Liệu chất lượng thí sinh là lí do duy nhất khiến các chương trình tìm kiếm nhóm nhạc không bùng nổ tại Việt Nam thời gian gần đây?
Còn nhớ, từ cách đây nhiều năm, những chương trình thực tế tìm kiếm nhóm nhạc như Yo! Cùng Ước Mơ Xanh hay Sáng Bừng Sức Sống luôn thu hút đông đảo khán giả bởi sự mới lạ, năng lượng tươi trẻ đến từ các thí sinh. Thế nhưng, theo thời gian, nhất là trong thời đại 4.0 này, việc khán giả được tiếp cận nhiều hình thức giải trí, những nền âm nhạc chuyên nghiệp, những công ty đào tạo thần tượng hàng đầu đã khiến yêu cầu của người xem ngày càng cao. Để là một thần tượng được chào đón rộng rãi, kỹ năng toàn diện của thực tập sinh là điều tiên quyết, và một công nghệ lăng xê hiệu quả, nhiều kinh nghiệm là yếu tố không thể thiếu.
Vote For Five: Nỗ lực mang mô hình idol trở lại
Khi truyền thông loan tin Vote For Five được sản xuất bởi WePro - nơi phát hiện nhiều thế hệ thần tượng cho khán giả trẻ Việt, nhiều khán giả đặt kỳ vọng được chứng kiến gameshow sống còn tuyển chọn thần tượng chất lượng như những gì chuỗi Produce của Hàn Quốc từng "làm mưa làm gió".
Vote For Five được sản xuất nhằm tìm ra nhóm nhạc 5 thành viên, độ tuổi 18-28 trên khắp cả nước. 100 người tham gia tuyển chọn, trải qua thời gian đào tạo kỹ năng, luyện tập, biểu diễn theo chủ đề dưới sự đánh giá của dàn nghệ sĩ đình đám như Đông Nhi, Trúc Nhân, Isaac, kết hợp cùng bộ đôi Host (MC) Trịnh Thăng Bình và Hari Won.
Tuy nhiên khán giả chưa kịp nhớ mặt điểm tên ai, chương trình đã thẳng tay loại 50 người. Số lượng giảm nhưng chất lượng không đảm bảo. Xuyên suốt chương trình, khán giả nhận thấy số thí sinh tiềm năng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sự chỉn chu, chuyên nghiệp và quan trọng hơn cả là tài năng thí sinh chưa thực sự nổi bật, thay vào đó là nhiều tranh cãi xoay quanh kỹ năng của các ca sĩ trẻ, cũng như quy mô đầu tư. Dù không thể đặt ngang với những chương trình tương tự tại Hàn Quốc nhưng so sánh là điều khó tránh khỏi.
Vote For Five gây tranh cãi vì chất lượng thí sinh.
Thay vì những sân khấu ấn tượng, có điểm nhấn, Vote For Five được quan tâm hơn từ những màn trình diễn theo kiểu "mạnh ai nấy chạy", hát tiếng Việt nhưng người nghe tưởng nhầm là giọng nước ngoài, đó là chưa kể tới chuyên chênh phô, nhảy sai nhịp làm chính các giám khảo cũng phải lên tiếng.
Ca sĩ Trịnh Thăng Bình thẳng thắn nói anh không thích phiên bản Khác Biệt To Lớn của đội thi. Trúc Nhân dùng từ "chê" khi nhận xét sân khấu trình diễn, Đông Nhi nói: "Nếu không thuộc về khả năng của mình, tại sao lại ôm vào người?". Sự hỗn loạn ở chất lượng thí sinh có sự thuyên giảm trong giai đoạn sau của chương trình nhưng vẫn chưa thể nhận lời khen ngay lập tức.
Các nhóm nhạc thần tượng ít được ưa chuộng tại Việt Nam?
Việt Nam là một trong những quốc gia nơi làn sóng Hallyu được ưa chuộng, nhất là văn hóa Kpop. Tuy nhiên, nhóm nhạc chạy theo mô hình này lại chịu số phận hẩm hiu. Monstar từ công ty giải trí ST.319 là một ví dụ, nhóm khá chật vật để trụ lại trong thị trường nhạc Việt, từng thay đổi thành viên, có giai đoạn im ắng một cách bất ngờ và cuối cùng thông báo tan rã sau 5 năm mặc dù chất lượng âm nhạc luôn được đánh giá cực tốt.
