(Tổ Quốc) - Topwar mới đây đã đăng tải bài viết của nhà phân tích Eduard Perov chỉ ra điểm yếu chưa thể khắc phục trên tất cả xe tăng từng được sản xuất của Nga lẫn Phương Tây.
"Chỗ hiểm" không thể che dấu trên xe tăng?
Lớp giáp của xe tăng hiện đại - có thể là hai bên hông, phần đuôi và thậm chí là phần "trán" (nóc xe phía trước) có thể cản được hầu hết các phân mảnh trong một vụ nổ đạn pháo tầm gần, tuy vậy các chi tiết bên ngoài của ống ngắm hoặc các thiết bị quang học khác có thể bị phá hủy.
Nhưng có một thứ khác cũng có thể bị ảnh hưởng bởi phân mảnh đạn pháo đối phương - nòng pháo chính.
Mặc dù được chế tạo rắn chắc bằng thép và có thể chịu được áp lực lớn khi khai hỏa - nòng pháo cũng có thể bị hư hỏng bởi phân mảnh, và thậm chí nguy hiểm hơn là có thể gây tử thương cho kíp lái xe tăng.
Vậy tại sao một lỗ đạn trên nòng pháo lại nguy hiểm?
Hình minh họa (Nguồn: w-dog.ru).
Khi đầu đạn và liều phóng được nạp và khóa nòng đóng lại - pháo chính xe tăng sẽ trở thành một hệ thống hoàn toàn kín.
Khi pháo thủ nhấn cò, đạn nổ - liều phóng bốc cháy và khí thuốc cháy không ngừng nở ra để đẩy đầu đạn với áp suất cực lớn (từ 4 tấn trở lên trên 1 cm2). Hệ thống kín của pháo sẽ chỉ được mở vào thời điểm đầu đạn rời khỏi nòng pháo.
Điều gì xảy ra nếu có ít nhất một lỗ đạn xuất hiện?
"Nhẹ nhàng" nhất là áp suất do khí thuốc cháy sẽ giảm mạnh và sơ tốc đầu nòng của đầu đạn giảm triệt để - và tệ nhất là nòng pháo sẽ vỡ ngay lập tức hoặc sau vài phát bắn.
Trên chiến trường, các phân mảnh do mìn và đạn nổ xung quanh xe tăng sẽ nhanh chóng mất đi tốc độ và khả năng xuyên phá - và có lẽ mối nguy hiểm lớn nhất đến từ những viên đạn nổ ngay trên lớp giáp xe tăng, tức là ngay gần pháo chính.
Một xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-72B3 của Nga bị phá hủy ở Ukraine. Có thể thấy viên đạn đánh trúng và phát nổ ở phần trước bên phải xe tăng và ảnh hưởng tới pháo chính.
Vậy loại đạn nào có thể gây nguy hiểm cho pháo chính xe tăng? Nhìn chung người ta có thể khai hỏa bất kể loại đạn nào vào tăng thiết giáp từ HEAT (đạn nổ mạnh chống tăng), đạn xuyên dưới cỡ... cũng như tên lửa.
Nhưng thực tế là các loại đạn nổ phân mảnh hiếm khi được sử dụng nhằm vào khí tài cơ giới hạng nặng.
Thứ thường được sử dụng sẽ là đạn HEAT-FS-T (Đạn nổ mạnh chống tăng có cánh ổn định - vạch đường) - thứ có khả năng tấn công xe tăng với 2 giai đoạn - giai đoạn 1 là một thanh xuyên cỡ nhỏ và giai đoạn 2 là 1 đạn nổ tích lũy (đạn nổ lõm).
Điều đáng chú ý ở đây là các loại đạn nổ lõm của Liên Xô và Nga phát nổ không giống như loại đạn tương tự của Phương Tây.
Tại thời điểm phát nổ, phần thân đạn nổ không đồng đều - tạo ra các phân mảnh lớn. Với khoảng cách xa - khả năng sát thương của chúng được đánh giá là thấp nhưng ở gần - chúng có thể xuyên qua một tấm thép dày hơn 10 mm.
Mặt cắt ngang đạn 125 mm BK14M HEAT-FS-T (Nguồn: armiesnews.ru).
