Chuyên gia giải mã tình huống bà bất lực cứu cháu kẹt trong thang máy ở Hà Nội
(Tổ Quốc) - Nhiều người đã phải thót tim, hồi hộp lẫn lo lắng khi xem đoạn clip ghi lại cảnh cháu bé loay hoay khi mắc kẹt trong thang máy, trong khi bà cố gắng giải cứu phía ngoài nhưng bất lực.
Cách đây vài ngày, đoạn clip dài hơn 3 phút ghi lại tình huống nói trên tại một chung cư trên địa bàn quận Hà Đông, khiến nhiều người quan tâm.
Theo diễn biến, cháu bé vô cùng hoảng sợ vội ấn chuông cảnh báo, đồng thời cố gắng dùng hai tay mở cửa thang máy. Phía bên ngoài, người bà cố gắng luồn tay ở thang máy cố mở cửa nhưng đều bất lực.
"Bà cố cho tay giữ cửa cho cháu, con mình trong trường hợp này không biết phải làm thế nào, sợ thật đấy", một người thốt lên khi xem đoạn clip.
"Xem xong mà rụng rời chân tay, may hai bà cháu không sao. Mọi người nên cảnh giác khi cho trẻ nhỏ đi thang máy chung cư", một cư dân mạng bình luận.
Giải cứu đúng cách như thế nào?
Liên quan đến tình huống trên, trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Đỉnh – một chuyên gia và chuyên kinh doanh trong lĩnh vực thang máy đã có giả thiết một số lỗi cơ bản bất cứ người dân nào cũng nên biết trước khi sử dụng thang máy.
Theo anh Đỉnh, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thang máy mắc kẹt, trong đó có cả lỗi từ kỹ thuật do lâu ngày không được bảo trì, hoặc nguyên nhân khách quan nào đó. Tuy nhiên, lỗi cơ bản rất hay xảy ra lại đến từ người sử dụng.
Qua quan sát tình huống trong đoạn clip, chuyên gia thang máy cho rằng "mắt thần" cảm biến đóng vai trò rất quan trọng.
Theo đó, tại hai bên cửa thang máy đều có mắt thần ở tầm trung, khi cửa thang máy mở ra nếu có người đi vào thì cảm biến sẽ tự động nhận biết (có nghĩa là khi đó cửa luôn mở) nhưng vài giây theo lập trình nếu không có vật cản thì cửa tự động đóng lại.
"Điều này mọi người chú ý, khi có nhiều người đi vào cùng lúc, người nào vào trước thì giữ cửa thang (nút bấm, hoặc đặt bàn tay trước cảm biến) để mọi người vào hết thì mới bỏ tay ra. Lưu ý, thang máy khi cửa đóng gần hết thì không nên cố gắng ra vào. Trong trường hợp thang máy đã đóng gần hết mà cả thân người không thể qua, thì lưu ý điểm đặt cảm biến (như hình 2), đặt tay vào đúng điểm cảm biến thì thang sẽ mở ra. Còn nếu đặt tay lệch vị trí cảm biến (như hình 1) thì thang máy vẫn tiếp tục đóng khiến tay sẽ bị kẹt lại", anh Đỉnh nhấn mạnh, điều quan trọng là người dân nên đọc các hướng dẫn trước khi sử dụng thang máy.
Trong trường hợp cháu bé đi cùng người lớn, cả hai phải cùng nhau đi vào hoặc đi ra thang máy. Vì cháu bé chưa có chiều cao đạt tới mắt thần cảm biến, hoặc sự chậm trễ khiến cho thang máy đã kịp đóng vào nên dẫn đến tình huống xử trí bị chậm…
Những lưu ý an toàn cha mẹ cần biết và dạy các con
1. Khi đợi thang máy
- Không nên xô đẩy, chen lấn, dàn hàng ngang trước cửa thang máy. Việc chen chúc sẽ gây mất trật tự, ảnh hưởng tới những người xung quanh và việc ra/ vào thang máy.
- Nên xếp hàng chờ vào thang máy ở bên tay trái, khi thang máy đến thì đợi mọi người đi ra hết. Sau đó các bé lần lượt đi vào, không chen lấn xô đẩy, giữ nút mở ra ở thang để cửa không bị đóng sập lại gây đau và nguy hiểm cho bản thân.
2. Khi bé chuẩn bị vào thang máy
- Khi thấy thang máy quá đông, không nên chen vào mà đợi chuyến thang máy mới có ít người hơn hoặc không có ai để đi.
- Cha mẹ nên dạy con khi thang máy vừa đến không nên ngay lập tức chạy vào mà không quan sát. Hãy đợi mọi người lần lượt ra hết rồi thì mới đi vào.
- Khi gặp tình huống bất ngờ là cửa thang máy bị đóng sập lại, không nên dùng tay để giữ cửa thang máy vì rất dễ bị thương. Thay vào đó, các bé hãy học cách bấm nút chờ/ mở cửa ra ở thang máy.
- Việc bấm lung tung sẽ ảnh hưởng tới nhiều người khác và trẻ dễ bị lạc khi không xác định được đúng tầng mình cần dừng lại.
- Hãy dặn trẻ bấm nút khẩn cấp trên thang máy để kêu gọi giúp đỡ, hoặc cha mẹ có thể cài sẵn trên điện thoại cho con những số cứu hộ khẩn cấp.
Lưu ý: Trong trường hợp thang máy đang đi đột nhiên rơi tự do, để bảo vệ tính mạng trong trường hợp khẩn cấp như thế, cha mẹ hãy trang bị thêm cho trẻ những kỹ năng như sau:
- Nắm chặt tay vịn trong thang máy để giữ thăng bằng cho cơ thể và không bị ngã, chao đảo khi thang máy đang rơi xuống. Dặn trẻ tựa thẳng lưng và đầu vào tường thang máy để tránh ảnh hưởng cột sống.
- Nằm sấp hoặc thẳng trên sàn thang máy, cách này giúp phân bố đều lực rơi trên toàn cơ thể, giúp giảm thiểu thương tích. Ngoài ra hãy để 1 tay che mặt, 1 tay gối đầu để giảm bị thương phần đầu hay có thứ gì đó rơi xuống mặt.
Trước đó, tối 15/4, lãnh đạo Công an phường La Khê xác nhận sự việc và cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin, đơn vị đã cử cảnh sát khu vực xuống hiện trường lập biên bản tiếp nhận sự việc.
Theo vị này, sự cố xảy ra do lỗi kĩ thuật của thang máy. Ngay khi xảy ra sự cố, kĩ thuật của tòa nhà đã ngay lập tức có mặt, xử lý đưa người dân ra ngoài an toàn sau khoảng 10 phút.