• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Giảm hơn 300 giờ học, con trẻ thoát cảnh quá tải?

Giáo dục 27/12/2018 17:24

(Tổ Quốc) - Chiều ngày 27/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức họp báo công bố về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình mới khẳng định sẽ giảm bớt sự quá tải đè lên học sinh.

Kế thừa nhưng khác biệt so với chương trình cũ

So với chương trình GDPT cũ, chương trình GDPT mới đã kế thừa được những ưu điểm bao gồm: về mục tiêu giáo dục được xây dựng trên quan điểm coi mục tiêu GDPT là giáo dục con người toàn diện, phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mĩ; Về phương châm giáo dục kế thừa các nguyên lí giáo dục nền tảng như "Học đi đôi với hành", "Lí luận gắn liền với thực tiễn", "Giáo dục ở nhà trường kết hợp với giáo dục ở gia đình và xã hội"; Về nội dung giáo dục được kế thừa từ Chương trình GDPT hiện hành, nhưng tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực một cách hiệu quả hơn; 

Về hệ thống môn học, trong chương trình mới, chỉ có một số môn học và hoạt động giáo dục (HĐGD) mới hoặc mang tên mới; Về thời lượng dạy học, chương trình mới có thực hiện giảm tải so với chương trình hiện hành nhưng không có sự xáo trộn về thời lượng dạy học giữa các môn; Về phương pháp giáo dục, chương trình mới định hướng phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều.

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Giảm hơn 300 giờ học, con trẻ thoát cảnh quá tải? - Ảnh 1.

Chương trình mới kế thừa và phát huy chương trình cũ (Ảnh: Minh Khánh)

Chương trình GDPT mới vừa kế thừa và phát triển những ưu điểm của Chương trình GDPT hiện hành, vừa khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình này. Chương trình GDPT cũ được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn. Theo mô hình này, kiến thức vừa là "chất liệu", "đầu vào" vừa là "kết quả", "đầu ra" của quá trình giáo dục. Vì vậy, học sinh phải học và ghi nhớ rất nhiều nhưng khả năng vận dụng vào đời sống rất hạn chế. Trái ngược với chương trình cũ, chương trình mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kì vọng.

Chương trình GDPT mới cũng phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Chương trình GDPT mới chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học. Việc áp dung chương trình mới cũng bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.

Giải tỏa sự "quá tải" trong chương trình cũ

Chương trình GDPT mới áp dụng 6 biện pháp "giảm tải" bao gồm: giảm số môn học và hoạt động giáo dục; Giảm số tiết học; Giảm kiến thức kinh viện; Tăng cường dạy học phân hoá, tự chọn; Thực hiện phương pháp dạy học mới và đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục.

Cụ thể, đối với việc giảm số môn học và hoạt động giáo dục, theo chương trình tiểu học mới, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học. Chương trình mới của các lớp THCS đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học. Chương trình mới của các lớp THPT đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học.

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Giảm hơn 300 giờ học, con trẻ thoát cảnh quá tải? - Ảnh 2.

Chương trình mới sẽ giảm tối đa 300 giờ học cho học sinh (Ảnh: Minh Khánh)

Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học; có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn. Chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học. Như vậy, số giờ học ở cấp tiểu học giảm từ 2.838 giờ xuống còn 2.353 giờ.

Đối với hai cấp học còn lại, là THCS, số giờ học sẽ giảm từ 3.124 giờ xuống còn 3.070 giờ và ở THPT giảm từ 2.546 giờ, học sinh ở ban A và ban C học 2.599 giờ xuống còn 2.284 giờ.

Chương trình GDPT mới lấy việc phát triển phẩm chất và năng lực thực tiễn của học sinh làm mục tiêu, cho nên xuất phát từ yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực ở từng giai đoạn học tập để lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp, giảm bớt đáng kể kiến thức kinh viện, làm cho bài học nhẹ nhàng hơn thay vì trang bị kiến thức cho học sinh, như trước.

Bên cạnh đó, chương trình GDPT mới là một chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình. Được chọn những nội dung học tập (ở cả ba cấp học) và môn học (ở cấp THPT) phù hợp với nguyện vọng, sở trường, học sinh sẽ không bị ức chế, dẫn tới quá tải, mà ngược lại, sẽ học tập hào hứng, hiệu quả hơn.

Các giải pháp nói trên đã góp phần quan trọng giảm tải chương trình. Tuy nhiên, để khắc phục được triệt để nguyên nhân gây quá tải, cơ quan quản lí nhà nước ở địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên cần phối hợp chặt chẽ để quản lí việc dạy thêm học thêm; các bậc cha mẹ học sinh cũng cần tính toán để giúp con xây dựng kế hoạch học tập, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lí, tránh tạo thêm áp lực cho con ngoài giờ học ở trường.

Bạch Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