(Tổ Quốc) - Có 4 lý do để tin rằng một cuộc suy thoái kinh tế thế giới sắp diễn ra.
Kinh tế thế giới đang ở trong giai đoạn tăng trưởng 9 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 2008. Kinh tế Mỹ đã trải qua 103 tháng phục hồi và tăng trưởng. Kinh tế Trung Quốc hạ cánh mềm. Các nền kinh tế Nhật Bản, Pháp, Đức đều khởi sắc.
Tuy nhiên, Niall Ferguson, nhà sử học, Giáo sư Đại học Havard, cộng tác viên nhiều trường đại học Mỹ và Anh, người mà tạp chí Time năm 2004 đưa vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới, đã dựa trên sự tương đồng giữa tình hình hiện tại và tình hình trước cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 2008 mà dự báo sắp có một cuộc khủng hoảng kinh tế mới. Dưới đây, là những phân tích của tác giả:
Những dự đoán khủng hoảng trước 2008
Tháng 6/2006, tôi (Niall Ferguson) nhận định việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều lần tăng lãi suất sớm muộn cũng ảnh hưởng mạnh đến những hộ gia đình Mỹ đang trong tình trạng nợ nần.
Tháng 11/2006, tôi tin rằng các nước phát triển có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn như những gì diễn ra ở Nhật Bản từ những năm 1990.
Hai tháng sau, tôi nhận thấy “hoàn toàn có thể hình dung ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản quá lớn khiến giới chức tiền tệ không thể một mình xử lý… Các chính phủ phải can thiệp”.
Mùa thu năm 2007, tôi lại lập luận rằng chúng ta đang đối đầu với “tình thế hiểm nghèo hơn những gì nhiều nhà đầu tư vẫn muốn tin”, cuộc khủng hoảng có thể lan ra toàn cầu.
Tháng 12/2007, tôi dự đoán một loạt thể chế tài chính sẽ sụp đổ, giống như một “thảm họa nhân tạo – khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn – nổ ra trên toàn hệ thống tài chính toàn cầu”.
Ngày 7/8/2008, tôi dự đoán “một cơn bão toàn cầu” sẽ nổ ra, mà thuật ngữ “khủng hoảng tín dụng” không thể lột tả hết mức độ khủng khiếp của nó.
Tình hình hiện tại có nhiều dấu hiệu gợi nhớ đến những giai đoạn tiền khủng hoảng. Trong tất cả các lĩnh vực, trừ một số thị trường nhà ở, giá nhà điều chỉnh lạm phát đang cao hơn mức tiền khủng hoảng. Giá nhà ở Mỹ đã giảm ¼ từ 2006 đến 2012, hiện nay đã khôi phục và tăng lên ở mức tốt nhất từ trước đến nay. Giá căn hộ cao cấp ở New York cao hơn mức tiền khủng hoảng 19%. Thị trường bất động sản không phải lĩnh vực có biểu hiện tốt nhất trong năm 2017.
Ngày 1/1/2017, thị trường chứng khoán là lĩnh vực đầu tư thu lợi nhiều hơn. Các công ty công nghệ “FANG” (Facebook, Amazon, Netflix và Google) thu lợi nhiều nhất năm, giá cổ phiếu của những công ty này tăng từ 30-60%. Thành công nhất là Bitcoin với giá trị tăng 7 lần từ đầu năm 2017.
Bốn lý do gây lo ngại
Sau đây, xin mời cùng xem xét những lý do gây lo ngại.
Thứ nhất, bữa tiệc chính sách tiền tệ đang dần kết thúc. Fed và Ngân hàng Anh đang tăng lãi suất. Tổng tài sản của 4 ngân hàng trung ương lớn, gồm FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Anh, sẽ đạt đỉnh vào tháng 12/2018, nhưng tốc độ mở rộng đã bắt đầu chậm lại. Tăng trưởng tín dụng toàn cầu nhìn chung cũng đang chậm lại.
Thứ hai, chúng ta đang ở điểm đổi chiều về nhân khẩu học. Từ nay đến năm 2100, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc dự kiến giảm từ 1 tỷ người xuống dưới 600 triệu. Nhiều thị trường lao động rơi vào khó khăn với tỉ lệ thất nghiệp cao và những biện pháp khắc phục yếu ớt, khiến các nhà kinh tế học dự báo sẽ có tăng lương, cùng với đó là lạm phát tăng. Những nước trông chờ nguồn lao động nhập cư có thể giúp giải quyết một số vấn đề, sẽ thất vọng bởi số người này thiếu kỹ năng để tham gia lực lượng lao động hiện đại. Tỷ lệ lệ thuộc ngày càng tăng do già hóa dân số không làm tiết kiệm tăng mà làm chi tiêu tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Thứ ba, kỳ hạn 35 năm trái phiếu thị trường đầu cơ toàn cầu đang đến gần. Trái phiếu sẽ giảm giá, lãi suất dài hạn sẽ tăng lên. Câu hỏi đặt ra là liệu lạm phát có tăng tương ứng hay nhiều hơn. Nếu không, tỉ lệ lãi suất thực sẽ tăng lên với những tác động nghiêm trọng đối với những thực thể nợ nần chồng chất. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế vừa công bố “các chỉ số cảnh báo sớm về căng thẳng trong những hệ thống ngân hàng nội địa”. Hai nền kinh tế lớn nhấp nháy ánh sáng đỏ là Trung Quốc và Canada.
Thứ tư, một thế giới kế nối, với những doanh nghiệp lớn nhất chú trọng cắt giảm mọi chi phí từ mua sắm, tìm kiếm đến sử dụng mạng xã hội, là một thế giới giảm phát về cấu trúc.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), 50% hoặc nhiều hơn số công việc, từ chế biến thực phẩm đến chuyên gia tài chính, có thể được “vi tính hóa”, do công nghệ có thể thay thế toàn bộ hoặc phần lớn con người. Ví dụ, nhiều xe hơi không người lái của hãng Waymo đã xuất hiện trên đường phố Phoenix, Arizona.
Ngoài ra, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Mỹ đang tăng sản lượng dầu lửa lớn chưa từng thấy nhờ khai thác đá phiến dầu. Nếu trong tương lai, chiến tranh nổ ra giữa Iran và A-rập Xê-út, thế giới vẫn có thể tránh một cú sốc dầu lửa nghiêm trọng, ngay cả khi xe hơi chạy điện chưa phổ biến.
Các cuộc khủng hoảng tài chính không bao giờ giống nhau, nhưng một cuộc khủng hoảng tài chính khác có thể nổ ra. Khi các biện pháp quản lý tiền tệ giảm đi, khủng hoảng sẽ đến gần hơn./.
(Theo Nhật báo Hoa Nam Buổi sáng, 20/11/2017)