• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Indonesia: Tham vọng nhân 10 thành công của Bali

Thế giới 17/10/2017 20:51

(Tổ Quốc) - Tham vọng du lịch của Indonesia với chiến lược 10 Bali.

Bali chắc chắn là hòn đảo nổi tiếng nhất của Indonesia, thường xuyên được coi là một trong những điểm đến du lịch tốt nhất thế giới.

Dù hiện tại hòn đảo này đang trong tình trạng khẩn cấp với vụ phun trào núi lửa Agung, số liệu thống kê được công bố vào tuần trước vẫn cho thấy Bali luôn là một ngôi sao nổi tiếng trong ngành du lịch của nước này.

Theo Cơ quan Thống kê, gần 4 triệu du khách đã thăm hòn đảo này trong tám tháng đầu năm nay - gần một nửa lượt khách du lịch đến cả nước này trong cùng thời kỳ.

Con số này tăng 25% so với năm ngoái - khi du lịch góp 11% - tương đương 172 nghìn tỷ rupiah (17 tỷ USD) cho GDP của Indonesia.

11.5 triệu lượt khách du lịch năm 2016 tới Indonesia cũng tạo ra gần 12 triệu việc làm liên quan đến du lịch cho người Indonesia.

Tiếp nối những thành công này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đưa ra chiến lược phát triển "10 New Bali" - kế hoạch nhân rộng những ảnh hưởng kinh tế của du lịch tại Bali ra toàn quốc và đặt ra mục tiêu đón 20 triệu khách du lịch nước ngoài vào năm 2019.

Phát triển chiến lược 10 Bali

Với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, chúng tôi sẽ khởi động một chương trình gọi là 10 New Bali ", Tổng thống Jokowi, nói với các doanh nhân trong chuyến thăm Hồng Kông vào tháng 5.

Các nhà phân tích nói rằng kế hoạch đầy tham vọng để phát triển ngành du lịch này sẽ bổ sung cho chiến lược rộng lớn hơn của Tổng thống Indonesia về phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tăng cường kết nối.

Bộ Du lịch Indonesia đã liệt kê các điểm đến được phân bổ theo kế hoạch 10 Bali mới để phát triển tiếp theo, bao gồm nâng cấp sân bay và xây dựng các tiện nghi mới là Hồ Toba, Bắc Sumatra; Tanjung Lesung, Banten; Kepulauan Seribu, Jakarta; bãi biển Tanjung Kelayang, Bangka Belitung; đền Borobudur, Trung Java; núi Bromo, Đông Java; Mandalika, Tây Nusa Tenggara; Labuan Bajo, Đông Nusa Tenggara; Wakatobi, Nam Sulawesi và đảo Morotai, Bắc Maluku.

"Chiến lược này là nhằm thúc đẩy phát triển", Thứ trưởng Bộ Du lịch Dadang Rizki Ratman nói với The Straits Times vào tháng trước.

"Khởi đầu, chúng tôi đã xem xét các địa điểm có tiềm năng cao và đã mang tính biểu tượng, tuy nhiên, có số lượng khách tới tương đối thấp. Chúng tôi nhận thấy rằng tất cả đều có cùng một vấn đề đường sá kết nối và cơ sở hạ tầng".

Một điểm đến nổi tiếng với cả khách du lịch trong và ngoài nước nhưng có lượng khách thấp do không có nhiều con đường tiếp cận trực tiếp tới là Hồ Toba trên đảo Sumatra.

Hồ Toba. (Nguồn: Reuters)

Khách du lịch quốc tế đến đây thường phải bay tới Medan, và đi lại bằng đường bộ trước khi đến nơi.

Ông Joko dự kiến sẽ thúc đẩy việc nâng cấp sân bay Silangit, cách hồ Toba chưa đầy một giờ đồng hồ, trở thành một sân bay tầm quốc tế vào cuối tháng này.

Ông Dadang nói: "Hiện tại là các chuyến bay quốc tế trực tiếp đến sân bay Silangit, tiếp đó là Tanjung Kelayang vào cuối năm nay, và chúng tôi cũng đang thiết kế một sân bay mới ở Kulon Progo để phục vụ du khách quốc tế đến Borobudur".

Bộ trưởng Giao thông Budi Karya Sumadi hồi tháng trước cho biết Garuda Indonesia sẽ bay tới sân bay Silangit từ Singapore vào ngày 28/10 - đánh dấu chuyến bay quốc tế đầu tiên hạ cánh tại đây sau khi đường băng của nó được mở rộng cho máy bay thân lớn.

