Cô bé người Rục với ước mơ trở thành cô giáo bản làng
(Tổ Quốc) - Em Cao Thị Lệ Hằng, học sinh lớp 12B1 trường PT Dân tộc Nội trú tỉnh Quảng Bình, người con của bản Mò o ồ ồ xã Thượng Hóa (Minh Hoá - Quảng Bình) chính là người dân tộc Rục đầu tiên bước vào giảng đường Đại học với số điểm 25,5 (sau khi được cộng điểm ưu tiên) sau hơn 60 năm lực lượng Biên phòng phát hiện đồng bào Rục sống trong hang đá và săn bắt hái lượm ở giữa núi rừng để tồn tại. Vượt qua những khó khăn của chính bản thân mình, Cao Thị Lệ Hằng, cô bé học sinh người Rục đầu tiên đã bước vào giảng đường Đại học nghị lực của chính mình sau chuỗi ngày dài miệt mài, cố gắng ở ghế nhà trường….
Niềm vui của bản làng
Tin em Cao Thị Lệ Hằng thi đậu đại học với số điểm 25,5 ( đã cộng 2,75 điểm ưu tiên) làm cả bản Mò o ồ ồ xã Thượng Hóa (Minh Hóa - Quảng Bình) đã vỡ òa trong niềm vui mừng khó tả. Bản làng không vui sao được khi Hằng là người đồng bào Rục đầu tiên thi đậu vào Đại học và hiện thực hóa ước mơ của bao thế hệ mong muốn bà con đồng bào Rục được học chữ, được đi theo con chữ để làm thay đổi cuộc sống hiện tại của bản thân, gia đình và cộng đồng sau hơn 70 năm rời hang đá.
Suốt 7 năm từ khi có được sự động viên, chia sẻ của Đồn biên phòng Cà Xèng, em Hằng đã nỗ lực không ngừng để theo đuổi ước mơ vào giảng đường Đại học. Và với số điểm 25,5, trong đó Ngữ văn 7,75 điểm, Năng khiếu điểm 8 và 7. Cao Thị Lệ Hằng trúng tuyển khoa Giáo dục mầm non trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.
Gia đình Hằng ở bản, là một căn nhà nhỏ ấm cúng của hai mẹ con. Căn nhà với rất nhiều kỷ niệm gắn chặt với tuổi thơ nghèo khó thiếu thốn của Hằng. Số phận đã không cho đứa trẻ nụ cười hạnh phúc nhất, không cho căn nhà nhỏ sự trọn vẹn khi Hằng chịu cảnh mồ côi từ nhỏ
Hằng kể lại rằng, bố em mất từ năm 2006, lúc đó em chỉ hơn 1 tuổi, nhà đông anh chị em nên một mình mẹ làm lụng quần quật cũng không đủ ăn và nuôi các con ăn học. Trong những năm tháng khó khăn, có lúc em nghĩ, cứ cố học đến đâu hay đến đó, khi nào khó quá thì ở nhà phụ mẹ để nuôi các em của mình được tiếp tục đến trường.
Ước mơ là ước mơ, và ước mơ này Hằng chỉ gói trong tâm trí của mình thôi bởi gia đình còn quá nhiều khó khăn mà cuộc sống rất phức tạp. Làm sao để vượt qua hiện tại mới có thể giúp được gia đình?. Cuộc đời của Hằng đã có những thay đổi khi vào năm 2016 Đồn biên phòng Cà Xèng đã trực tiếp đỡ đầu theo chương trình "nâng bước em đến trường" và đã trực tiếp giúp Hằng hiện thực hóa ước mơ của mình.
Được các chú bộ đội biên phòng nâng đỡ, dìu dắt, em Hằng như được tiếp thêm động lực, cố gắng phấn đấu, nỗ lực không ngừng. Suốt những năm qua, em luôn ghi nhớ lời các chú dặn: "Bây giờ có chú bộ đội giúp đỡ, không phải lo về chi phí học tập nữa, cháu học được cứ cố gắng học, sau này kiếm cái nghề giúp đỡ gia đình, và hơn nữa là thay đổi cuộc sống của bản làng".
