(Tổ Quốc) -"Du lịch đang đóng góp rất lớn cho nền kinh tế nước nhà. Năm 2018, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng. Ngoài ra, du lịch còn tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng triệu người... Đây là sự phát triển rất đúng đắn và cần thiết cho Việt Nam", chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định.
- 13.10.2019 Khai mạc liên hoan du lịch làng nghề - ẩm thực Hà Nam lần thứ II năm 2019
- 13.10.2019 Trải nghiệm không gian văn hóa, du lịch mảnh đất địa đầu Tổ quốc giữa lòng Hà Nội
- 13.10.2019 Việt Nam "thắng đậm" tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới lần thứ 26
- 13.10.2019 Dấu ấn Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới
Du lịch tạo công ăn việc làm, đem đến thu nhập cho hàng triệu người
Du lịch Việt Nam được ví như viên ngọc tiềm ẩn với vô vàn tiềm năng. Trong 10 năm, ngành du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là 3 năm gần đây, lượng khách du lịch đến Việt Nam đã tăng gấp đôi.
Năm 2018, du lịch Việt Nam đón 15.497.791 lượt khách, tăng 19,9% so với năm 2017, phục vụ hơn 80 triệu lượt khách trong nước, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng và là năm thứ ba liên tiếp, du lịch Việt Nam liên tục thăng hạng trên bản đồ du lịch thế giới. Chỉ trong nửa đầu năm 2019, Việt Nam đã đón hơn 9 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước và hứa hẹn một năm tạo đỉnh kỷ lục mới về thu hút du khách quốc tế.
Nhận định đối với những kết quả khả quan về đóng góp của ngành du lịch trong năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh: "Đóng góp vào tăng trưởng của năm 2018 cũng phải nói đến đóng góp của ngành du lịch". Phó Thủ tướng cũng nhận định thêm: "Năm 2019, ngành du lịch đặt mục tiêu 18 triệu lượt khách quốc tế. So với chỉ tiêu được giao là 17-20 triệu lượt khách vào năm 2020 thì ngành du lịch Việt Nam đã vượt chỉ tiêu tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị một triệu khách và về đích trước một năm".
Có thể nói, 2018 được xem là một năm thành công của du lịch Việt Nam với việc hoàn thành xuất sắc các kế hoạch được giao, từ đó vị thế của ngành du lịch không ngừng tăng lên.
Không chỉ thể hiện ở những con số về lượng khách, về tổng thu..., trên thực tế, ngành du lịch còn đóng góp cho nền kinh tế đất nước bằng việc đem đến công việc trực tiếp cho hàng ngàn lao động, nhân dân địa phương từ dịch vụ lưu trú như cho thuê nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn, resort, khu du lịch, bãi tắm. Đó là các công việc như: quản lý khách sạn, lễ tân, phục vụ bàn, dọn phòng, phiên dịch, đầu bếp, kế toán, quản trị kinh doanh, marketing, thư ký, nhân viên văn phòng … đến các lao động vệ sinh môi trường bãi biển, tạo dáng cây cảnh, chăm sóc khuôn viên sân vườn, bảo vệ khu du lịch, bán vé...
2018 được xem là một năm thành công của du lịch Việt Nam với việc hoàn thành xuất sắc các kế hoạch được giao, từ đó vị thế của ngành du lịch không ngừng tăng lên.
Bên cạnh đó, các dịch vụ lữ hành gồm: đường bộ, đường hàng không... tạo ra việc làm cho rất nhiều người. Ngoài ra, còn kể đến hàng trăm lao động làm việc trong các công ty, các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn chuyên chở, đưa rước hành khách theo tuyến tua riêng... Hay nhờ có du lịch mà dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí... có điều kiện phát triển, tạo ra hàng nghìn việc làm mỗi năm, góp phần tăng cao tỉ lệ lao động có việc làm, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định: "Xét về lợi ích kinh tế, du lịch đã có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế nước nhà. Du lịch phát triển mạnh mẽ và đang tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng triệu người...Đây là sự phát triển rất đúng đắn và cần thiết cho Việt Nam".