Thu hút thêm khách du lịch

Singapore là nguồn khách du lịch lớn nhất của Indonesia, với 1,5 triệu du khách, tuy nhiên, Indonesia cũng đang muốn thu hút thêm nhiều du khách từ Trung Quốc, Australia và Ấn Độ.

Bộ Du lịch nước  này cho biết các chuyến bay bổ sung, đặc biệt là của các hãng hàng không giá rẻ, đến và đi từ các nước này, bắt đầu vào đầu năm nay, sẽ giúp tăng số lượng khách du lịch. Cơ quan này hy vọng sẽ có 15 triệu khách du lịch vào cuối năm nay, để ngành này có thể đóng góp 13% cho tăng trưởng.

Để đảm bảo rằng việc phát triển cơ sở hạ tầng được thực hiện có hiệu quả, Bộ này cũng đã bố trí hợp lý tiến trình phê duyệt dự án, điều trước đây cần yêu cầu hợp tác với các cơ quan chính quyền địa phương.

"Ví dụ, Hồ Toba có diện tích thuộc 7 khu vực hành chính của tỉnh Bắc Sumatra", ông Dadang nói. "Làm sao chúng tôi có thể xây dựng khu vực Lake Toba nếu bảy chính quyền có những quan điểm và kế hoạch khác nhau?"

Ông nói các khu kinh tế đặc biệt cũng đã được vạch ra ở những khu vực cần phát triển cơ sở hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ như từ Singapore.

Tuy nhiên, tất cả 10 điểm đến này sẽ có các dịch vụ độc đáo của riêng họ, từ chèo thuyền yacht và lặn ở những nơi như Labuan Bajo đến những trải nghiệm văn hoá tại các di sản danh tiếng thế giới như Borobudur.

Hơn nữa, các khu vực đặc biệt cũng sẽ được xây dựng để tổ chức các cuộc họp, hoạt động chiêu đãi, hội nghị và sự kiện, hay các hoạt động MICE cũng như là du lịch thể thao.

Ông Dadang cho biết: "Trong cuộc điều tra mới nhất đối với 10 triệu du khách nước ngoài đến Indonesia, khoảng 60% trong số họ nói rằng họ đến vì văn hoá của chúng tôi và 35% vì họ muốn hưởng thụ thiên nhiên của chúng tôi".

"Vì vậy, chúng tôi muốn những nơi này có các dịch vụ hoàn hảo như Bali, có thiên nhiên, văn hóa và mua sắm."

Còn nhiều thách thức

Nhiều chuyên gia về lĩnh vực này cho rằng, Indonesia không thiếu các điểm đến, mà vấn đề là nhiều điểm đến thường bị đe dọa do thiếu hệ thống kết nối, cơ sở vật chất hoặc dịch vụ kém.

Một số nhà phân tích cũng nhấn mạnh quan ngại về an ninh, từ những cuộc biểu tình trên đường phố có khả năng trở thành bạo lực với các cuộc tấn công khủng bố của các chiến binh Hồi giáo trong nước.

Nhà nghiên cứu Syarif Hidayatullah từ Viện nghiên cứu Wiratama cho biết chính phủ đang đi đúng hướng trong việc tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng để thúc đẩy du lịch, nhưng ông lưu ý rằng không thể chỉ cam kết phát triển cơ sở hạ tầng - cũng phải thấy rằng cần có các cơ sở y tế phù hợp cùng với việc đảm bảo an ninh.

Ông Syarif cho biết, theo báo cáo cạnh tranh về du lịch và lữ hành năm 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới, Indonesia  xếp hạng kém về cơ sở hạ tầng, đứng thứ 96 trong số 136 nền kinh tế được khảo sát, và không đảm bảo về an ninh, xếp vị trí thứ 91.

WEF cho biết, xét về "các vụ khủng bố", Indonesia đứng thứ 107.

Tuy nhiên, báo cáo trên cũng cho rằng, xét về tổng thể, nước này đã có nhiều cải thiện, nâng mức xếp hạng chung lên thứ 42, tăng tám bậc so với năm ngoái. Họ nói rằng "đất nước này đã tận dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên được công nhận trên toàn cầu với giá rất phải chăng".

(Theo Straits Times)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