Thử nghiệm
Để khẳng định về giả thuyết nói trên, 2 đạn HEAT-FS-T 125 mm BK14M và 115 mm BK4M đã được mang đi thử nghiệm với một mô hình xe tăng.
Một mô phỏng của pháo nòng trơn cũng được lắp đặt trên tháp pháo - phần nòng pháo được chia thành 5 phần, và đạn được kích nổ ở bán kính từ 0,4 đến 1,3 mét so với tâm nòng pháo.
Những vụ nổ thử nghiệm đầu tiên đã cho thấy sự đúng đắn của giả thuyết.
Đầu đạn BK4M phát nổ ở bán kính 0,4 mét so với tâm nòng pháo đã tạo ra 13 lỗ có diện tích trung bình là 25x15 mm và sâu từ 4 đến 8 mm.
Với lỗ có diện tích 25x35 mm đã xảy ra hiện tượng thành nòng pháo bị xuyên thủng. Và lẽ dĩ nhiên, thiệt hại như vậy khiến không cần phải bàn cãi về việc có thể khai hỏa pháo xe tăng nữa hay không.
Đồ họa miêu tả thử nghiệm ảnh hưởng của đạn HEAT với nòng pháo xe tăng (Nguồn: V. A. Gudikov, V. P. Korobochkin).
Đạn BK14M 125 mm - lớn hơn nhưng lại cho kết quả khiêm tốn hơn BK4M khi phát nổ ở cùng điều kiện.
BK14M tạo ra 16 lỗ có diện tích trung bình 43x18 mm (lớn hơn BK4M) - nhưng các mảnh vỡ không thể xuyên thủng nòng pháo.
Tuy nhiên, sức ép của vụ nổ khiến nòng pháo bị lệch tâm khoảng 1-2 mm và không thể khai hỏa được nữa.
Căn cứ vào toàn bộ báo cáo thử nghiệm dưới đây, có thể thấy trong bất kỳ vụ nổ nào thì phân nửa nòng pháo cũng sẽ bị hư hại - từ đầu nòng đến giữa nòng.
Dựa trên kết quả này - có thể thấy các tình huống nguy hiểm nhất là khi một quả đạn pháo nổ trên giáp trước của thân xe tăng, và cũng là một trong những khu vực bị bắn nhiều nhất trong thực chiến.
(Nguồn: V. A. Gudikov, V. P. Korobochkin).
Kết luận
Từ kết quả thử nghiệm, có thể thấy rõ rằng nòng pháo xe tăng có thể bị tổn thương bởi phân mảnh của đạn nổ lõm.
Do không thể hàn lại các lỗ này nên việc thay thế nòng pháo là bắt buộc và điều này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện tại chiến trường. Có nghĩa là chiếc xe tăng không thể hoạt động trong một thời gian dài.
Thử nghiệm cũng cho thấy nòng pháo của bất kỳ xe tăng nào từng được sản xuất (cả của Nga lẫn Phương Tây) cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các phân mảnh do đạn pháo phát nổ.
Cần lưu ý rằng việc bảo vệ nòng pháo của xe tăng từ lâu đã không có gì là kỳ lạ, các nghiên cứu của Liên Xô và nước ngoài về chủ đề này đều được biết đến rộng rãi.
Tuy nhiên để bảo vệ nòng pháo, người ta có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Tăng khối lượng nòng pháo sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới độ ổn định - dẫn đến việc pháo không thể khai hỏa trong một số nhiệt độ khác nhau (từ -50 độ C ở Bắc Cực tới 300 độ C sau khi khai hỏa liên tiếp).
Do đó, việc lắp đặt "giáp" bằng thép không hợp lý nhưng gốm sứ hoặc sợi thủy tinh có thể sẽ phù hợp. Giải pháp này không những loại bỏ khả năng nòng pháo bị phân mảnh xuyên thủng mà còn trở thành một lớp cách nhiệt.
Rõ ràng đây là điều mà các kỹ sư Nga cần phải suy nghĩ.
Tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) Stugna-P của Ukraine bắn trúng tháp pháo của xe tăng Nga chưa rõ chủng loại.