Theo phân tích của ông Lê Đăng Doanh, ngoài việc tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người, du lịch còn tham gia tích cực vào quá trình tạo nên thu nhập quốc dân, trong đó có hoạt động sản xuất ra đồ lưu niệm, chế biến thực phẩm, xây dựng các cơ sở vật chất kĩ thuật…Quá trình này làm tăng tổng sản phẩm quốc nội.
Cùng với đó, du lịch còn tham gia tích cực vào việc làm tăng thu nhập quốc dân thông qua thu ngoại tệ, đóng góp vai trò to lớn trong việc cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Điều đáng nói là tính hiệu quả trong kinh doanh du lịch được thể hiện ở chỗ, du lịch là một mặt hàng "xuất khẩu tại chỗ" những hàng hóa công nghiệp, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, đồ cổ phục chế, nông lâm sản… theo giá bán lẻ cao hơn do người bán sẽ không tốn kém nhiều chi phí giao hàng, vận chuyển, bảo hiểm, thuế xuất khẩu...
Du lịch khuyến khích và thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Du lịch không chỉ góp phần tăng trưởng dịch vụ, đóng góp cho GDP, tạo công ăn việc làm... mà còn thúc đẩy các lĩnh vực khác khởi sắc theo.
Cụ thể, nhờ lượng khách du lịch không ngừng tăng cao mỗi năm, ngành dịch vụ khách sạn và nghỉ dưỡng ngày càng được đầu tư mạnh. Đây cũng là một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất, đóng góp phần lớn nguồn thu cho ngành du lịch.
Theo con số thống kê, năm 2018 cả nước có hơn 28.000 cơ sở lưu trú với trên 550.000 buồng phòng, tăng 2.400 cơ sở so với năm trước; trong đó 113 cơ sở lưu trú được công nhận hạng 3-5 sao, 145 khách sạn 5 sao và 267 khách sạn 4 sao.
Trước đó, năm 2017 ngành du lịch khách sạn Việt Nam đã thu về 510.900 tỷ đồng, tăng 27,78% so với năm 2016. Trong năm này thị trường có 79 khách sạn cao cấp (3-5 Sao) mới được đưa vào hoạt động, trong đó có 10 khách sạn 5 sao với số phòng thêm mới là 101.400 phòng, đưa tổng số phòng năm 2017 tăng 10% so với năm 2016.
Nhờ có du lịch mà dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí... có điều kiện phát triển, tạo ra hàng nghìn việc làm mỗi năm.
Đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành khách sạn - nghỉ dưỡng là những tên tuổi lớn bên cạnh những tên tuổi lớn trong nước như Vingroup, Sun Group... còn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Nắm bắt được "miếng bánh màu mỡ" này, nhiều doanh nghiệp ngoại cũng đang "nhắm" vào ngành khách sạn tại Việt Nam. Số lượng dự án mang thương hiệu nước ngoài và sự điều hành của nhà điều hành nước ngoài tăng từ 30 vào năm 2010 lên đến 79 dự án vào cuối năm 2017 và ước tính sẽ có hơn 30.000 phòng khách sạn sẽ được đưa vào thị trường đến năm 2019.
Sự tăng trưởng này càng rõ rệt trong đầu năm 2018 khi thị trường liên tục công bố các thương hiệu điều hành mới như Mandarin Oriental (TP HCM), Movenpick (TP HCM), Best Western Premier (Quảng Bình)...
Để thúc đẩy tiềm năng của ngành du lịch, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 'Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn', trong đó đề ra những mục tiêu cụ thể phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Đề án phấn đấu đến năm 2025 tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP; tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp; nâng dần tỷ lệ lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng đạt 70%; đón và phục vụ 30 - 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa...
"Đây là mục tiêu vô cùng quan trọng mà tôi cho rằng ngành du lịch sẽ đạt được trong thời gian tới, càng sớm càng tốt", chuyên gia Lê Đăng Doanh nhấn mạnh khi chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc.