(Tổ Quốc) - Ngày 5/10, tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành, Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Sách về chuyển đổi số và chuyển đổi số ngành sách”.
- 04.10.2022 Cục Di sản văn hóa xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Chuyển đổi số năm 2023
- 04.10.2022 Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Chuyển đổi số năm 2023
- 04.10.2022 Ban hành Kế hoạch tuyên truyền về Ngày Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL năm 2022
- 04.10.2022 Kế hoạch thực hiện Chương trình Chuyển đổi số năm 2023 Cục Bản quyền tác giả
Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 - 10/10/2022) và Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10/2022).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Nguyên; Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Khắc Lịch chủ trì tọa đàm.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh, phát huy truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Xuất bản, In và Phát hành sách của Việt Nam đang có bước chuyển mình mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số, phát triển bền vững.
Đặc biệt, sau dịch Covid-19, sự phát triển mạnh mẽ của xuất bản phẩm điện tử cũng như sự thay đổi cách tiếp cận của bạn đọc đối với các xuất bản phẩm thông qua phương thức mua hàng trực tuyến đã tác động mạnh mẽ đến ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam.
Cuộc tọa đàm là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, quản lý chia sẻ những thông tin hữu ích về tác động của chuyển đổi số đối với ngành Xuất bản, In và Phát hành sách; những vấn đề đặt ra và giải pháp để phát huy tối đa sức mạnh của chuyển đổi số đưa ngành Xuất bản, In và Phát hành sách trở thành ngành công nghiệp văn hóa phát triển, góp phần chấn hưng văn hóa đọc Việt Nam.
Tại tọa đàm, các diễn giả đã cùng chia sẻ, trao đổi nhiều nội dung sâu sắc về xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam; chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy chuyển đổi số; trao đổi kinh nghiệm về việc thực hiện xuất bản và phát hành sách điện tử; giới thiệu những thành quả bước đầu của quá trình thực hiện chuyển đổi số ở một đơn vị xuất bản, phát hành sách điện tử…
Khẳng định chuyển đổi số là “chìa khóa” tạo bước tiến mạnh cho ngành sách Việt Nam, đem lại thời cơ lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho rằng, để chuyển đổi số thành công, phải thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, tiếp sau đó là đầu tư công nghệ và đón nhận công nghệ, đồng thời, phải vượt qua những cạnh tranh khi chuyển đổi số, nhất là vấn đề về bản quyền.
Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Nguyên, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản là xu thế chung của thế giới. Sau đại dịch, xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam cũng đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng đầu sách cũng như doanh thu bán sách.
“Đặc biệt, Hội sách trực tuyến quốc gia và sàn giao dịch sách trực tuyến Book365.vn cũng như các trang thương mại điện tử đã đáp ứng nhu cầu của bạn đọc ở những nơi xa trung tâm, giúp họ tiếp cận nhiều đầu sách mới và tiết kiệm chi phí vận chuyển,” Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu khả quan, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản cũng còn nhiều điểm hạn chế như: Việc thay đổi từ phương thức xuất bản truyền thống sang xuất bản điện tử của các đơn vị còn chậm; hình thức xuất bản điện tử chủ yếu mới chỉ dừng ở số hóa sách đã xuất bản; chưa có nhiều những hình thức mới như sách audio, sách thực tế ảo, sách tương tác giữa bạn đọc, tác giả và nhà xuất bản…
Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Khắc Lịch cho rằng cần có hành lang pháp lý đồng bộ để có thể chuyển đổi số toàn diện. “Chúng ta cần xây dựng hàng lang pháp lý chung, sau đó có văn bản hướng dẫn cụ thể, chẳng hạn chuyển đổi số trong nội bộ đơn vị xuất bản, chuyển đổi số trong kinh doanh xuất bản phẩm để phát triển kinh tế số…,” ông Nguyễn Khắc Lịch nói.
Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần sách điện tử Waka cho rằng thách thức lớn đối với những người làm xuất bản điện tử hiện nay là vấn đề vi phạm bản quyền và chi phí đầu tư cho công nghệ để thực hiện chuyển đổi số. Cụ thể, ông Đinh Quang Hoàng phân tích: “Các đơn vị xuất bản cần đầu tư vào công nghệ để có những sản phẩm chất lượng vượt trội hơn so với những sản phẩm sao chép trên các trang web ‘lậu’. Tôi lấy ví dụ sách điện tử có thể kèm theo hình ảnh, âm thanh. Các trang ‘lậu’ chỉ có thể quét được nội dung (chữ) chứ không thể sao chép được các hiệu ứng như vậy".
Trong khuôn khổ Tọa đàm, Ban tổ chức đã khai mạc trưng bày các ấn phẩm chuyển đổi số tại tầng 1, trụ sở Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (số 6/86 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội).
Tại đây, có các xuất bản phẩm về chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội cùng nhiều ấn phẩm quan trọng khác cả phiên bản giấy và phiên bản điện tử của 20 nhà xuất bản. Trong đó, tiêu biểu là các đơn vị uy tín và đi đầu về hoạt động chuyển đổi số như Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông, Nhà Xuất bản Khoa học tự nhiên và công nghệ...
Đặc biệt, trong lễ khai mạc triển lãm, cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu tới bạn đọc bản điện tử với những trải nghiệm mới, như audio thuyết minh giới thiệu sách, các hình ảnh động…
Trưng bày diễn ra đến hết ngày 15/10/2022./.