việc triển khai thực hiện các dự án của Chương trình trên địa bàn.
Cũng theo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bá Thước, dù đạt được nhiều kết quả, nhưng quá trình thực hiện chương trình cũng cho thấy vẫn còn tồn tại một số khó khăn bất cập. Mới đây, tại Hội thảo "Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác triển khai thực hiện và giám sát thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN khu vực Bắc miền Trung", Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bá Thước cũng đã đề xuất, kiến nghị một số giải pháp.
Theo đó, cần phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về nội dung, mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2030, các chương trình, dự án chính sách dân tộc đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, nhằm giúp cho đồng bào DTTS phát triển sản xuất, ổn định kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tập trung triển khai có hiệu quả các dự án, chính sách thuộc chương trình, phối hợp lồng ghép với các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh như: CTMTQG về giảm nghèo bền vững; CTMTQG xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong triển khai thực hiện các dự án, chính sách dân tộc.
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ các cấp trong huyện cần tiếp tục phát huy vai trò giám sát trong thực hiện các dự án; hướng dẫn cơ sở phát huy, khơi dậy lòng dân, nhằm tăng cường tiếng nói dân chủ, tạo sự đồng thuận; đặc biệt, cần chủ động thành lập đoàn giám sát trước khi dự án được thực hiện... Thực hiện tốt công tác đánh giá sơ kết, tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình, dự án.
Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS. Thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội của đồng bào DTTS, tạo điều kiện cho người dân tham gia sinh hoạt, tạo không khí phấn khởi, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào DTTS.