• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Đề nghị phải có chỉ tiêu, giải pháp xây dựng khu du lịch trọng điểm

Thời sự 30/10/2021 14:47

(Tổ Quốc) - Sáng nay (30/10), tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Rất cần chỉ đạo điểm để làm bước đột phá

Bày tỏ quan tâm đến cơ cấu lại ngành du lịch, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) cho rằng, đây là một trong những ngành kinh tế chủ lực của nền kinh tế Việt Nam.

Cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Đề nghị phải có chỉ tiêu, giải pháp xây dựng khu du lịch trọng điểm để tạo động lực vực dậy ngành du lịch - Ảnh 1.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang)

Theo ĐB Kim Bé, dự thảo kế hoạch đã đưa ra đến năm 2025 thu hút khoảng 35 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 120 triệu lượt khách nội địa, du lịch đóng góp 12 %-14% GDP. Tuy nhiên, nhóm giải pháp thực hiện nhiệm vụ này vẫn còn khái quát chung chung, chưa tạo ra những điểm nhấn đột phá trong thực hiện phát triển du lịch giai đoạn tới.

Nhấn mạnh việc cần những chỉ đạo điểm để làm bước đột phá, phát triển, ĐB Kim Bé đề nghị, trong kế hoạch cần phải đưa ra các chỉ tiêu, giải pháp tập trung xây dựng các khu du lịch trọng điểm để lan tỏa, từ đó mới tạo ra động lực vực dậy ngành du lịch.

"Chính phủ cần nghiên cứu, từ đó đưa vào kế hoạch cơ cấu lại ngành du lịch phải có một số khu du lịch có tầm cỡ để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, góp phần tăng trưởng chung với các ngành kinh tế khác của đất nước" - ĐB Kim Bé nêu quan điểm.

Cho ý kiến về việc phục hồi ngành du lịch, ĐB Bùi Văn Nghiêm (Đoàn Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ cần tiếp tục ban hành chính sách và triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển ngành du lịch.

Theo đó, cần ưu tiên đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch từ quản lý nhà nước tới quản lý điểm đến, quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường quảng bá xúc tiến bán hàng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở lại du lịch quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy du lịch nội địa tại các địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh gắn với chính sách thu hút đầu tư du lịch, ưu tiên nguồn lực thúc đẩy, đầu tư tại các vùng khó khăn để khai thác tối đa tiềm năng về du lịch.

Không đưa vào kế hoạch những việc mà chính mình chưa biết phải làm thế nào

Nhận định vai trò "nhạc trưởng" của Chính phủ sẽ là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, ĐB Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh) mong rằng, các ngành, địa phương sẽ không sao chép các chỉ thị, nghị quyết một cách rập khuôn, máy móc, không đưa vào kế hoạch, chương trình hành động những việc mà chính mình chưa biết phải làm như thế nào.

Bàn về cơ cấu nền kinh tế: ĐBQH đề nghị triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển ngành du lịch - Ảnh 2.

ĐB Trần Hữu Hậu phát biểu tại điểm cầu Tây Ninh.

Đại biểu cũng đề nghị cách tiếp cận là tập trung xác định những nút thắt của nền kinh tế, của ngành, địa phương mình, từ đó đưa ra những biện pháp cụ thể, khả thi để khơi thông và tạo nguồn lực cho các ngành, địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững.

"Nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa được những nút thắt thì như xây dựng đường cao tốc mà không giải tỏa được những điểm nghẽn", ĐB Trần Hữu Hậu nói.

Nêu dẫn chứng cụ thể về việc những "nút thắt" đang hiển hiện trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, ĐB Nguyễn Hữu Hậu cho biết, ngành điện là "máu" của nền kinh tế, của sinh hoạt đời sống người dân nhưng chúng ta đang chứng kiến mâu thuẫn lớn của ngành này.

"Điện thì dư nhưng việc giảm giá thì hết sức khó khăn, chỉ khi thực sự khó khăn thì mới được giảm giá. Khung giờ 9h - 11h sáng là khung giờ vàng cho sản xuất, là khung giờ vàng cho phát điện mặt trời nhưng cũng là khung giờ cao điểm doanh nghiệp phải trả mức giá cao nhất. Nút thắt là do đâu mà bao nhiêu năm rồi nói mãi không sửa được?" - ĐB Nguyễn Hữu Hậu đặt câu hỏi.

Sớm bình ổn giá xăng, dầu

Để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh trong giai đoạn hiện nay, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề xuất Chính phủ sớm can thiệp, hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu.

Bàn về cơ cấu nền kinh tế: ĐBQH đề nghị triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển ngành du lịch - Ảnh 3.

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu sáng 30/10.

ĐB Trần Hoàng Ngân cho biết, giá xăng dầu đang tăng rất nhanh. Trong khi đó hiện nay chúng ta đang có dư địa, công cụ như: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí bảo vệ môi trường.

Cùng trao đổi vấn đề này bên hành lang Quốc hội, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, nếu giá xăng, dầu (là giá đầu vào của rất nhiều hoạt động kinh tế xã hội) cao sẽ tác động đến các lĩnh vực khác, sẽ không tốt cho nền kinh tế nói chung. Do đó, vị ĐB này cho rằng, việc đề xuất có biện pháp để kiềm chế giá xăng là điều cần thiết.

Theo ĐB Hoàng Văn Cường, trong bối cảnh giá tăng hiện nay có thể cân nhắc việc điều chỉnh giảm thuế, thuế nhập khẩu...

"Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, sức chịu đựng của các doanh nghiệp khó khăn. Chúng ta đang cần phải phục hồi nền kinh tế. Nếu giá xăng dầu tăng cao, tăng nhanh thì sẽ đẩy theo chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác, đặc biệt là những lĩnh vực như giao thông vận tải đang bị tác động ảnh rất nặng của xăng dầu", ĐB Hoàng Văn Cường nói.

Phải vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ

Phát biểu tiếp thu các ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ cấu lại nền kinh tế không phải là vấn đề mới mà đã thực hiện 10 năm rồi. Quan trọng là phải xác định rõ đã làm được gì, chưa làm được gì và thời gian tới cần thực hiện thế nào cho phù hợp với tình hình, bối cảnh mới.

Bàn về cơ cấu nền kinh tế: ĐBQH đề nghị triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển ngành du lịch - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tiếp thu các ý kiến của ĐBQH.

Cho rằng kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân hết sức cơ bản là sự quan tâm, ý thức trách nhiệm, tư duy, tầm nhìn chưa theo kịp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận còn bất cập ở các cấp, các ngành, địa phương, ảnh hưởng rất lớn thực hiện mục tiêu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng phân tích, nội hàm và bản chất của cơ cấu lại nền kinh tế là phân bổ lại nguồn lực cho phát triển trên phạm vi quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thay đổi hệ thống thể chế, chính sách, điều chỉnh trong chỉ đạo điều hành phù hợp tình hình mới, không chỉ tập trung các ngành, không gian kinh tế mà còn quan tâm lĩnh vực quan trọng, tiềm năng lợi thế, dư địa mới để hình thành ngành mũi nhọn mang tính lan tỏa vững chắc, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

"Các bộ, các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải thấy được trách nhiệm, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để quyết tâm thực hiện, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ. Phải tính đến lợi ích tổng thể, liên vùng, liên ngành. Nếu chia cắt, phân khúc sẽ khó đem lại hiệu quả chung của nền kinh tế" – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đồng thời cho biết khâu đột phá tập trung ở thể chế, chuyển đổi số và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