Uni5, LipB - "gà" công ty Đông Nhi - Ông Cao Thắng cũng không thể bứt phá suốt bao năm làm nghề. Nhiều khán giả biết đến các thành viên qua gameshow giải trí chứ không phải một sân khấu âm nhạc nào đó.
Monstar, LIME đầu tư nhưng bị khán giả Việt ngó lơ - Ảnh: NVCC
LIME quy tụ 3 cô gái có Liz Kim Cương, Ivone Diệu Linh, Emma Nhất Khanh là một trong những nhóm nhạc đầu tiên ở Việt Nam được đào tạo tại Hàn Quốc. Họ có nền tảng đào tạo tốt, ngoại hình đẹp nên được khán giả đặt nhiều kỳ vọng. Dù thế, các sản phẩm âm nhạc của nhóm không tạo được tiếng vang. Trong 3 năm hoạt động, Lime chỉ phát hành được 5 MV với lượng xem khá ít ỏi. Cuối cùng, nhóm tan rã, Liz, Ivone và Emma đều lựa chọn con đường hoạt động solo với nhiều ngã rẽ khác nhau.
Lí do các nhóm nhạc dần im ắng hoặc tan rã đều xoay quanh việc thiếu hit, cát-xê không đủ duy trì hoạt động, ít sân khấu và các chương trình giải trí để thể hiện cá tính...
Giám đốc âm nhạc Vote For Five nói gì về chỗ đứng của show sống còn ở Việt Nam?
Là giám đốc âm nhạc Vote For Five, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền đã có những chia sẻ xoay quanh vị trí show sống còn tại thị trường nhạc Việt sau khi chương trình kết thúc. Nói về chất lượng thí sinh mùa đầu tiên, Hứa Kim Tuyền cho biết anh khá bất ngờ vì không nghĩ các bạn trẻ lại có khả năng vừa hát vừa nhảy giỏi dù chỉ tập luyện trong thời gian ngắn. “Trong top 100 thí sinh sẽ có khoảng 10 - 20 người ở mức xuất sắc nhưng như thế cũng đủ khiến tôi bất ngờ rồi. Dĩ nhiên, chương trình nào cũng có những tiết mục tốt và chưa tốt. Ví dụ, các sân khấu như Sorry hay Tiểu Thuyết Tình Yêu được khán giả yêu thích thì tôi nghĩ chất lượng thí sinh cũng không quá tệ”, nam nhạc sĩ chia sẻ.
Nêu ý kiến về quan điểm “thị trường âm nhạc Việt không chuộng mô hình nhóm nhạc idol kiểu Hàn Quốc”, Hứa Kim Tuyền cho rằng: “Tôi nghĩ vấn đề không phải khán giả Việt không chuộng đâu mà do chúng ta chưa tìm được một nhóm nhạc mô hình thần tượng có thể đạt đủ tiêu chuẩn trong mắt mọi người. Việc này bắt nguồn từ nhiều lý do. Thứ nhất, ở Việt Nam, các ca sĩ solo sẽ dễ dàng tìm bài hát, concept hợp với mình. Chưa kể từ trước đến giờ fan Việt đã quá quen với mô hình Kpop nên khán giả cũng đòi hỏi nhiều ở nhóm nhạc Việt Nam nhiều yếu tố như hình ảnh, chất lượng âm nhạc phải tương đồng với quốc tế, thậm chí còn phải tốt hơn. Các nghệ sĩ Kpop cũng mất một khoảng thời gian dài để luyện tập, làm thực tập sinh. Các công ty cũng cần rất nhiều kinh nghiệm mới có thể tạo nên các nhóm nhạc như thế”.
Khi được hỏi có cảm thấy show sống còn phù hợp ở thị trường Việt Nam, giám đốc âm nhạc Vote For Five chia sẻ: “Nếu nói về một show sống còn với mục đích tìm ra một nhóm nhạc thì thật sự Việt Nam vẫn còn ở mức non trẻ so với những quốc gia khác. Sau khi Vote For Five kết thúc, kênh MXH chương trình cũng có hơn 100 nghìn người theo dõi, được cư dân mạng bàn luận thì đây cũng là tín hiệu tốt. Chúng ta đang ở thời kỳ khán giả khắt khe với tất cả mọi thứ nên chỉ cần thấy được tín hiệu tốt thì cứ làm thôi. Nếu chịu đặt chất lượng lên hàng đầu, chịu khó tiếp thu học hỏi thì nhà sản xuất vẫn tạo ra được những chương trình chất lượng. Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất là chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm”.
Ảnh: Vote For Five, NVCC