"Các chú Bộ đội Biên phòng không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất, mỗi tháng phụ giúp cho em được 500 ngàn đồng và thường thăm, động viên, giúp gia đình em trong phát triển kinh tế, để tiếp thêm động lực giúp Hằng và các em được đến trường như bao đứa trẻ khác trong bản. Em thực sự hạnh phúc bởi kết quả này là lời cảm ơn chân thành đến sự quan tâm của các thầy cô giáo, và đây là niềm vui của em, của bản làng và của các chú Bộ đội - những người bình dị nhưng rất cao cả đối với bà con quê hương em"… Hằng tâm sự.
Quả ngọt sau chuỗi ngày cố gắng…
Ngày Hằng thông báo trúng tuyển Đại học sư phạm Huế khoa Mầm non, chị Hồ Thị Páy không dấu được niềm vui, có lẽ đây là niềm hạnh phúc và an ủi lớn nhất của chị sau những ngày tháng đau buồn vì chồng chị mất. Người đàn bà khắc khổ ấy đã một tay nuôi 6 đứa con thơ dại đang tuổi ăn tuổi lớn, mẹ con chị chật vật trải qua những ngày tháng khó khăn nhất sau khi chồng mất.
Chị thực sự hạnh phúc bởi các con của chị đứa nào cũng ngoan và ham học, chăm làm nên cuộc sống ngày càng "dễ thở" hơn. Đặc biệt, gia đình chị là một trong những gia đình được sự chia sẻ, giúp đỡ của chính quyền, của đồn biên phòng Cà Xèng trong thời gian qua. Chính vì vậy, cuộc sống của mẹ con chị Páy dần dần vượt qua giai đoạn khổ cực, giờ đây các con lớn đã lập gia đình, còn 3 đứa đang ăn học. Hơn nữa, với chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình học tập, cũng đã giúp các con của chị Páy theo đuổi ước mơ học tập. Chị sẽ cố gắng làm thêm lúa, làm rẫy, trồng rừng, chăn nuôi để có thêm tiền gửi cho Hằng trang trải chi phí học tập.
Trung tá Phạm Xuân Ninh – Chính trị viên phó Đồn biên phòng Cà Xèng - chia sẻ, nghe tin cháu Cao Thị Lệ Hằng trúng tuyển vào trường đại học Huế, anh em cán bộ chiến sĩ ở đồn rất vui mừng. Đây là "trái ngọt" của đơn vị trong những năm thực hiện chương trình "Nâng bước em tới trường", và là tấm gương để các con nuôi của Đồn biên phòng học tập và phấn đấu.
"Những năm học tại trường, trước hoàn cảnh khó khăn của Hằng, nhà trường và đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đã hỗ trợ em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để chú tâm vào việc học của mình để giấc mơ bước vào cổng trường Đại học của Hằng trở thành hiện thực"...
Thầy giáo Phạm Hồng Việt, Hiệu trưởng trường PT Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình
"Mặc dù kế hoạch đề ra chúng tôi chỉ hỗ trợ các cháu khi hoàn thành xong lớp 12, nhưng cháu Hằng là học sinh đầu tiên trúng tuyển Đại học, lại là người đồng bào Rục nên Đơn vị đã đề xuất lên Bộ chỉ huy xem xét để tiếp tục hỗ trợ cháu. Bên cạnh đó, trong thời gian cháu Hằng ở trường đại học, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành với cháu bằng cách kết nối các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đóng góp ngày lương của cán bộ chiến sĩ để sẻ chia cùng cháu giảm bớt gánh nặng chi phí học tập" - Trung tá Ninh cho hay.
Với Hằng, ngày nhận được giấy báo trúng tuyển Đại học của Trường Đại học Huế, em đã đan xen nhiều cảm xúc. Cả đêm cô học trò nghèo này cứ thao thức mãi, trong sự vui mừng còn canh cánh nỗi lo làm sao có tiền để nhập học. Bao nhiêu thứ phải trang trải trong những ngày đầu nhập trường, một mình mẹ làm sao xoay xở được. Hằng hiểu rằng phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với tình cảm và sự giúp đỡ của mọi người dành cho mình.
Em cũng đặt ra mục tiêu cho những năm tháng trên giảng đường đại học là cố gắng học tập thật tốt để có học bổng, tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng và mong muốn được trở về cống hiến cho quê hương sau khi ra trường. Ước mơ cháy bỏng của em là được làm cô giáo đã bắt đầu mở cửa, thi đậu vào Đại học mới chỉ là thành quả bước đầu, với hoàn cảnh của gia đình em chặng đường phía trước vẫn còn không ít khó khăn, thử thách.